LẠI RÀO CẢN VISA
Câu chuyện rào cản visa từng được nhắc đi nhắc lại, bởi nó là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bộ Công an trình dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, dự kiến đưa ra bàn tại Quốc hội vào 14/11. Luật này tác động không nhỏ tới ngành du lịch, nên các chuyên gia và đại biểu quốc hội lên tiếng cần báo động một số nội dung quan trọng.
Những người làm du lịch nhiều lần “kêu hộ” cho khách quốc tế về vấn đề miễn thị thực, nhất là khách có khả năng chi trả cao muốn du lịch Việt Nam dài ngày lại vướng quy định: chỉ được lưu trú 15 ngày. Trong khi đó các nước gần ngay trong khu vực lại được mở rộng biên độ lên 30 ngày vì có hiệp định song phương. Quy định chỉ cho khách quốc tế miễn thị thực lưu trú 15 ngày này vẫn chưa được chỉnh sửa trong dự thảo luật mới.
Ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cảnh báo 31/12 này, một loạt thị trường được miễn thị thực (Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) hết hạn. Ông nhắc lại một số ý kiến vừa qua cho rằng không nên tiếp tục miễn thị thực cho các thị trường nêu trên, như thế chẳng khác nào gây khó khăn thêm cho ngành du lịch. Riêng Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam. “Nếu không được miễn thị thực e rằng lượng khách giảm khoảng 20%, tương đương 1 triệu khách quốc tế. Trong khi đó đón được 1 triệu khách là vô cùng khó khăn”, ông Chính nói.
Lâu nay Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia luôn khuyến nghị ngành du lịch tập trung vào hai đối tượng khách có khả năng chi trả cao. “Đó là những khách giúp ngành du lịch đóng góp cho GDP của đất nước cao hơn nữa. Ba thị trường Nga, Nhật và Hàn là thị trường chi trả cao, hơn nhiều so với Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nếu khách thị trường chi trả cao giảm, làm sụt giảm sự đóng góp chung của ngành du lịch”, ông Chính phân tích.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành du lịch thường xuyên đề xuất các chính sách thị thực cởi mở. Lãnh đạo Tổng cục đánh giá, các thị trường được miễn thị thực nêu trên giữ vai trò quan trọng trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, nên sẽ được Chính phủ ủng hộ. Ông Khánh cũng ký công văn góp ý về Luật Xuất nhập cảnh cho người nước ngoài ở Việt Nam, trong đó nêu đề xuất “nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 30 ngày”.
THÔNG THOÁNG HƠN
Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia khảo sát, trên nhiều trang web của đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, kể cả những nơi là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam không cập nhật đầy đủ thông tin mới nhất liên quan chính sách thị thực, dù chúng ta có những thay đổi tích cực. Có những đại sứ quán vẫn đưa thông tin 40 nước trong diện làm thị thực điện tử, trong khi thực tế là 80 nước, thậm chí có nhiều nước được hưởng chính sách miễn thị thực nhưng đại sứ quán của ta ở đó chưa đưa thông tin để người dân hay biết.
Trong thư góp ý về cải cách chính sách thị thực và dự thảo Luật Xuất nhập cảnh, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch và ông Trần Trọng Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng đề xuất cần bổ sung khoản 11 Điều 47 về trách nhiệm của Bộ Công an: Có trách nhiệm xây dựng trang thông tin điện tử để cung cấp nguồn thông tin tập trung về chính sách thị thực điện tử, chính sách miễn thị thực của Chính phủ dành cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đảm bảo thông tin rõ ràng, nhất quán và được cập nhật.
Các chuyên gia cũng góp ý Chính phủ nên có nghị quyết giao các Bộ liên quan cải cách chính sách thị thực. Cụ thể, cải thiện an ninh mạng và tốc độ truy cập trang web chính thức xin thị thực điện tử (Campuchia, Malaysia tốc độ truy cập nhanh hơn ta 3-4 lần), gỡ bỏ yêu cầu về thư phê duyệt xin thị thực tại cửa khẩu sân bay vì không đúng thông lệ quốc tế, cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế. Theo các chuyên gia, các nước ASEAN và thông lệ quốc tế không có chuyện phê duyệt nhân sự tại cửa khẩu. ASEAN làm tốt điều này và cải thiện mức xếp hạng cao hơn về khả năng cạnh tranh thị thực, thu hút khách quốc tế.
Miễn thị thực không nên tư duy “có đi có lại”
Trong dự thảo luật mới còn có quy định: “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam”. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nêu đề xuất: nếu áp dụng khoản này sẽ không thể áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, không nên có tư duy “có đi có lại” trong chính sách miễn visa. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam mới miễn visa cho 24 thị trường, trong khi Thái Lan-một trong số quốc gia xếp dưới về miễn thị thực cũng thực hiện miễn đơn phương cho hơn 60 quốc gia. Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất nên thêm các thị trường cần miễn thị thực đơn phương như Úc, NewZealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ. Bởi đây đều là dòng khách có khả năng chi tiêu cao, có ý thức bảo vệ môi trường du lịch, ít có khả năng khủng bố hay tị nạn trái phép ở Việt Nam.