Mịt mờ thương hiệu giống thuỷ sản

Mịt mờ thương hiệu giống thuỷ sản
TP - Ở số báo trước (Tiền Phong số 196, ngày 15/7) chúng tôi đã bàn về thương hiệu lúa, gạo. Vậy thương hiệu giống thủy sản thì sao? Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh đến phát triển bền vững thuỷ sản vùng ĐBSCL.

> Thương hiệu lúa gạo - phải một thập kỷ nữa?
> Lại bàn thương hiệu

Trong nuôi trồng thủy sản, con giống có vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, dù nước ta là một trong mười quốc gia xuất khẩu thủy sản có kim ngạch cao nhất thế giới nhiều năm liền, bây giờ tìm một thương hiệu giống thủy sản tốt là không dễ.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc (GĐ) Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết Trung tâm giống của tỉnh tập trung phát triển các giống thủy sản đặc trưng gắn với sản phẩm du lịch của Hậu Giang là cá thát lát cườm, cá rô đầu vuông. Trung tâm thành lập đầu năm 2004, với 50 cán bộ nhân viên. Diện tích sản xuất giống 20ha chia làm 16 ao. Năm 2012 cung cấp 130 triệu con cá bột, 30.000 con cá giống, doanh thu 17 tỷ đồng.

Còn Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ (Trung tâm Giống thủy sản Cần Thơ) thành lập từ năm 1987 có 38 cán bộ nhân viên diện tích sản xuất trên 25ha với nhiều dãy nhà làm việc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác sản xuất giống.

Giống sản xuất ở Trung tâm gồm nhiều thứ cá trê, cá tra, cá lóc, tôm càng xanh… GĐ Trung tâm Lê Văn Tính cho rằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để sản xuất giống xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm mà thiếu kinh phí để nâng cấp, cải tạo nên hoạt động rất khó khăn, cả năm 2012 doanh thu chỉ 800 triệu đồng.

Giám đốc Tính còn chia sẻ, Trung tâm đang trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; cần khoảng 15 người thợ giỏi nhưng không tuyển được, vì chỉ tiêu biên chế chỉ cho phép tuyển trình độ đại học trở lên.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, nhưng sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng chưa tới 10%. Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, cho biết lượng tôm giống nhập ở nơi khác về hơn 90%, khó kiểm soát chất lượng là một trong những nguyên nhân làm hai năm qua, diện tích tôm nuôi của tỉnh chết bệnh gần 70%.

Tư nhân nhỏ lẻ

 Vấn đề lớn nhất hiện nay là trung tâm giống quốc doanh và tư nhân chưa có tiếng nói chung nên phân tán nguồn lực. PGS.TS Nguyễn Văn Hòa 

(Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản - Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ)

Ông Mạc Quốc Nhã, 31 tuổi, thành lập trại cá giống Quốc Nhã ở phường Phước Thới (Ô Môn, TP Cần Thơ) chỉ có vỏn vẹn diện tích 0,7 ha. Ông Nhã cho biết, đất làm trại giống ông phải thuê, từ năm 2005, mỗi năm tốn 60 triệu đồng.

Để có vốn sản xuất giống, ông Nhã lại phải vay với lãi suất trên 20%. Những giống cá ông đang sản xuất là cá thát lát cườm, rô đầu vuông, sặc rằn, cá cảnh. Trại của ông hằng năm cung cấp 10 triệu con giống. Ông Nhã cho biết, doanh thu năm 2012 trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng.

Dưới tỉnh Hậu Giang, ông Phan Văn Long, 55 tuổi, ở phường Ngã Bảy (Ngã Bảy, Hậu Giang) thuộc hàng cao niên trong nghề sản xuất giống thủy sản, đến nay đã 33 năm. Trại cá giống Đức Tài của ông Long hiện có diện tích 10 ha, trong đó ông Long phải thuê một nửa với chi phí 250 triệu đồng/năm. Ông đang sản xuất trên 20 loại cá giống như: chép, mè, rô phi, trắm cỏ, tai tượng… “Người nuôi cần loại nào, tôi sản xuất loại đó”, ông Long nói.

Hướng nào phát triển?

Trong bức tranh loang lổ giống thủy sản ở ĐBSCL thì nhu cầu của các trại giống cũng khá đa dạng nhưng các chuyên gia cho rằng, để phát triển không thể mạnh ai nấy làm, mà phải liên kết bằng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Các trung tâm giống quốc doanh đang mong muốn được ngân sách cấp thêm vốn để đầu tư khai thác cơ sở đang quản lý và có thể mở rộng thêm. Ông Trần Văn Tính, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Cần Thơ, cho biết để cải tạo 31 cái ao bị đóng đầy bùn dưới đáy, cần khoảng 1 tỷ đồng. Còn ông Lư Xuân Hội, GĐ Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, nói dù Trung tâm có hướng đi sát nhu cầu cuộc sống nhưng cũng đang gặp khó về vốn sản xuất. Ông nói: “Chúng tôi cần khoảng 15 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu phát triển, và mở rộng quy mô thêm 19 ha để sản xuất, lai tạo giống cá dầy, lươn”.

Trong lúc đó, các ông chủ trại giống tư nhân chỉ mong được nhà nước cho vay vốn dễ dàng và nếu thật sự quan tâm thì cho vay lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay buôn bán. Ông Phan Văn Long, chủ trại cá giống Đức Tài, bức xúc nói: “Từ trước tới giờ tôi mong được nhà nước cho vay ưu đãi chừng 400 triệu đồng để đầu tư sản xuất cá giống nhưng quá khó để tiếp cận”.

Còn ông Mạc Quốc Nhã, chủ trại cá giống Quốc Nhã, cũng muốn vay vốn để sản xuất cá giống “nhưng cán bộ ngân hàng nói không có chính sách hỗ trợ vay sản xuất cá giống mà ngân hàng chỉ cho vay tiêu dùng với lãi suất cao” - ông Nhã cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chuyện, Chủ trại giống Tư Chuyện, cần vốn để mua cá bố mẹ dự trữ khi thị trường hút hàng sẽ không bị động. Ông cũng muốn đầu tư nâng cấp cơ sở trại giống, “muốn được vay ưu đãi khoảng 1 tỷ đồng nhưng đó là điều mà hiện nay tôi chỉ dám mơ”.

Ý kiến chuyên gia

PGS Dương Nhựt Long, Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng “nên xã hội hóa con giống thủy sản, có sự kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật của nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng con giống”. Theo ông Long, đối với cơ sở sản xuất giống của tư nhân, cần giúp đỡ để đảm bảo các yêu cầu theo quy định nhà nước về kỹ thuật, cơ sở vật chất khi sản xuất giống cung cấp ra thị trường, đáp ứng các nhu cầu của người nuôi. Bên cạnh, trung tâm giống quốc doanh cần hỗ trợ việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân để nắm vững quy trình nuôi thủy sản.

Cùng thống nhất cần xã hội hoá sản xuất giống, nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Hòa, Trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản – Khoa thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, đề cập đến việc liên kết giữa trung tâm giống quốc doanh và tư nhân. Ông Hòa nói: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là trung tâm giống quốc doanh và tư nhân chưa có tiếng nói chung nên phân tán nguồn lực”.

Thạc sĩ Trần Văn Hận ở Khoa thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết các cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh ở ĐBSCL cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, còn lại nhập từ Thái Lan, Trung Quốc nên khả năng đảm bảo sạch bệnh là rất hạn chế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG