Hạt tiêu
Để tiêu vẫn giữ hương thơm và vị cay, sau khi xay nhuyễn, bạn cho chúng vào lọ thuỷ tinh, đậy kín nắp. Sau đó, phủ một lớp ni lông lên nắp lọ tiêu. Để tiêu nguyên sọ sẽ kéo dài thời gian sử dụng hơn là xay nhỏ. Do vậy, nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, bạn nên để nguyên, tiến hành bảo quản sẽ tốt hơn.
Muối
Muối để lâu ngày dễ bị vón cục. Nhằm tránh tình trạng này, bạn có thể tận dụng vài hạt gạo đặt vào. Gạo có tác dụng hút ẩm tốt, khiến muối luôn được khô ráo.
Ớt
Khi mua về không sử dụng hết, nếu không biết cách bảo quản, ớt dễ trở nên khô quắt, mốc thếch. Tốt nhất, nên cắt hết cuống, rửa sạch rồi cho vào hộp đậy kín, đặt trong ngăn lạnh. Khi dùng, rửa ớt với nước, ớt sẽ mềm lại như cũ.
Hành tây
Ngoài cách cho vào từng túi giấy, chị em có thể tận dụng những chiếc quần, tất giấy không dùng để bảo quản hành. Cho từng củ vào ống quần, mỗi củ buộc một nốt lần lượt đến hết. Điều này không chỉ giúp cách ly hành mà có khả năng cung cấp môi trường khô thoáng, hút ẩm tốt.
Hành, tỏi
Muốn hành, tỏi không bị mọc mầm, nên đặt chúng trong túi lưới, túi giấy hoặc rổ để dễ dàng thông hơi, nếu cất trong túi kín hoặc hộp nhựa thì hành, tỏi dễ bị thối mốc.
Gừng
Trường hợp không sử dụng hết phần gừng đã mua, hãy vùi chúng vào lớp cát. Bạn cũng có thể cho gừng vào túi nhựa rồi giữ trong tủ lạnh; dùng giấy thấm nước bọc gừng lại, đựng trong túi ni lông kín sau đó cho vào tủ lạnh.
Lưu ý, với các loại gia vị khô như tiêu, bột nghệ… bạn cần đảm bảo các dụng cụ lưu trữ được hong khô tuyệt đối. Ngoài việc chuẩn bị một chiếc hũ “đạt chuẩn”, khi dùng thìa lấy gia vị cần lau thật khô.
Ngoài ra, cần chú ý đậy nắp thật chặt. Việc để nắp hộp lỏng lẻo khiến gia vị bên trong dễ bị nhiễm ẩm, làm mất hương vị đặc trưng.