Cờ “điếm”
Bút Già đã hơn 70, mổ não một lần. Thâm niên 40 năm sống “nghề cờ”, lão không đóng đô quán nào, mà rảo khắp tìm “gà” nai mới chơi. “Gà nai” chỉ tay chơi rất nhiều tiền, ham cờ mà đánh dở vô đối. Không ít “thợ cờ” như lão Bút, ngày ngày luôn sơ mi đóng thùng, giày bóng lộn, tóc ép mướt, lịch sự như công chức hay thương gia, vào là ngồi uỵch lên ghế. Đám thanh niên chầu chực ăn hôi thoắt vây kín. Chủ quán niềm nở chào đón như ân nhân, tay cà phê tay bưng cờ. Một người được cho là “vô tư” nhất trong nhóm hai bàn tay như ma thuật xòa các con cờ di chuyển tứ tung, rồi sắp từng quân theo đúng đội hình cờ tướng truyền thống.
Chỉ khác là tất cả con cờ đều úp sấp mặt, và được phủ trùm lên bằng nắp chai nhựa hoặc nắp hộp đựng vàng. “Người ta hay dùng nắp vàng vì nó đặc. Có ánh sáng vào nhìn cũng không đoán được” - một nghiện cờ giải thích.
Hai đối thủ lau láu xòa cờ thêm nhiều lần, đổi bên vài lần nữa. Tất cả đều đảm bảo cho một ván cờ quá công bằng. Tưởng là thế, và thợ cờ được chủ quán đối đãi như người nhà cũng vì thế - vì kiểu gì thợ cờ cũng thắng. Từ mở quán, đến sập tối, lão Bút ôm cục tiền gấp đôi, đứng phắt dậy. “Thôi, nghỉ!”. Lão thắng liên tiếp 12 ván mà dân thợ cờ ai cũng biết chắc chắn bằng vô vàn cách “điếm”.
Cờ úp hấp dẫn chính từ chuyện đã phá sạch mọi quy tắc của cờ tướng. Tất cả các quân cờ đều được tham chiến, đều có thể qua sông. Cờ úp đã có thể đường hoàng là một môn thể thao trí tuệ và thú vị, nếu nó không nhuốm màu tiền và ma mị đến quên tất cả. “Muốn thắng phải có ma thuật - điếm”, một thợ cờ cao thủ ở Đà Nẵng chỉ vào con cờ trắng bóc, mẻ cạnh. “Ma thuật đây”- gã hắng giọng. “Tất cả vết nứt, mẻ, chấm sơn tưởng vô tình. Nhưng đều cố ý cả. Mấy thằng thợ cờ đánh dấu để nhìn là biết bên trong đó là xe, pháo, hay ngựa”.
Đa phần cà phê cóc vỉa hè ở Đà Nẵng giữ khách bằng cờ. Từ sớm, các tay chơi đã xôm tụ. Chờ “gà”. “Làm ván giao lưu đi anh”. Gà dính thì chỉ có sập hầm. Ít cũng vài trăm, chấp hăng thì “vài chai”. Nhức nhối và xót xa nhất, trong đám chờ “gà” đa phần là thanh niên. Thất học. Vô nghề. Lười lao động, cộng cấp số nhân máu ham mê đỏ đen. Họ mài đít quần, rít thuốc như điên, uống cà phê như uống nước khiến bộ dạng xộc xệch, tâm trí đờ đẫn. “Gà” biết bẫy, nhưng chấp nhận đổi tiền, lấy vui. Cũng bởi tài dẫn dụ của thợ cờ giả “nai”, cố tình chơi dở để đối phương ăn trọn mấy ván đầu, đến lúc ham đặt cược lớn thì bất thần nốc-ao, lượm sạch. Dụng kiểu này, nhiều thợ cờ phía Nam đói mồi vẫn mò ra Đà Nẵng, và…khoắng sạch túi của các lão tướng sừng sỏ.
“Quanh xới cờ, đừng tin ai hết”- một thợ cờ “tâm sự”. Kẻ trong kẻ ngoài, các tay cờ tạo ra một mật mã riêng - mật mã “cờ điếm”.
“Điếm” trong cờ úp là loại điếm “tế nhị”. Các tay cờ trả nóng ngay sau khi thua. Cùng lắm thì cò cưa xin xỏ. Chưa mấy vụ ẩu đả vì trốn trả hay phải siết. Tờ tiền gấp đôi, kẹp hai ngón tay thả tế nhị ngay vào túi đối phương. “Đâu phải ai nghiện cờ cũng xấu. Cũng có vài tay đạo đức chớ”- một trong số tay nghiện tự nhận có đạo đức trần tình. Điếm một cách có…tâm. “Chỉ chọn những ai có bộ dạng khá giả. Và không phải lúc nào cũng gian”. Bởi “tế nhị” toàn là những sơ mi đóng thùng, tóc tai nuột nà bóng loáng. Tế nhị ở đồng tiền cược chuồi dưới gầm bàn chứ không toẹt ra như bài bạc. “Gian độ đủ để qua ngày, không đủ để kết tội”. Phải chăng điều này đã gây khó cho việc xử phạt. Và vì thế nó nghiễm nhiên công khai giữa phố phường?.
Uất nghẹn sau những cuộc cờ
Cái nghiệp cờ đã mê là lú. Như thể có chất keo dính kết ở các ghế cờ. Lương tâm bảo “về thôi”, mà cơn mê mị cứ dẫn dắt, như thể bị ma ám.
