Mở rộng bao phủ BHXH: Cần các cấp ngành cùng vào cuộc quyết liệt hơn

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nhiều tình thành đã giao chỉ tiêu phát triển Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tới các cấp ngành, địa phương. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn xem nhiệm vụ này là của riêng ngành BHXH Việt Nam. Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa họp thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021.

Vượt khó dịch COVID-19

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021. Các đại biểu dự phiên họp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH trong năm vừa qua. Đặc biệt, kết quả phát triển BHXH tự nguyện tới hết năm 2021 đã vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2025; ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong thanh kiểm tra, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, có nơi cấp ủy chính quyền coi công tác tuyên truyền BHXH, BHTN là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH Việt Nam. Tình trạng chậm đóng, nợ BHXH vẫn tiếp diễn, đặc biệt sau 2 năm doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Mặt khác, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHTN rất ít người được đóng theo thu nhập thực tế; nhiều đơn vị chậm đóng BHXH trên 3 năm vẫn được xem là chậm đóng, chưa phải trốn đóng, nên cần điều chỉnh quy định này. Hội đồng thẩm phán trung ương đã có nghị quyết về xử lý hành vi trốn đóng BHXH (theo Điều 216 Bộ luật Hình sự), cơ quan BHXH các địa phương đã gửi nhiều hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra khởi tố, nhưng số thực tế khởi tố chưa nhiều.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tới nay đã có 56 tỉnh thành được Hội đồng nhân dân giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT. Trong đó, có 42 tỉnh thành giao chỉ tiêu phát triển BHXH đến từng huyện; 31 tỉnh thành giao chỉ tiêu này đến cấp xã; có 61 tỉnh thành thực hiện giao chỉ tiêu phát triển BHYT.

Năm 2021, dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng theo ông Mạnh, nhờ cố gắng, sự vào cuộc của các cấp ngành, công tác phát triển BHXH, BHTN tiếp tục tăng. “Về thanh kiểm tra, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp giải pháp thanh kiểm tra trực tiếp và sàng lọc trên cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin. Nhờ đó, dù số cuộc thanh kiểm tra chưa nhiều, nhưng chất lượng đã cải thiện nhiều. Sau thanh kiểm tra, các đơn vị đã nộp tiền nợ đạt 95%”, ông Mạnh nói.

Cũng theo người đứng đầu BHXH Việt Nam, với đơn vị giải thể, phá sản còn nợ hơn 2,5 nghìn tỷ đồng BHXH, tới nay ngành đã cơ bản giải quyết xong, còn 47 tỷ đồng chưa xử lý được do chưa tìm được người lao động.

Mở rộng bao phủ BHXH: Cần các cấp ngành cùng vào cuộc quyết liệt hơn ảnh 1

Tổng Giám đốc BHXH Nguyễn Thế Mạnh thông tin về thực hiện chính sách BHXH năm 2021

Kịp thời đảm bảo quyền lợi người lao động

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, năm 2021, dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu và ảnh hưởng nặng tới trong nước, ảnh hưởng cuộc sống người lao động và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19 từ các quỹ BHXH, BHTN, như: Giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng quỹ Hưu trí, tử tuất; giảm mức đóng BHTN; hỗ trợ bằng tiền với tất cả người lao động đang tham gia BHTN; hỗ trợ đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH thêm 7,4% từ năm 2022...

Tính tới hết năm 2021, cả nước có hơn 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (tăng thêm hơn 32 nghìn người so với năm 2020), chiếm trên 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, cả nước có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần 29% so với năm trước đó. Song tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc hơn 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2020 (tương đương mức tăng gần 11%), lãi phạt chậm đóng là hơn 2,9 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chỉ tiêu phát triển BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện vẫn tiếp tục tăng, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành BHXH và các cấp ngành địa phương. Đặc biệt, việc địa phương giao chỉ tiêu phát triển BHXH đã thể hiện trách nhiệm và có sự gắn bó với cơ quan BHXH trong đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi thời gian gấp, tính chính xác cao nhưng ngành BHXH đã làm rất tốt.

Năm 2021, BHXH Việt Nam đã giải quyết lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho trên 107 nghìn người; giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho trên 1 triệu người; giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho hơn 5,6 triệu lượt người; giải quyết hưởng chế độ thai sản cho hơn 1,4 triệu lượt người. Đáng chú ý, quỹ Hưu trí, tử tuất đảm bảo chi trả cho gần 2,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, số tiền chi trả trong năm trên 131 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.