Miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt: Bới bùn vớt vát tài sản

Sau lũ, đời sống người dân lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn đói nghèo, nguy cơ dịch bệnh
Sau lũ, đời sống người dân lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn đói nghèo, nguy cơ dịch bệnh
TP - Mực nước trên sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang đã rút xuống, người dân tại nhiều xã ở rốn lũ Quảng Ninh (Quảng Bình) trở về nhà dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả.

Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó

Sáng 22/10, thời tiết tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình khô ráo, nước lũ rút nhanh, nhiều tuyến đường phương tiện có thể lưu thông, công tác cứu trợ thuận lợi hơn. Theo ông Phạm Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, khoảng 16.000/32.000 hộ của xã được di dời đã trở về nơi ở sau khi nước rút.

Còn tại huyện Lệ Thủy, mặc dù nước lũ đã rút nhưng do nơi đây là vùng trũng nên nhiều xã vẫn chưa thể tiếp cận bằng đường bộ. Tương tự, rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, nước vẫn còn ngập sâu hơn 1m, việc cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Riêng các huyện thuộc Bắc Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, Bố Trạch nước đã rút, công tác khắc phục hậu quả đang diễn ra.

Tại các xã Hiền Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh... thuộc huyện Quảng Ninh, nước đã rút khoảng 80cm, tuy nhiên nhiều đường liên thôn, liên xã vẫn chưa thể thông tuyến do một số vị trí còn ngập. Công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả được người dân và các đơn vị khẩn trương triển khai, với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó” nhằm phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt: Bới bùn vớt vát tài sản ảnh 1 Tiểu thương tại chợ Hiền Ninh vớt vát tài sản sau lũ

Xã Hiền Ninh là địa phương chịu nhiều thiệt hại vì đợt lũ lịch sử vừa qua. Thời điểm nước lên cao, xã bị cô lập hoàn toàn. Hiện, lũ nơi đây đã rút hết. Khoảng 9 giờ sáng 22/10, hàng chục tiểu thương có mặt tại chợ Hiền Ninh để lau dọn, vệ sinh. Do mực nước những ngày trước, lên quá nhanh nên phần lớn tiểu thương không thể di chuyển hàng hóa lên cao đành chấp nhận mất trắng. Phía trong gian hàng bán lương thực như gạo, đậu... bị phủ đầy bùn.

Một chị tiểu thương ngấn nước mắt kéo từng bao tải ra cửa dùng nước dội rửa. Bùn trôi, lớp vỏ của hạt đậu bung ra, không thể sử dụng. Đồng cảnh ngộ, gian hàng bán thực phẩm khô như cá khô, bò khô và các nhu yếu phẩm của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (62 tuổi, chủ cửa hàng thực phẩm) bị hư hỏng hoàn toàn. Ngồi bệt xuống đất, bà Nguyệt nghẹn ngào: “Làm sao bây giờ, lũ lụt làm gia đình tôi trắng tay. Lũ dữ đã cuốn con bò, giờ hàng hóa cũng đành vứt bỏ. Nợ ngân hàng còn chưa trả hết nữa”.

Gian hàng kế bên, ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, chủ ki ốt điện máy) phá tấm cửa sắt để vào phía trong. Sau kiểm tra, ông Tân buồn bã : “Toàn bộ đồ điện tử như ti vi, điều hòa, quạt, đèn chiếu sáng đều bị ngập, hỏng hoàn toàn. Tất cả vốn liếng đổ dồn vào hàng hóa nay không còn gì. Giờ mang ra rửa sạch để nhập đồng nát”. Không xa, chủ cửa hàng bán đồ dùng học sinh và các loại sách, vở đang chọn lựa vớt vát lại vật phẩm còn sử dụng được hoặc có thể tái chế. Trước cổng chợ Hiền Ninh, một đống lớn rác thải được chất cao, đó vốn là tài sản của người dân trước lũ. “Mất mát quá lớn, chúng tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư lại từ đầu, vượt qua khó khăn”, một tiểu thương nức nghẹn.