Nhiều trai trẻ ngày ngày bê trễ làm ăn bằng việc nhập vào đám ăn hôi, chầu chực. Vay nóng để đặt cược, chung độ. Đám thằng Hớn nhấn chìm tuổi đôi mươi với cả chục ly cà phê mỗi ngày, nhiều đến mức không đủ tiền trả. Tuổi đôi mươi ám khói thuốc lá, quy đổi bằng những tờ tiền lẻ. Sức trai trẻ chỉ quanh quẩn trong đầu suy nghĩ hôm nay làm sao bám được mối nào. Họ bán hồn cho cờ. Ngày qua ngày, chỉ để ngồi chao vao gặm ổ bánh mỳ chờ được thí cho vài chục bạc. Cờ tướng biến tướng đã thực sự là một thòng lọng nhiều người tự chui vào thắt cổ mình và gia đình. Cái mê điên dại. Muốn tỉnh không được. Muốn lùi lại càng tiến tới.
Phú Ớt tuổi đã tầm 60, có thể ngồi đánh nguyên 2 ngày đêm không ăn uống. Hay Hùng Kem - thợ cờ chơi hay nhất hiện nay tại Đà Nẵng, làm phụ bếp nhưng mê đến nỗi bỏ luôn việc. Nghiệp cờ đeo bám cái đũng quần nhẵn bóng. Một ngày làm thợ cờ, cả đời làm thợ cờ. Những kẻ mê cờ, họ chơi cờ như đang chơi chính cuộc đời của họ - như con xe chỉ quanh quẩn trên cái ô vuông 30cm. Đồng tiền cờ bạc là đồng tiền ngoài ngõ. Sau ván cờ là ăn nhậu, là trác táng, chẳng có đồng nào còn nguyên trong túi theo về nhà. Ông Dũng bán cả nhà vì thua. Ông Tiến sáng đi tập thể dục, chiều đến tối sơ mi đóng thùng đi làm - làm thợ cờ. Đến ngàn người lập nghiệp bằng bàn cờ. Đám phụ hồ, kéo xe bò ngày được chục cuốc, nướng sạch cùng cờ.
Có người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, đờ đẫn đội cả trời nắng bên quán nước mía chờ chồng tàn cuộc cờ. Chị bảo, uất nghẹn đến mức chỉ muốn lao đầu vào xe chết quách! Có người phụ nữ 10h đêm lọc cọc dắt xe, bỏ đứa con mới nhúm tuổi ngồi sau, thất thểu lết đi tìm chồng từng quán cờ một. Người chồng sợ vợ tìm thấy, trốn mất. Ai hỏi, chị vợ cũng chỉ dám nói “Ảnh chắc đi họp chưa về thôi”.
Đau đớn là khi tổn thương trút cho ai cũng tự biến mình thành người đàn bà lắm chuyện. “Chồng đi chơi cờ là tốt mà. Có gì đâu mà phải đau khổ”. Người ta chỉ nhìn thấy cờ là môn thể thao. Ai cùng mù mắt khi không nhận ra, nó như con dao hai lưỡi, một lưỡi sẵn sàng hủy hoại trái tim người vợ. Cái sai đau đớn nhất là cái sai lưng chừng. Tổn thương nhất là tổn thương mà không dám tổn thương. Sợ nỗi đau của mình là không đúng. Rồi tha thứ. Rồi nguôi ngoai. Rồi lại tiếp tục căm phẫn. Tiền bạc trong nhà cứ lặng lẽ biến đi đâu - lặng lẽ như cách các ông chồng chuồn đi đánh cờ.
Những người chồng đốt đời mình bên cái bàn vuông, về đến nhà cũng chỉ hậm hực hơn thua, tay ôm con, đầu nhẩm quân cờ. Thời gian bên cờ ngắn ngủi, khiến họ phải vay thêm vài ngày nữa để tận hưởng. Nhà chỉ là nơi tạm bợ. Một cuộc gọi “Ê, có gà, có nai”, đủ sức để đập tan lời thề “Anh sẽ không bao giờ chơi cờ để làm em buồn nữa”. Các tay chơi cờ có tiếng đã từng phải tránh mấy con đường có quán cờ. Sợ đi ngang qua sẽ bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Vợ ông Huynh uất ức, sộc thẳng vào quán hất tung bàn cờ chồng đang chơi. Cái lốt văn minh của cờ đã làm người ta coi thường nỗi đau của biết bao người vợ. Ma tuý dứt ra, vã thuốc là chết. Cờ dứt ra, vã, không chết. Nhưng hồn để lại lò cờ, mang cái xác về nằm bên vợ, lạnh tanh.
Dày đặc lớp người ngồi xiêu vẹo trên ghế cờ, hanh hao như chờ cứu đói. Thợ cờ nhân danh “giải trí”, giải trí trên chính giọt nước mắt của vợ, trên ánh ngơ ngất bị bỏ quên ở trường của con. Vào mùa Tết, những đám cờ úp lại càng xôn xao. Cái xôn xao đắng ngắt nhiều nỗi lòng.
Ngày qua ngày, chỉ để ngồi chao vao gặm ổ bánh mỳ chờ được thí cho vài chục bạc. Cờ tướng biến tướng đã thực sự là một thòng lọng nhiều người tự chui vào thắt cổ mình và gia đình. Cái mê điên dại. Muốn tỉnh không được. Muốn lùi lại càng tiến tới.
Chưa đến khúc tán gia bại sản kinh hoàng như cá độ bóng đá, số đề, đánh bài. Thiệt hại từ cờ đang nghiêng hơn về mất mát giá trị tinh thần. Ma lực của từng quân cờ úp như sóng ngầm âm thầm len lỏi rút tỉa hạnh phúc của nhiều gia đình, đục ruỗng nhiều cuộc đời.