Vi phạm xây dựng tại Hà Nội: Còn bao nhiêu 8B Lê Trực?

Xử lý công trình 8B Lê Trực. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Xử lý công trình 8B Lê Trực. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Hà Nội không chỉ có công trình tại 8B Lê Trực, nhiều công trình sai phạm khác vẫn trong vòng luẩn quẩn sai phạm -  xử lý - vẫn sai phạm...

Những ngày này, dư luận đang tập trung vào hoạt động cưỡng chế tầng 18 công trình sai phạm ở số nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Đây được coi là một biểu tượng của sai phạm trong xây dựng, thời gian xử lý sai phạm kéo dài 6 năm, nhưng vẫn chưa biết khi nào dứt điểm.

Chi phí khái toán tạm tính để phá dỡ tầng 18 (thuộc giai đoạn 2) lên tới 38,2 tỷ đồng. Theo UBND quận Ba Đình, trước đó dự kiến chi phí phá dỡ tầng 18 khoảng 17 tỷ đồng, nhưng một số chi phí chưa có định mức, chỉ xác định đơn giá khi đi vào thực tế. Sau khi thực hiện xong phần việc này, sẽ tiếp tục đánh giá để thực hiện xử lý tầng 17.

Công trình 8B Lê Trực cũng được cử tri thành phố Hà Nội nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND quận, huyện. Cử tri cho rằng, công trình sai phạm kéo dài nhưng cán bộ địa bàn không biết, hay cố tình ngó lơ cho vi phạm, dẫn đến hậu quả là cả hệ thống chạy theo sai phạm, tốn thời gian, của cải, tiền bạc.

Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND về quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội, bảo đảm cảnh quan đô thị. Thế nhưng, khu vực “tấc đất tấc vàng” trong những năm qua vẫn liên tục mọc lên những công trình “đâm thủng” quy hoạch kiến trúc phố cổ. Công trình ở ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc) thuộc khu vực dân cư mật độ cao, ngõ nhỏ mặt cắt chưa đến 4m, được cấp giấy phép xây dựng cao 4 tầng.

Thế nhưng, công trình đã được xây 9 tầng. Tổ quản lý trật tự xây dựng phường Hàng Bạc đang hoạt động tại ngõ Trung Yên, cách công trình xây dựng này 1 số nhà. Trong thời gian công trình vi phạm “khủng” này được xây dựng, nhóm PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với tổ xây dựng tại đây, nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung như: đang kiểm tra, đang chuyển hồ sơ báo cáo quận, đang chờ quận xử lý…

Công trình tại số 27A Đê La Thành (quận Đống Đa) sai phạm từ khi xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề nhưng vẫn được cấp phép xây dựng. Quận Đống Đa có quyết định yêu cầu chủ công trình dừng thi công, tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm trật tự xây dựng mới, nhưng chủ công trình vẫn ngang nhiên tổ chức thi công rầm rộ.

12 hộ dân liền kề bức xúc gửi nhiều đơn thư khiếu nại, thậm chí còn cử người canh không cho công trình thi công. Cán bộ Thanh tra xây dựng quận, phường cũng có đến yêu cầu công trình dừng thi công. Thế nhưng từ khi bị đình chỉ (thời điểm công trình mới đổ sàn tầng 1) đến nay, công trình đã xây xong 5 tầng, đang đi vào hoàn thiện.

Ngoài những công trình vi phạm trật tự xây dựng ở các quận, thời gian qua, tình hình xây dựng trên đất nông nghiệp ở các huyện cũng gia tăng, đặc biệt, ở các huyện có đề án lên quận trong những năm tới.

Xử lý hình sự cán bộ bao che?

Lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xử lý hàng loạt công trình vi phạm “khủng” trong phố cổ. Đối với công trình ngõ Trung Yên, chủ đầu tư đã tháo 8 cột sắt trên mái tầng 9 và 12m2 mái bê tông cốt thép tầng 9; công trình số 58- 60 phố Đào Duy Từ (phường Hàng Buồm), chủ đầu tư đã tự tháo dỡ tầng tum, tầng 8 và mái tầng 7…

Về công trình ở 27A Đê La Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, đã có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Hoàng Giáp và ông Trịnh Hữu Tuấn, đều là Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa. Ông Trịnh Hữu Tuấn cấp giấy phép xây dựng trái pháp luật, hợp thức cho hộ ông Lê Hữu Hùng (chủ đất 27A) xây dựng công trình chèn lên đường thoát nước của 12 hộ dân, biến cống chung thành đất riêng của gia đình. Ông Nguyễn Hoàng Giáp ký văn bản kết luận sai về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 27A Đê La Thành.

UBND thành phố yêu cầu 2 phó chủ tịch quận nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, về công trình sai phạm đang hoàn thiện thì chưa thấy đơn vị nào nhắc đến.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ hơn 3%). Theo thống kê, trên địa bàn còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc 15 quận, huyện. Trong đó, quận Hai Bà Trưng có 6 trường hợp tồn đọng, Thanh Xuân (5 trường hợp), Hoàn Kiếm (4 trường hợp), Ba Đình, Thanh Trì (3 trường hợp)…

Trước những vi phạm kéo dài, lãnh đạo một số quận, huyện cho rằng, do chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì. Về tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại nhiều huyện, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, mỗi năm Sở đều thành lập nhiều đoàn thanh tra liên quan vấn đề này. Trong các kết luận thanh tra, Sở TN&MT cũng đã có kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ tịch cấp xã, phường, công chức quản lý trật tự xây dựng… có liên quan. Tuy nhiên, vấn đề xử lý cán bộ bao che, tiếp tay cho trật tự xây dựng hiện chưa được xử lý nghiêm.

Với công trình 8B Lê Trực, cán bộ bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất (buộc thôi việc) là Tổ trưởng tổ trật tự xây dựng phường Điện Biên; một số chuyên viên bị cảnh cáo, chuyển công tác khác; nguyên chủ tịch UBND phường Điện Biên giai đoạn 2013 - 2014, người trực tiếp ký xác nhận thông báo khởi công để chủ đầu tư tiếp tục thi công khi công trình đã sai phép xây dựng, bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền.

Trao đổi với báo chí, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đặt câu hỏi: “Tại sao Thủ tướng chỉ đạo đến 5- 6 lần xử lý 8B Lê Trực mà cấp dưới không làm? Chính Thủ tướng cũng đã nhiều lần bảo còn tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh, trên trải thảm dưới rải đinh?”.

Ông Võ cho rằng, quan chức hiện đã có văn hóa xin lỗi, nhưng xin lỗi xong mà an toàn thì xin lỗi cũng là “giải pháp” hay. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác cần kiến nghị Trung ương luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư và cá nhân vi phạm. Điều này sẽ giúp khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại, đơn giản hóa những vấn đề đang được coi là phức tạp, là rào cản khiến các ngành chức năng “bó tay” trước sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, hiện các quy định pháp luật khá đầy đủ để xử lý cán bộ tiếp tay, bao che cho sai phạm xây dựng. “Cần phải xử lý hình sự đối với những người bao che, tiếp tay. Không chỉ xử lý hình sự đối với cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, mà còn đủ căn cứ xử lý hình sự đối với cả những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức vi phạm”, ông Bình nói.

Để xử lý các công trình xây dựng sai phép, không phép…, thành phố Hà Nội đã nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào nghị quyết để xử lý, nhưng kết quả đạt được vẫn cách khá xa mục tiêu.

MỚI - NÓNG