Miền Trung - Tây Nguyên chạy lũ

Đập tràn ở Gia Lai bị ngập khoảng 1m.
Đập tràn ở Gia Lai bị ngập khoảng 1m.
TP - Mưa lớn ở nhiều tỉnh miền Trung - Tây Nguyên khiến đời sống người dân xáo trộn.

Tại Gia Lai, sau hai ngày mưa lớn, đến 3/11, lượng nước trên các sông Ayun, sông Tul, sông Bờ… dâng cao, đổ về sông Ba. Cộng vào đó là thủy điện An Khê - Kanak xả lũ không thông báo với mực nước từ 600m3/s vào sáng 2/11 và nâng lên 1.000m3/s vào tối 2/11 gây ngập lụt cục bộ, nhiều hộ dân bị cô lập.

Tại buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa hơn 20 người bị mắc kẹt. Tại đèo Tô Na trên QL25, mưa lớn khiến đoạn nối thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa bị sạt lở nghiêm trọng với hàng trăm mét khối đất đá lấp toàn bộ đường gây ách tắc cục bộ từ rạng sáng 3/11.

Theo số liệu từ thủy điện Đak Srông 3A, tại khu vực đèo Tô Na, sáng 2/11, lượng nước đổ về chỉ là 400m3/s, nhưng đến tối 2/11 lượng nước đã là 1.000m3/s. Đến sáng 3/11, mực nước đo được đã đạt 3.200m3/s. Tại Thủy điện Đak Srông 3B mực nước đổ về khoảng 4.200m3/s.

Tại huyện Krông Pa, mưa lũ đổ về khiến giao thông ách tắc, 7 buôn tại xã Ia Rsai đang bị cô lập…

Tại  Đắk Lắk, mưa lớn đã làm hầu hết các xã dọc sông Krông Pắk thuộc huyện Ea Kar như Cư Bông, Cư Yang, Ea Ô, Ea Pal, Cư Elang bị ngập, một số khu dân cư bị cô lập. Nước lũ cuốn trôi 1 người đi đánh cá. Toàn huyện có khoảng 250ha lúa và hoa màu bị ngập, nhiều gia súc bị trôi.

Miền Trung - Tây Nguyên chạy lũ ảnh 1

Trường Tiểu học Phúc Đồng và THCS Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) chìm nghỉm trong lũ, học sinh vùng này chậm lịch học gần 1 tháng. Ảnh: Việt Hương.

Lũ chồng lũ, hàng ngàn học sinh bị chậm lịch học gần 1 tháng

Ngày 3/11, Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho hay, lịch học của hàng ngàn học sinh các cấp trên địa bàn huyện này chậm gần 1 tháng so với các địa phương khác do phải nghỉ tránh lũ dài ngày. Thông tin được Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê Trần Đình Hùng xác nhận.

Ông Hùng cho biết: “Cả hai đợt lũ liên tiếp khiến 18.000/22.000 học sinh toàn huyện phải gián đoạn chuyện học hành. Đặc biệt, bậc THCS và bậc tiểu học tại một số xã vùng trũng. Tại những địa phương này, học sinh đã phải nghỉ học gần 1 tháng do hai trận lũ liên tiếp dội về, mai mốt lịch học sẽ bị chậm so với mặt bằng chung. Sẽ rất vất vả cho cả giáo viên và học sinh”.

Thống kê tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho thấy,  toàn tỉnh có hơn 100.000 học sinh thuộc 300 trường trên địa bàn phải nghỉ học từ ngày 1/11 đến nay.

Tại Khánh Hòa, sáng 3/11, một tàu cá (chưa rõ số hiệu) bị sóng đánh chìm ở cửa sông Cái Nha Trang, đoạn gần cầu Trần Phú, 4 ngư dân trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn. Cũng trong buổi sáng 3/11, tàu cá số hiệu KH- 96166TS bị sóng lớn đánh dạt vào bãi cát trước công viên Alexandre Yersin, thành phố Nha Trang. Trưa 3/11, cầu gỗ Phú Kiểng (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang) đã bị lũ sông Cái Nha Trang cuốn trôi. Trong khi đó, nhiều đoạn ta luy trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt đã bị sạt lở xuống mặt đường, giao thông trên tuyến đường này hoàn toàn tê liệt. Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, từ Km 39 đến Km 60 thuộc địa phận xã Sơn Thái (Khánh Vĩnh) có ít nhất 9 điểm bị sạt lở nặng, trong đó điểm tại Km 60 (độ cao khoảng 1.000m) và tại Km 46+200 bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Do trời tiếp tục mưa lớn, việc giải tỏa những điểm bị sạt lở ngay trong đêm rất khó khăn, trong khi có thể sẽ xuất hiện những điểm sạt lở mới nên trong ngày 4/11, giao thông trên tuyến đường này mới có thể được phục hồi.

Phải khẩn cấp kè bờ, tạo bãi để cứu biển Cửa Đại là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trong buổi kiểm tra hiện trường sạt lở biển Cửa Đại, chiều 3/11.

Theo báo cáo của TP Hội An, tình hình sạt lở nghiêm trọng tại biển Cửa Đại diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Mưa lớn, nhiều hồ đập miền Trung, Tây Nguyên xả lũ

Chiều 3/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, nên từ nay đến 5/11, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, riêng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các tỉnh Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, các tỉnh Nam bộ có mưa, mưa rào rải rác; từ đêm 4/11 có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Mưa lớn liên tục khiến các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và đe dọa an toàn hệ thống đập.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến chiều qua, các hồ chứa Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ đạt 70 - 90% dung tích thiết kế. Một số hồ đã vượt 100% mức thiết kế: Tây Trác, Cống Khê, Duồng Cốc, Bỉnh Công (Thanh Hóa); Vực Mấu (Nghệ An); Vực Trống, Khe Cò (Hà Tĩnh); Tiên Lang (Quảng Bình); Trung Chi, Khe Mây (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế).

Trong khi đó, trên biển, xuất hiện áp thấp nhiệt đới phía đông nam quần đảo Trường Sa, đang di chuyển theo hướng tây tây bắc, hướng về phía đảo Phú Quý (Bình Thuận). Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh; biển động.

Từ sáng nay (4/11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Gia Lai: Thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ không báo trước

Ngày 2/11, UBND tỉnh Gia Lai có công văn chấn chỉnh việc vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão cho vùng hạ du. Công văn nêu rõ: Ngày 1/11, thuỷ điện An Khê - Ka Nak bất ngờ xả lũ với mức xả 200m3/s, đến 11h ngày 2/11 nâng mức xả lũ lên 600m3/s nhưng không thông báo cho chủ tịch, trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai biết để chỉ đạo ứng phó lũ lụt do xả lũ hồ chứa. Cách xả lũ đột ngột này rất dễ xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

MỚI - NÓNG