Miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt

Quốc hội đồng ý miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt
Quốc hội đồng ý miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt
TPO - Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Giải trình trước đó về khoản 3 Điều 1, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định phân loại thị thực nhà đầu tư trên cơ sở vốn góp trong dự thảo Luật, vì không thống nhất với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giao Chính phủ quy định chi tiết về căn cứ, trình tự, thủ tục cấp thị thực ĐT1 và ĐT2, nhất là đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc phân loại các nhà đầu tư theo mức vốn góp nhằm xác lập chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư lớn theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị; đồng thời khắc phục được bất cập, vướng mắc trong thực tiễn khi các nhà đầu tư góp vốn thấp lợi dụng quy định cấp thị thực chung cho nhà đầu tư để ở lại lâu dài tại Việt Nam, gây ra những hệ lụy về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Quy định mức vốn góp trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong Luật Đầu tư không quy định mức đầu tư tối thiểu nên không quy định mức vốn góp tối thiểu của nhà đầu tư cấp thị thực ĐT4 trong Luật này là phù hợp. Việc quy định thị thực ĐT4 trong Luật này là cần thiết gắn với mục đích, nội dung, phạm vi hoạt động tại Việt Nam của số đối tượng này, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Đối với trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam để nghiên cứu, khảo sát địa bàn, tư vấn đầu tư là chưa phải nhà đầu tư nên tùy theo mục đích, đối tượng làm việc tại Việt Nam sẽ được cấp thị thực cho phù hợp. Việc cấp thị thực dựa trên mức vốn góp tại thời điểm đề nghị cấp thị thực, không thể căn cứ hoặc dựa trên dự báo về mức vốn đầu tư cố định hoặc không cố định.

Về khoản 7 Điều 1, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung trường hợp được miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện cụ thể và giao Chính phủ quyết định. Một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, bổ sung các điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ và không để ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Có ý kiến đề nghị chuyển điểm b khoản 18 Điều 1 về khoản 7 Điều 1 và thiết kế lại nội dung này cho gọn hơn; một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng với bờ biển dài sẽ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và công tác bảo đảm an ninh, trật tự…

Về việc này, UBTVQH thấy rằng, việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực là “Vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” khi đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài là bảo đảm chặt chẽ. Đối với các khu kinh tế ven biển trong đất liền trải dài theo chiều dọc của đất nước không đủ điều kiện để áp dụng quy định này.

Việc bổ sung quy định trên là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều điện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc sử dụng cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” tại khoản 3 Điều 12 Luật số 47 là thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG