Gọi là ruộng, dễ hình dung đồng lúa nước lắp xắp miền chiêm trũng. Thêm mấy chữ “bậc thang”, lại dễ lạc sang khung cảnh kỳ vĩ rợn ngợp sắc màu thường thấy miền núi non Tây Bắc mà ai ai đều biết…
Ruộng bậc thang nơi đảo Bé Lý Sơn này kỳ thực là những vuông đất vuông cát nhỏ nhắn được khoanh lại bởi những hàng rào đá, những bậc đá núi lửa xếp chồng chất men dần lên đồi cao. Ruộng quanh năm chỉ một tông màu đen trắng nguyên thủy. Đá núi lửa đen tuyền, và cát dưới lòng biển mang lên bắt nắng trắng tinh khôi. Mùa đến, điểm thêm những vạt màu xanh hành tỏi.
Giữa cái nắng nửa chiều rát lưng, vợ chồng anh Ba Thu mỗi người một cuốc gò lưng đánh luống cho cát. Núi non tầng bậc chất chồng xung quanh, quạnh không bóng người, cứ như vợ chồng Robinson giữa hoang đảo. Còn hơn tháng nữa mới xuống giống hành, tỏi, nhưng từ giờ đã phải đổ mồ hôi chuẩn bị. Kia là những ụ cát trắng cất lên từ lòng biển trữ hồi mùa đông năm ngoái. Này là những bao rong biển đã phơi khô đen nhánh để sẵn. Nền ruộng đã đầm phẳng lỳ. Rồi lên luống. Rồi trải lớp rong biển khô. Mai mốt xuống giống hành tỏi xong, mới đem cát biển rải lên trên một lớp mỏng.
Trồng tỏi mà cứ như gói bánh, xếp đủ thứ nhân nhị trên dưới, trong ngoài. Anh Ba Thu gạt mồ hôi nhìn mấy tên khách lạ, cười bắt chuyện. Anh Ba bảo, lớp cát này có công dụng “làm mát” hành, tỏi, giúp phát triển mạnh hơn. Nhưng đặc biệt hơn, đó là hành tỏi Lý Sơn thêm được hai thứ hương vị không nơi nào có. Đó là hương vị núi lửa, và hương vị san hô của biển khơi… Nói ra nghe có vẻ chữ nghĩa, nhưng kỳ thực với dân đảo này, đó là cách nói đơn giản, chân thật nhất.
Hương vị của biển khi nếm vào nhánh tỏi Lý Sơn, với tôi sau bao nhiêu năm thưởng món này, đó là vị thanh hơn, “vang xa” ngoài mọi giác quan. Còn “vị” núi lửa, phải chăng là độ mạnh, độ nóng, nhưng vẫn đằm xuống chứ không chói gắt như mọi thứ tỏi khác.
Hồi sáng ngồi với Bùi Văn Minh, chàng trai chủ một homestay bên mé biển. Để hiểu vì sao lên đảo Bé, đảo Lớn Lý Sơn, cứ thấy cát trắng trữ sẵn từng ô từng đống nơi mặt ruộng? Vì giữa biển khơi này, thu hoạch cát cũng phải theo “mùa” của cát. Mùa đông biển động, sóng đẩy cát vào bờ. Là loại cát san hô mịn. Đợi khi thủy triều rút, dân đảo hối hả ra lặn xúc mang cát vào bờ tích trữ. Nếu không kịp lấy, dòng chảy sẽ lại đưa luồng cát chạy dọc quanh đảo rồi mang cát trả ra biển khơi. Lúc ấy sót lại chỉ còn cát to, không làm gì cho hành tỏi được.
Còn những bậc ruộng đá? Minh kể đá nham thạch núi lửa đã có nơi đây hàng triệu năm rồi, lăn lóc khắp nơi chỉ quẩn chân người. Đảo Bé này tên gọi là Cù lao Bờ Bãi là biết rồi, thân phận bờ bãi um tùm hoang vu, diện tích chưa đầy cây số vuông, chỉ mấy rẻo cát với bờ biển ôm quanh quả núi lớn ở giữa. Đói, khát. Cô độc.
Khoảng năm, sáu mươi năm trước, những cây hành cây tỏi đầu tiên được đưa ra trồng ở Lý Sơn đã cứu dân đảo khỏi cảnh đói khổ triền miên. Bà con chắt chiu từng vuông cát thoải dưới chân đồi núi để trồng tỏi. Đá núi lửa lúc ấy được gom về, tạo thành những bờ rào đá, ngăn chia từng ô ruộng. Và rồi, công cuộc khai khẩn mở rộng dần, những ô ruộng bậc thang cứ thế nối lên cao leo dần lên những sườn đồi, được cừ và kè giữ đất bằng nham thạch núi lửa. Người đảo Bé bây giờ canh tác chẳng khác gì đồng bào miền núi, dù ở giữa biển khơi. Hương vị biển khơi với núi lửa kết tinh trong mỗi nhánh tỏi Lý Sơn, đảo Bé cũng từ ấy…
Những miệng núi lửa khổng lồ nằm hết bên đảo Lớn, mà sao bên hòn đảo Bé này lại cơ man đá nham thạch núi lửa? Chưa thấy ai lý giải điều đó. Truyền thuyết của đồng bào Cor ở miền tây Quảng Ngãi kể về trận giao tranh dữ dội giữa Thần Nước và chủ làng Tali Talok là Doang Đắc Tố, khiến một vùng núi cao Trà Bồng bị văng ra ngoài biển Đông thành Cù Lao Ré tức Lý Sơn ngày nay. Câu chuyện có lẽ chỉ là hình bóng mờ ảo trong tiềm thức dân gian về những trận lửa khói nham thạch tuôn trào khi trái đất nơi này đang kỳ vặn mình lớn dậy. Miệng núi lửa từ đảo Lớn vãi mưa nham thạch qua đảo Bé.
Để giờ đây dọc dài, uốn lượn trên đảo là những dãy tường thành đá đen vạm vỡ sắc cạnh chồng chất xếp lớp bởi đôi tay con người qua biết bao đời người mưa nắng. Có những đoạn bờ rào đá bề rộng hàng mét, cao tới vài mét, không còn là thềm vườn bậc ruộng đơn thuần nữa, mà như bức tường thành che chắn gió mưa bão bùng cho đảo.
Là xứ biển, nhưng tâm thức đá nơi này cũng thật lạ. Từ đảo thẳng hướng bờ nơi nhô ra mũi Ba Tân Gân làng biển Bình Châu, Bình Sơn, nham thạch đá lửa cũng ngổn ngang đen cháy. Nhưng nơi ấy có ngọn núi thấp gọi là núi Thình Thình. Bởi đứng trên đỉnh núi, vỗ mạnh chân xuống sẽ nghe vang lên những tiếng “thình thình” thật rõ, âm âm lăn dài theo triền núi. Nên người xưa còn gọi đó là ngọn Cổ Sơn, “cổ” là cái trống. Chưa ai lý giải được hiện tượng có một không hai này. Tôi cứ mường tượng, rằng có những con sóng ngầm Lý Sơn trong lòng núi, xô đẩy những thanh âm của đá vượt thoát khỏi cõi im lìm.
Và nữa, phòng tuyến Trường Lũy dài nhất Đông Nam Á nay là di tích lịch sử, từ cách đây mấy trăm năm đá xếp dài thăm thẳm suốt xứ Ngãi-Bình, rồi vượt lên miền thượng đạo. Những viên đá tròn như những quả trứng Âu Cơ chất chồng, níu giữ lấy nhau, làm tường thành chống đỡ bao cuộc binh đao, loạn lạc.
Rồi trường lũy đá nối dài ra đảo. Cõi đá, cõi biển, cõi người cứ bện quện lấy nhau…
Hàng rào đá quay mảnh ruộng tỏi chờ mùa gieo trồng trên đảo Bé, Lý Sơn
ảnh: Trần Tuấn
Người đảo Bé bây giờ canh tác chẳng khác gì đồng bào miền núi, dù ở giữa biển khơi. Hương vị biển khơi với núi lửa kết tinh trong mỗi nhánh tỏi Lý Sơn, đảo Bé cũng từ ấy…
Phòng tuyến Trường Lũy dài nhất Đông Nam Á nay là di tích lịch sử, từ cách đây mấy trăm năm đá xếp dài thăm thẳm suốt xứ Ngãi-Bình, rồi vượt lên miền thượng đạo. Những viên đá tròn như những quả trứng Âu Cơ chất chồng, níu giữ lấy nhau, làm tường thành chống đỡ bao cuộc binh đao, loạn lạc.