Miền Trung - Tây Nguyên liên tục sạt lở, gây thương vong: Cảnh báo dữ dội từ thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chưa bao giờ Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún gây hậu quả nghiêm trọng đến thế. Đó là sự cảnh báo dữ dội từ thiên nhiên khi môi trường bị khai thác quá mức, quy hoạch bị phá vỡ, quá tải về xây dựng…

Tốn hàng trăm tỷ để khắc phục

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho thấy, tính tới ngày 3/8 toàn tỉnh có 73 vị trí nguy cơ ngập, 163 điểm nguy cơ sạt lở khi xảy ra mưa lớn. Trong những đợt mưa lũ gần đây, lực lượng chức năng đã di dời 96 hộ dân đến nơi an toàn. Thời gian tới, nếu xảy ra mưa lớn sẽ tiếp tục di dời 16 hộ ra khỏi vùng ngập và 150 hộ khỏi những điểm có nguy cơ sạt lở.

Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho biết, từ đầu năm đến nay, Lâm Đồng xảy ra 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 cơn lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, 9 người tử vong, 4 người bị thương, 235 căn nhà và 283ha cây trồng bị hư hại. Mặt khác, nước lũ cuốn trôi gần 1ha ao cá và hơn 2.800 gia cầm, gia súc; làm hỏng 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, gây sạt lở 210m đường giao thông. Mưa gió còn làm đổ nhiều cột điện; ngập úng cục bộ tại một số nơi ở TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai... với tổng thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.

Miền Trung - Tây Nguyên liên tục sạt lở, gây thương vong: Cảnh báo dữ dội từ thiên nhiên ảnh 1

Sạt lở đèo Bảo Lộc khiến 4 người tử vong

Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác định có 74 công trình hồ đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trong đó có 13 công trình đã được phân bổ kinh phí hoặc đang thi công nâng cấp, sửa chữa với tổng số tiền gần 250 tỷ đồng. 61 công trình còn lại bị hư hỏng ở mức độ vừa và nhẹ, cần đầu tư hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa nhưng hiện chưa xác định được nguồn vốn.

Đáng lo ngại nhất là tình trạng sạt trượt tại sườn đồi thuộc thôn Đông Anh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà), gần khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh. Hiện đã xuất hiện nhiều vết nứt có chiều rộng từ 20-50cm ngang qua khu vực sản xuất rộng hàng chục ngàn mét vuông của 9 hộ dân và lan đến đường tránh ngập của dự án với vị trí sụt lớn nhất lên tới 1,5m. Tình trạng sụt lún đã tác động xấu đến tràn xả lũ của dự án hồ Đông Thanh. Đến nay đã có 4 căn nhà bị hư hỏng nặng nên lực lượng chức năng phải di dời 4 hộ dân đến nơi an toàn.

“Nam Tây Nguyên ngày nay, vùng rừng núi hoang dã đã và đang bị hao mòn nghiêm trọng cả về đa dạng sinh học lẫn độ rộng lớn; những dòng sông lần lượt bị ô nhiễm”.

Anh Mull K’Vang, hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu của Tây Nguyên

Tuyến đường tránh quốc lộ 20 ở phía Nam TP Bảo Lộc với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng bị sụt lún, sạt trượt, nứt toác một đoạn kéo dài hàng chục mét ở phường Lộc Sơn. Trên đoạn đường nhựa này xuất hiện nhiều vết nứt gãy và bị sụt lún nghiêm trọng tạo thành hố sâu nguy hiểm, xe cộ không thể lưu thông. Đơn vị thi công tuyến đường này đã dựng hàng rào sắt phong tỏa đoạn đường bị tai biến địa chất dài khoảng 50-70m và cắm biển báo cấm xe cộ lưu thông.

Mưa nhỏ cũng gây lụt

Về nguyên nhân những tai biến địa chất xảy ra dồn dập tại địa phương, Sở NN&PTNT cho rằng, với lượng mưa trung bình từ 1.750 đến 3.150mm/năm, Lâm Đồng là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước (từ 1.500mm-2.000mm/năm). Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, lượng mưa ở Lâm Đồng đã đạt 1.219mm; riêng tháng 6 đạt 349mm, tháng 7 đạt 442mm, lần lượt tăng 54% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng vừa qua, lượng mưa tại các thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao, đạt từ 100 -190mm/ngày làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.

Ông Nguyễn Hà Lộc cho rằng, diện tích đất tự nhiên của Lâm Đồng hơn 977.200ha, đa phần là đồi núi, có độ cao từ 200m-1.500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là bazan, đất phù sa... 50% diện tích đất có độ dốc lớn (trên 25 độ), kết cấu đất yếu nên nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài.

Miền Trung - Tây Nguyên liên tục sạt lở, gây thương vong: Cảnh báo dữ dội từ thiên nhiên ảnh 2

Sạt lở taluy khiến 2 người tử vong, sụp nhiều căn nhà ở TP Đà Lạt

Lãnh đạo Sở NN&PTNT hầu như không đề cập đến sự tác động của con người trong các vụ việc vừa qua. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, sạt lở đất gây hư hại các công trình trong mưa lũ có nguyên nhân từ công tác quản lý là không thể chối cãi. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận giai đoạn vừa qua, tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng bị tác động quá dữ dội của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư cũng nhận định có nguyên nhân từ nền đất bazan yếu, tuy nhiên đừng đổ lỗi hết cho tự nhiên mà phải thận trọng khi xây dựng công trình; trước hết, phải đảm bảo yêu cầu về an toàn. Về quy hoạch, mật độ xây dựng cũng không được quá chật, bởi việc dồn nén công trình trên một diện tích nhỏ trong khi đất chịu lực kém sẽ khó tránh khỏi sạt lở. Mặt khác, nạn phá rừng xảy ra nghiêm trọng, nhất là những rừng thông nội ô ngày càng thưa thớt, nhiều ruộng rau biến thành khu dân cư, nhiều đoạn khe suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa. Chẳng hạn, khu Golf Valley (phường 2, TP Đà Lạt) rộng 20ha hễ mưa lớn là ngập. Khu này vốn được quy hoạch là công viên văn hóa đô thị, thế nhưng đã hơn 10 năm trôi qua vẫn chỉ thấy nhà cửa “mọc” lên chứ chưa có công viên.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồ, Hội kiến trúc sư TPHCM nhận định, Đà Lạt đang gánh hậu quả của nền nông nghiệp lạm dụng nhà kính, tình trạng mất cân bằng trong quy hoạch đô thị và những hạn chế trong quản lý đô thị. Tình trạng xây dựng nhà cửa với mật độ cao; tăng cường xây dựng và phát triển không kiểm soát, đặc biệt là trên các khu vực dốc và đất yếu, gây ra sự suy giảm đáng kể về sức chứa của đất và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. “Đó là những tác nhân khiến “thành phố trên cao” bị ngập lụt, kể cả khi mưa không lớn. Ngoài ra, tình trạng san lấp ao hồ, cống rãnh và thiếu hệ thống thoát nước hiệu quả gây ra tắc nghẽn dòng chảy nước, tạo điều kiện cho ngập úng và sạt lở xảy ra”, ông Nguyễn Hồ nói.

7 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng phát hiện 136 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản thiệt hại lên đến hơn 936m3 gỗ. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm về số vụ phá rừng (giảm 23 vụ) nhưng tăng khối lượng lâm sản thiệt hại (tăng gần 37m3). Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 119 vụ, trong đó lực lượng kiểm lâm xử lý hành chính 105 vụ và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 14 vụ.

MỚI - NÓNG