Máy bay Boeing 737 MAX rơi ở Indonesia: Phi công nói gì những phút cuối?

Một máy bay 737 MAX của hãng Lion Air. ảnh: Bloomberg
Một máy bay 737 MAX của hãng Lion Air. ảnh: Bloomberg
TP - Phi công trên chiếc máy bay Boeing 737 MAX xấu số của hãng hàng không Lion Air trong những giờ phút cuối cùng đã lục tung một cuốn sổ tay để tìm cách xử lý tình trạng máy bay tròng trành và chúi đầu xuống, nhưng họ đã không có đủ thời gian và chiếc máy bay nhanh chóng đâm xuống biển.

Reuters phỏng vấn ba nguồn tin về những gì hộp đen máy bay ghi lại những phút cuối kinh hoàng đó cho biết  như trên.

Cuộc điều tra vụ tai nạn làm toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng vào tháng 10/2018 đã có thêm những thông tin liên quan khi Cơ quan hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA) và nhiều cơ quan tương tự đã ra lệnh ngừng hoạt động của Boeing 737 MAX sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc thứ hai đối với dòng máy bay này, tại Ethiopia.

Các nhà điều tra vụ tai nạn ở Indonesia đang xem xét vì sao một máy tính của máy bay đã ra lệnh cho nó chúi đầu xuống, có phải bắt nguồn từ một cảm biến bị lỗi hay không, và liệu phi công đã được huấn luyện đầy đủ để phản ứng đúng đối với tình trạng khẩn cấp này.

Đây là lần đầu tiên nội dung trong băng ghi âm từ chuyến bay của Lion Air được công khai, cho dù các nguồn tin nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Một người phát ngôn của hãng Lion Air nói mọi dữ liệu và thông tin đã được chuyển cho các nhà điều tra và từ chối bình luận. Theo báo cáo ban đầu được công bố hồi tháng 11 năm ngoái, khi xảy ra tai nạn, cơ trưởng đang điều khiển chiếc máy bay gần như còn mới cứng khi nó cất cánh từ Jakarta trong khi cơ phó đang xử lý tín hiệu radio.

Sau khi máy bay cất cánh 2 phút, cơ phó thông báo “một vấn đề liên quan đến điều khiển bay” cho đài kiểm soát không lưu và nói phi hành đoàn dự định duy trì độ cao ở mức 1.500m, báo cáo đưa ra hồi tháng 11 viết.

Viên cơ phó không nói cụ thể vấn đề là gì, nhưng một nguồn tin nói tốc độ bay được đề cập trong băng ghi âm buồng lái, và nguồn tin thứ hai nói một đồng hồ báo ở phía cơ trưởng đã cho thấy máy bay có vấn đề.

Cơ trưởng yêu cầu cơ phó kiểm tra sổ tay tham khảo nhanh, trong đó có bảng kiểm tra các dấu hiệu bất thường, nguồn tin thứ nhất nói.

Những phút cuối

của JT610

Vài phút sau đó, máy bay ra tín hiệu cảnh báo phi công nó đang mất lực nâng và đáp lại tình trạng này bằng cách chúi đầu xuống, báo cáo viết. Tình trạng mất lực nâng xảy ra khi dòng khí dưới cánh máy bay quá yếu, không đủ tạo ra lực nâng và giữ máy bay bay tới trước.

Viên cơ trưởng cố tìm cách lấy lại lực nâng, nhưng máy tính của máy bay tiếp tục ra lệnh cho máy bay chúi đầu xuống bằng cách điều khiển cánh lái độ cao. “Họ có vẻ không biết cánh lái độ cao đang lái máy bay chúi xuống”, nguồn tin thứ ba nói. “Họ chỉ nghĩ  về tốc độ và độ cao. Đó là những thứ họ nói đến”.

Hãng Boeing hôm qua từ chối bình luận với lý do cuộc điều tra đang diễn ra.