Theo người dân, hầu hết gia đình thôn Nam Cổ Hiền, nhà nào lúa cũng bị ướt, nhà ít thì vài tạ, nhà nhiều cả tấn. Không chỉ lúa mà sách vở, áo quần, xe máy, đồ điện tử trong nhà bị ngâm nước cũng hư hỏng. Gà chết nổi lềnh bềnh, vịt theo dòng trôi mất. “Xe máy ngâm trong nước còn sửa được chứ xe đạp điện rất ít tiệm sửa. Nhà tôi có 2 chiếc xe đều hỏng, không biết sau lũ, các cháu làm sao đến được trường. Lũ lên nhanh và bất ngờ, trở tay không kịp. May mắn người thân đều an toàn”, anh Lê Văn Bảy cho hay.

“Nhà tôi cũng thiếu nước sạch bởi giếng ngập ngụa bùn đất. Suốt đêm qua tôi thức trắng và vắt kiệt sức để dọn dẹp bùn. Bùn và rác thải cao hơn nửa mét. Dọn xong phải mất 2-3 ngày”, ông Hồ Thìn (45 tuổi, trú tại xã Trường Xuân) thở dài. Nhiều nơi ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, bùn lầy cao hơn nửa mét, phương tiện không thể đi vào. Có một số chỗ, xác động vật chết nằm ngang đường, bốc mùi hôi thối.

Gian nan đường vào bản làng

Miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt: Bới bùn vớt vát tài sản ảnh 3 Lũ lụt biến tài sản của người dân thành đống đổ vụn

Con đường dẫn vào bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nơi có 152 đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, vốn dĩ ghập ghềnh, sau lũ càng gian nan hơn. Từng chiếc xe tải chở hàng cứu trợ rú ga bò từng đoạn. Có xe sập lầy phải nhờ đến những chiếc xe ben, xe công nông gầm cao mới vượt qua chỗ ngập nước mới tới được nhà văn hóa bản.

Hai tuần nay, bản Lâm Ninh bị cô lập. Nước lũ ngập lâu và khoảng cách rất xa trung tâm nên ít đoàn cứu trợ tiếp cận hỗ trợ bà con. Bà Hồ Thị Dương, một người dân trong bản chia sẻ, trận lũ quét bất ngờ khiến căn nhà gỗ của vợ chồng bà bị đổ sập ngổn ngang, nhiều vật dụng, tài sản bị cuốn đi. “Năm nay lũ lớn mất lúa, trôi luôn đàn gà rồi. Mấy ngày qua đường vẫn ngập sâu, tôi không dám ra ngoài, ông trưởng bản có gửi mấy thùng mì, bao gạo nên bà cháu có cái ăn”, bà Dương nói.

Cũng giống như bà Dương, nhiều người dân bản Lâm Ninh bị lũ cuốn mất sạch  tài sản, vật nuôi. Lúa gạo dự trữ ít ỏi trong nhà cũng trôi theo dòng nước đục ngầu. Trải qua nhiều ngày đêm ngồi đơn độc trong ngôi nhà cuối bản, cụ ông Hồ Mưng (71 tuổi) tiều tụy hơn. Ông Mưng sống cùng với đứa cháu trai mới 11 tuổi; khi dòng nước bắt đầu lên cao, hai ông cháu chuyển lên nóc nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Dọi, cán bộ phụ trách văn hóa xã Trường Xuân cho biết, gần như toàn bộ gia súc, gia cầm và nhiều tài sản của người dân xã này bị lũ cuốn trôi. Đáng lưu ý, tới chiều 21/10, ở một số nơi ở xã vẫn còn ngập đến 3m, có nơi vẫn bị cô lập do sóng quá lớn, khó tiếp cận. “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con, huy động các lực lượng tại chỗ dọn dẹp nhà cửa và hỗ trợ gia đình sớm ổn định cuộc sống”, ông Dọi nói thêm.

Trích 100 tỷ đồng cứu đói dân

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, dồn tất cả nguồn lực của tỉnh để tập trung cứu hộ cứu nạn. Để giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, tỉnh trích từ nguồn ngân sách hỗ trợ khẩn cấp 1 gia đình bị ngập lũ 1 triệu đồng với khoảng 100.000 hộ trong toàn tỉnh, tổng số tiền hỗ trợ là 100 tỷ đồng.

Hoàng Nam

MỚI - NÓNG