'Miếng ngon' từ... điều chỉnh quy hoạch

Thiếu bãi đỗ xe ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do quy hoạch tăng mật độ
Thiếu bãi đỗ xe ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do quy hoạch tăng mật độ
TP - Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được xem là miếng mồi béo bở để các doanh nghiệp trục lợi. Những bãi xe biến thành cao ốc, nhà thấp tầng được biến thành nhà cao tầng, thay đổi công năng… là những vấn đề cần giải quyết dứt điểm, tránh để lại những công trình xấu xí cho thế hệ mai sau. 

Bãi đỗ xe thành chung cư

Dự án khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) do Cty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoàng Cường (Công ty Hoàng Cường) làm chủ đầu tư. Khu đất được giải phóng mặt bằng từ tiền ngân sách, được quy hoạch làm bãi đỗ xe. Đây là dự án xây dựng công trình công cộng thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tháng 3/2010, Sở KH&ĐT Hà Nội đề xuất cho phép điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu quy hoạch ô đất C3 theo ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội và sau 17 ngày đã được UBND thành phố Hà Nội chấp nhận. Tháng 9/2010, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có văn bản thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ công trình tại khu đất C3 đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có chức năng nhà ở. Tháng 10/2010, UBND thành phố Hà Nội ký hợp đồng thuê đất với Handico để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng nhà để xe công cộng cao tầng kết hợp văn phòng. UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh chức năng khu đất C3 thành khu nhà ở, dịch vụ, thương mại.

Có thể đã có thêm nhiều công trình được “vẽ” thêm với lý do điều chỉnh quy hoạch, nếu không vấp phải sự phản đối của người dân. Những điều chỉnh này làm tăng mật độ, dân số theo quy hoạch dẫn tới tình trạng thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội. Điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Quy hoạch chung Thủ đô là khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.

Tại khu nhà ở Golden Palace nằm trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có thể thấy rõ hệ quả của việc thay đổi quy hoạch. Do mật độ dân cao, nhu cầu gửi xe lớn nên vỉa hè quanh các khu nhà trở thành bãi đỗ xe. Đằng sau các khối nhà, mặc dù khoảng cách giữa chung cư Golden Palace với các tòa nhà khác không lớn, nhưng cũng phải dành đất cho ô tô đỗ.

Khu vực vườn hoa, sinh hoạt chung của người dân cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Huế (70 tuổi, tòa N4B) cho biết, đường nội bộ, sân chơi, không gian sinh hoạt chung đều bị biến thành bãi đỗ xe, nguy hiểm nên cư dân không dám cho trẻ con xuống vui chơi. “Chưa kể, vỉa hè, đường bao quanh các chung cư xuống cấp, nát hết vì ô tô qua lại”, bà Huế bức xúc nói.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được phê duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng hơn 34% dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. 3 năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số tòa lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi tòa cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9-21 tầng. Tuy nhiên, sau 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17- 34 tầng.

“Miếng ngon”từ điều chỉnh quy hoạch

Nhiều khu đất sản xuất trong nội đô theo quy hoạch chủ yếu trở thành công trình công cộng bỗng chốc hóa thành cao ốc. Một số quy hoạch phân khu không nằm trong quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn được đưa lên để xin ý kiến các bộ, ngành như: Quy hoạch phân khu khu vực ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000 (xây nhà cao tầng 40 - 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội)... Những đề xuất này đều vấp phải ý kiến phản đối của dư luận.

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Nhiều dự án được điều chỉnh theo xu hướng có lợi cho nhà đầu tư. Quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch đạt 20 - 26% với khu đô thị trung tâm; tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi hiện dưới 1%, trong khi đó yêu cầu 3-4%.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng trong nội đô chắc chắn có vấn đề. Điều chỉnh quy hoạch cho phép khi phù hợp với quy hoạch chung, phù hợp với quá trình phát triển của đô thị, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó điều chỉnh.

Theo KTS Tùng, vụ việc 8B Lê Trực hay nhiều công trình mà thành phố đang cưỡng chế xử lý chỉ xử lý phần ngọn, sai phạm thì tháo dỡ. Để xử lý tận gốc vấn đề, phải có tiền kiểm, kiểm tra cả việc thực hiện quy hoạch, giấy phép xây dựng từng giai đoạn. Theo ông Tùng, chủ đầu tư luôn vì lợi nhuận, nhưng họ sợ luật pháp, chỉ dám làm liều khi được bật đèn xanh. “Xô đổ quy hoạch gây những công trình dị dạng, làm méo mó quy hoạch chung, mỗi công trình tuổi thọ ít nhất 50 năm, hậu quả này con em chúng ta sẽ phải gánh”, KTS Tùng nói.

Các nước phát triển không có lực lượng thanh tra xây dựng hùng hậu như ở nước ta, nhưng theo KTS Tùng, họ quản lý đô thị theo quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị rất chặt chẽ. Họ cũng không phải đi xin phép xây dựng bởi quy hoạch chi tiết đã có sẵn, từng cái cây, cột điện đều có vị trí cụ thể. Người sửa chữa nhà, xây mới đều phải tuân theo quy định về chiều cao công trình, số tầng quy định, mật độ xây dựng. Còn kiến trúc thì họ không quản lý vì đây là yếu tố mỹ thuật, thời trang. “Có quy hoạch, bám vào quy hoạch, chính là bịt kẽ hở xin xỏ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư lách”, ông Tùng nói.

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch nằm trong hệ thống pháp luật quy hoạch đô thị. Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần điều chỉnh theo hướng tốt hơn, phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân và chuyên gia, tránh gây bức xúc. 

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.