Minh bạch, công khai về Sách giáo khoa: Cần hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT

Dù đã xã hội hóa, nhưng SGK vẫn cần sự kiểm soát của cơ quan quản lýẢnh: Như Ý
Dù đã xã hội hóa, nhưng SGK vẫn cần sự kiểm soát của cơ quan quản lýẢnh: Như Ý
TP - Sách giáo khoa (SGK) có chất lượng, mọi vấn đề về SGK được công khai, minh bạch là mong mỏi không chỉ phụ huynh mà còn của nhà giáo, nhà quản lý. 

Trao đổi với PV, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận, cho biết, năm nay Bình Thuận chọn 3 bộ SGK gồm Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức. Việc chọn sách đều do các trường chủ động. Còn phát hành được giao cho công ty sách và thiết bị trường học, các trường đăng ký, nhận sách và phải công khai trước năm học để phụ huynh biết. “Đây là năm đầu tiên đổi mới giáo dục, thay sách nên phải chuẩn bị kỹ, làm tốt để tạo niềm tin cũng như tiền đề cho những năm sau”, ông Thái nói. Hiện tại, sách đã được cung cấp đầy đủ, Sở chưa nhận thông tin phản ánh về tình trạng thiếu SGK hay tăng giá, ép học sinh mua sách tham khảo như một số địa phương khác.

Trong khi đó, tại cuộc họp công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, các trường, giáo viên đều rất tự chủ, không dễ bị chi phối, áp đặt trong việc lựa chọn SGK.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho hay, Bộ GD&ĐT quy định tài liệu tham khảo thuộc danh mục không bắt buộc mua. Ông Tài nói: “Để xảy ra tình trạng hiểu nhầm danh mục sách bắt buộc và không bắt buộc có nguyên nhân từ hai phía. Một mặt, nhà trường chủ động cung cấp thông tin không rõ ràng, không giải thích danh mục cụ thể. Ngược lại, phía phụ huynh cũng chưa nắm rõ thông tin nhưng cũng không hỏi lại và nghĩ tất cả danh mục đó là tài liệu bắt buộc. Vì thế, giải pháp là nhà trường và phụ huynh phải tăng cường trao đổi thêm”.

Bộ GD&ÐT không thể ngoài cuộc

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc. Với tinh thần mở như vậy, hội đồng thẩm định cần làm việc kỹ lưỡng, trách nhiệm và trân trọng sự đổi mới, sáng tạo của các tác giả.

Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng, về mặt lý thuyết, nhà trường hay UBND các tỉnh, thành phố sẽ phải cân nhắc lựa chọn một trong các bộ SGK, bảo đảm chất lượng, phù hợp yêu cầu của địa phương, của trường. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra yếu tố cảm tính trong việc lựa chọn này. Vì vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để quy trình lựa chọn SGK bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan.

Theo vị này, SGK là mặt hàng đặc biệt, chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước, do hội đồng liên bộ cùng cân nhắc, quyết định. Vì vậy, giá SGK của chương trình hiện hành không cao, ổn định nhiều năm, phù hợp khả năng chi trả của phần lớn người dân. Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đề ra một chương trình nhiều SGK muốn hướng tới mục tiêu xã hội hóa, cạnh tranh lành mạnh để người dân được tiếp cận, sử dụng SGK có chất lượng tốt với giá thành phù hợp.

Khi đó các NXB, tổ chức, cá nhân biên soạn, phát hành SGK sẽ tính đúng, tính đủ chi phí và có lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên, tăng giá phải có lộ trình. Còn quy định giá SGK như thế nào, có sự hỗ trợ phù hợp qua NXB hay trực tiếp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm chính sách xã hội để có sách cho tất cả học sinh sử dụng là thẩm quyền của Chính phủ.

MỚI - NÓNG