Sau hai scandal mới đây liên quan đến công quỹ đã khiến người tiền nhiệm của ông Miyazawa, bà Yuko Obuchi, và cựu Bộ trưởng Tư pháp Midori Matshushima, từ chức, vụ việc nhân viên của tân bộ trưởng thương mại dùng tiền công đi giải trí ở bar một lần nữa làm nảy sinh câu hỏi về vấn đề bảo đảm minh bạch trong sử dụng công quỹ.
Theo báo cáo của nhà chức trách, số tiền được chi cho cuộc vui chơi nói trên là 18.230 yên, tương đương 170 USD. Mặc dù, đây không phải là một số tiền lớn nhưng vấn đề là nó được kê khai như một khoản chi tiêu công. Các nguồn tin tiết lộ khoản chi này được kê vào danh sách “chi tiêu giải trí” trong báo cáo ngân sách chính trị của năm 2014.
Vụ việc đã làm bùng lên sự giận dữ trong dân chúng khi họ nghĩ rằng các khoản tiền nộp thuế của họ để phục vụ cho mục đích chi tiêu công đã bị các nhân viên có thẩm quyền lợi dụng cho mục đích cá nhân.
Bộ máy nhà nước và công chức được dân cử ra để thực hiện chức năng quản lý đất nước theo pháp luật và được trả công bằng tiền ngân sách. Trách nhiệm của những người làm trong bộ máy nhà nước là phải đảm bảo sự công khai và minh bạch với dân trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc sử dụng công quỹ, là tiền của dân, do dân đóng góp. Một khoản chi từ công quỹ, sau khi được công khai thì cần phải được giải trình rõ tính xác thực, cần thiết và hợp lý.
Chính vì vậy, việc không giải trình được một cách hợp lý khoản “chi tiêu giải trí” 170 USD trong báo cáo ngân sách chính trị 2014 của Bộ trưởng Miyazawa đã khiến vị tân bộ trưởng bị công luận chỉ trích về tình trạng tiêu cực, lạm dụng công quỹ của nhân viên thuộc cấp.
Rõ ràng, minh bạch trong chi tiêu công là giải pháp hàng đầu khắc phục tệ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý, tạo dựng niềm tin của dân đối với nhà nước. Người dân Nhật Bản hoàn toàn có lý khi họ đòi hỏi các công chức nhà nước phải sử dụng tiền thuế của dân một cách công khai và hợp lý.