Mấy ngày nay trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cô dâu Việt Nam đang ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bị chồng tâm thần đánh đập dã man. Hiện cô muốn trở về nhà mà không có tiền. Đồng thời, cô cũng không biết cách nào để về quê. Đó là chị Liêu Thị M.T, 23 tuổi ở ấp Điền Hòa, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ.
Phóng viên Tiền Phong tìm đến nhà chị T (vào chiều 22/10) ở địa chỉ trên. Căn nhà của gia đình chị cấp bốn bằng tol cũ kỹ nằm sâu trong con đường nhỏ. Bên trong không có gì đáng giá ngoài bức ảnh cưới phóng lớn treo trên vách. Lúc đó có cha mẹ chị T ở nhà là ông Liêu Xương (sinh năm 1966) và mẹ là bà Đào Thị Ngọc Trang (sinh năm 1967).
Hình cưới của chị T và chồng người Trung Quốc. Ảnh: Khánh Nguyên
Bà Trang kể, đầu năm 2016, qua mai mối gả con gái lấy chồng Trung Quốc nhưng con gái gọi về nói bị chồng đáng đập, hành hạ dã man. Bà Trân vừa nói vừa rưng rưng nước mắt và cho chúng tôi xem số điện thoại của chị Trinh.
“Tôi nghèo đâu tiền mà gọi cho con gái, tôi nuôi vịt để dành tiền, một tháng tôi gọi qua đó hỏi thăm con một lần, tôi khuyên con là ráng chịu đựng, xem một thời gian nữa chồng có đánh đập hay không chứ tôi cũng không biết cách nào cứu con trở về nước”.
Gia đình của bà Trang nghèo, có 2 người con gái, chị T là đứa con út, vào đầu năm 2016 có người quen tên Điểm đến nhà làm mai cho T một người đàn ông tên YeFei quốc tịch Trung Quốc và gia đình nhận được 50 triệu đồng. Bà Trang kể, lúc đầu nghe nói rể tương lai bị câm, điếc tôi khuyên con đừng lấy, nhưng gì gia đình nghèo, con nó nói lấy chồng rồi có điều kiện đi làm lo cho cha mẹ nên tôi cũng cắn răng chấp nhận, từ lúc làm mai đến tổ chức lễ cưới chỉ trong vòng 15 ngày.
Cụ thể, ngày 4/2/2016, bà tổ chức 2 mâm tiệc rượu mời bà con họ hàng đến để chiêu đãi để mừng cho con có được tấm chồng. Nhưng từ khi lấy chồng chưa được bao lâu con tôi bị chồng đánh đập không thương tiếc.
Cũng theo bà Trang, ngoài chứng bệnh câm, điếc thì con rể có chứng bệnh thần kinh, mỗi khi lên cơn là lôi vợ ra đánh, la hét. Con gái gọi điện về nói, giấy tờ tùy thân thì bị mẹ chồng cất giữ. Ngoài ra, không đi làm được nên tiền chẳng có nên muốn xài thì xin tiền mua mẹ chồng nhưng cũng không cho. Hơn nữa, không biết tiếng Trung nên không có cách nào biết được địa chỉ bên đó.
Bà Trần Thị Thanh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, chưa nắm thông tin chị T rơi vào hoàn cảnh như thế. Tuy nhiên, sáng mai sẽ phối hợp Phòng LĐ&TBXH huyện Thới Lai xuống trực tiếp gia đình để tìm hiểu và có hướng giúp đỡ.