Hãng sản xuất máy bay của Mỹ nói có một quy trình đã được thiết lập để xử lý tình trạng này. Một đội bay khác sử dụng chung chiếc máy bay 737 xấu số này vào đêm trước đã gặp vấn đề tương tự nhưng đã giải quyết được nhờ việc dò lại ba danh sách thiết bị cần kiểm tra (checklist), theo báo cáo hồi tháng 11/2018.

Nhưng theo báo cáo này, đội bay đó đã không truyền đạt lại toàn bộ thông tin về các vấn đề họ gặp phải với chiếc máy bay cho đội bay sau, khi họ bàn giao máy bay, báo cáo viết.

Mặc dù gặp vấn đề nhưng các phi công trên chuyến bay JT610 vẫn bình tĩnh trong hầu hết hành trình, theo lời ba nguồn tin. Khi máy bay sắp đâm xuống biển, cơ trưởng vẫn còn yêu cầu cơ phó cầm lái trong khi ông kiểm tra sổ tay hướng dẫn sử dụng để tìm giải pháp xử lý.

Khoảng một phút trước khi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng yêu cầu đài kiểm soát không lưu “dọn đường” ở độ cao dưới 1.000m và đề nghị được giữ độ cao ở mức 1.500m và được đồng ý, theo báo cáo ban đầu. Trong khi cơ trưởng 31 tuổi đang cố gắng trong vô vọng để tìm ra quy trình xử lý trong sách hướng dẫn, cơ phó 41 tuổi đã không còn kiểm soát được máy bay nữa, hai nguồn tin nói với Reuters.

“Nó giống như một cuộc thi có 100 câu hỏi, thời gian đã hết trong khi bạn chỉ mới trả lời được 75 câu”, nguồn tin thứ ba nói. “Vì thế bạn hoảng hốt. Bởi thời gian đã hết”.

Cơ trưởng người Ấn Độ im lặng vào giây phút cuối, cả ba nguồn tin nói, trong khi viên cơ phó người Indonesia nói “Allahu Akbar” (Chúa vĩ đại nhất), một câu nói quen thuộc trong cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số ở Indonesia, thường được dùng để diễn tả sự phấn khích, kinh hoàng, lời khen ngợi hay đau buồn.

Ngay sau đó, chiếc máy bay đâm xuống biển, giết chết toàn bộ 189 người.

Hôm thứ Ba, cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Pháp BEA nói dữ liệu ghi âm của chiếc máy bay Ethiopia gặp tai nạn khiến 157 người thiệt mạng “có những tương đồng rõ ràng” với thảm họa ở Indonesia.  Kể từ vụ tai nạn của máy bay Lion Air, hãng Boeing đã tìm cách nâng cấp phần mềm máy tính của máy bay, thay đổi mức độ về quyền làm chủ của MCAS, một hệ thống chống mất lực nâng mới được phát triển cho dòng máy bay 737 MAX.

 Phi công “đi ké” cứu được máy bay vào đêm trước đó
Theo hãng tin Bloomberg, đêm hôm trước khi máy bay gặp nạn, đội bay hôm đó gặp vấn đề tương tự nhưng đã được một phi công của hãng Batik Air “xin đi nhờ” trợ giúp giải quyết vấn đề. Hai nguồn tin nói với Bloomberg rằng sự có mặt của viên phi công thứ ba này không được đề cập trong báo cáo hồi tháng 11. Phi công đi nhờ được nói là đã bắt đúng bệnh và nói với phi hành đoàn tắt hệ thống kiểm soát bay gặp lỗi và do đó cứu được máy bay. Nhưng nó và phi hành đoàn cùng  các vị khách ngày hôm sau đã không gặp may như thế.

Máy bay Boeing 737 MAX rơi ở Indonesia: Phi công nói gì những phút cuối? ảnh 1 Thiết bị ghi âm buồng lái của chuyến bay JT610 được trưng bày tại một cuộc họp báo ở Indonesia vào tháng 1/2019. 
ảnh: Reuters
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.