Tuyệt tác ven biển
“Tuyệt tác ven biển miền Trung” chỉ cách Cố đô Huế 20 km về phía Đông, như một tấm áo mới mẻ, sang trọng cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế vốn đã quá quen với du lịch di sản lâu nay.
Ông Phan Quý Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch gôn là một trong những định hướng trọng tâm. Việc quan tâm đầu tư hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch gôn là chủ trương rất phù hợp và đúng đắn, là một trong những ưu tiên của địa phương nhằm phát triển ngành du lịch dịch vụ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.
Sân gôn Golden Sands Golf Resort. |
Ông Phan Quý Phương nhìn nhận thực tế, lâu nay du khách đến địa phương để tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, thưởng thức ẩm thực… với mức chi tiêu không cao, lưu trú ngắn ngày và ít quay trở lại. Cùng với các di sản, di tích, tài nguyên du lịch hiện có, sự góp mặt của sân gôn Golden Sands Golf Resort tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng, phục vụ được nhiều đối tượng khách hơn. Đặc biệt, đây là điểm nhấn quan trọng để thu hút dòng khách hạng sang đến với Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung.
“Sự ra đời của sân gôn Golden Sands Golf Resort đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi mô hình du lịch đối với ngành du lịch Thừa Thiên Huế”, ông Phương nói.
Kết nối miền Trung
Chia sẻ về các sân gôn ở miền Trung, ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam đánh giá các sân tại khu vực này kết nối với nhau rất tốt. Du khách có thể chơi ở các sân ở Hội An, Đà Nẵng Thừa Thiên Huế. Một số thời điểm, các sân kín khách, không thể book thêm. “Có lần tôi cùng một số khách đến trải nghiệm sân Legend Danang Golf Resort, nhưng khi tới đã có mấy xe 45 chỗ đậu, không còn sân nữa. Điều đó thể hiện sân gôn miền Trung đang có vị thế rất tốt trong du lịch gôn, nhất là trong mùa cao điểm 6 tháng cuối năm”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam đánh giá.
Sân Golden Sands Golf Resort ra đời đánh dấu thêm trên bản đồ gôn miền Trung một "tuyệt tác ven biển", thu hút nguồn khách thượng lưu đến với khu vực này. |
Theo ông Nguyên, năm nay có thêm sân Golden Sands Golf Resort ở Thừa Thiên Huế đã giải quyết được bài toán thiếu sân gôn cho miền Trung. Du khách chắc chắn sẽ rất hài lòng khi đến khu vực này được vung gậy trên nhiều sân ở các tỉnh thành. Đây cũng là cơ hội cho Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung kéo thêm khách thượng lưu về với địa phương.
Theo thống kê của Hiệp hội Golf Việt Nam, dòng khách du lịch gôn lưu trú dài ngày và chi tiêu cao. Trung bình một người chơi du lịch gôn thường ở lại khoảng 4–5 ngày trong các khách sạn sang trọng, chi tiêu khoảng 40 triệu đồng, chưa kể vé máy bay.
Ông Nguyên chia sẻ thêm, từ giải Giải BRG Open Golf Championship Danang được tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng năm 2022 đến nay, các hoạt động, giải đấu ở khu vực miền Trung sôi động hơn hẳn. Năm 2022, tổng số vòng gôn ở các sân miền Trung đạt 230.000 vòng, năm 2023 đạt 340.000 vòng, tăng gần 50%. 6 tháng đầu năm nay, tổng số vòng gôn ở 7 sân miền Trung đã đạt hơn 207.000 vòng, tăng hơn 6.000 vòng so với cùng kỳ năm ngoái. Năm sau, miền Trung sẽ có một giải gôn nữ, thu hút các vận động viên và người yêu gôn từ khoảng 100 quốc gia trên thế giới, như vậy thì tất cả các sân và ngành du lịch trong khu vực miền Trung đều được hưởng lợi.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết thành phố chú trọng phát triển tiềm năng du lịch gôn, nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến du lịch gôn hàng đầu của châu Á và thế giới. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, theo đúng định hướng phát triển du lịch của thành phố.
Qua bàn tay thiết kế tài hoa của nhà thiết kế sân gôn số 1 thế giới Nicklaus Design, sân gôn Golden Sands Golf Resort có chiều dài sân lên tới 7.519 yards tính từ tee xa nhất và được mệnh danh là “thử thách chơi gôn khó nhất Việt Nam”. Để đưa bóng lên green, các gôn thủ sẽ cần vượt qua các fairway lăn có độ dốc và độ cao thấp khác nhau, khiến trái bóng phải lăn liên tục.
Xung quanh fairway là những khu vực cát siêu lớn hoặc bẫy cát sâu ở những vị trí chiến lược, vượt qua những chướng ngại vật này, gôn thủ tiếp tục đối mặt khu vực bảo vệ green là các gò đất cao bao quanh. Và khi đã lên được green, gôn thủ phải thực hiện những cú putt rất dài bởi green siêu lớn có diện tích lên tới 1.300 m2, lớn hơn 150% so với hầu hết sân gôn khác. Mặt green liên tục cong sang trái và sang phải khiến việc “đọc” green trở nên khó khăn hơn nhiều. Những thách thức nói trên sẽ được tăng thêm khi kết hợp với một yếu tố khách quan tự nhiên, đó là gió to và thay đổi hướng gió liên tục, thậm chí đổi hướng ngay giữa các vòng đấu.