Miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
TPO - Quốc hội sẽ miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, do được phân công nhiệm vụ mới và đã đến tuổi nghỉ hưu.

Trong tuần làm việc tới đây, Quốc hội sẽ dành thời gian cho công tác nhân sự bổ nhiệm và miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật.

Trên cơ sở đó, vào ngày 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định. Ông Định vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau khi trình danh sách, Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu, và việc miễn nhiệm, phê chuẩn việc miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Sang tuần làm việc tiếp theo, ngày 25/11, Quốc hội tiếp tục làm về công tác nhân sự. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự thay thế.

Chiều cùng ngày, sau khi thông báo cáo kết quả thảo luận, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu bầu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

MỚI - NÓNG