Mẫu khỏa thân tố họa sĩ hiếp dâm: Tế bào nam là của ai?

TPO - Luật sư Trần Tuấn Anh-Văn phòng Luật sư Minh Bạch cho rằng, ngay khi có kết quả giám định pháp y của nạn nhân, cơ quan điều tra cần phải làm rõ tế bào nam tìm thấy trong vùng kín của người mẫu Kim Phượng là của ai? Từ đó sẽ biết được người nào đã có hành vi giao cấu với người bị hại...  

Liên quan đến vụ người mẫu nude Kim Phượng tố bị họa sĩ L. hiếp dâm gây xôn xao dư luận , PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh – Văn phòng Luật sư Minh Bạch để làm rõ các vấn đề xung quanh vụ việc này.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm là một nguyên tắc Hiến định (Điều 20 Hiến pháp Việt Nam năm 2013) mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị coi là tội phạm nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo đó, hành vi hiếp dâm (dùng bạo lực để xâm hại tình dục đối với người khác) có mức hình phạt rất nghiêm khắc quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, khách thể của tội hiếp dâm chính là quyền bất khả xâm phạm về thân thể nói chung, quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người nói riêng (đặc biệt là phụ nữ); nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của con người và trật tự an toàn xã hội và được pháp luật Hình sự Việt Nam bảo vệ.

Theo luật sư Tuấn Anh, hành vi của người phạm tội thường thể hiện bằng cách dùng sức mạnh về thể chất như: vật ngã, giữ chân tay, bịt miệng, bóp cổ, xé quần áo nạn nhân….nhằm làm cho nạn nhân mất khẳ năng chống cự để giao cấu hoặc thực hiện hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

Ngoài hành vi dùng vũ lực thì tội này còn có thể được thể hiện thông qua hành động “đe dọa dùng vũ lực”, tức là dùng lời nói hoặc cử chỉ, động tác nhưng chưa tác động trực tiếp vào người nạn nhân để nạn nhân hiểu rằng nếu không cho thủ phạm giao cấu thì có thể bị sử dụng vũ lực ngay lập tức. Hay việc hung thủ lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân như: Nạn nhân ở một mình trong khu rừng vắng, trong đêm tối, nạn nhân đang bị bệnh, đang trong tình trạng say rượu…để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

“Điều 141 BLHS năm 2015 còn quy định nhóm hành vi khách quan theo hướng mở là “thủ đoạn khác”, tức là trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn không có tính chất bạo lực (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực) nhưng có khả năng làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân thì vẫn phạm tội này. Ví dụ như cho nạn nhân dùng thuốc gây mê, thuốc kích dục, chất kích thích khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không điều khiển được hành vi để xâm hại tình dục đối với họ” – luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân được hiểu là việc không nhận được sự đồng ý của nạn nhân. Việc đánh giá thái độ của nạn nhân phải căn cứ vào diễn biến quá trình phạm tội và sự chống trả, phản ứng của nạn nhân.

Ngoài việc thực hiện hành vi giao cấu trực tiếp bằng bộ phận sinh dục của hai người khác giới (như trong BLHS năm 1999) thì các hành vi quan hệ tình dục khác như dùng miệng, dùng công cụ khác, quan hệ qua đường hậu môn, quan hệ tình dục đồng giới… trái ý muốn của nạn nhân đều thuộc sự điều chỉnh của điều luật này.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm khi thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 141 BLHS. Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ đối với quy định tại Điều này. Về mặt chủ quan của tội phạm thì tội phạm này bắt buộc phải được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Người thực hiện hành vi phạm tội này phải đối mặt với mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là chung thân. Đối với người chưa thành niên phạm tội này (người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) thì khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 10 năm tù. Ngoài ra Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cần làm rõ tế bào nam là của ai?

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, việc kết quả giám định pháp y của người mẫu Kim Phượng có tế bào nam và vết rách trong vùng kín của người bị hại đã chứng minh việc đã có tác động giao cấu của người nam giới vào bộ phận sinh dục của bị hại.

“Điều cần thiết bây giờ cơ quan điều tra cần phải làm rõ tế bào nam ấy là của ai? Từ đó sẽ biết được người nào đã có hành vi giao cấu với người bị hại” – luật sư Tuấn Anh nói.

Việc người mẫu Kim Phượng tố cáo họa sĩ L. có hành vi hiếp dâm Kim Phượng nhưng có đeo bao cao su. Luật sư Tuấn Anh cho rằng, việc đeo bao cao su khi hiếp dâm không ảnh hưởng nhiều đến tình tiết của vụ án, bởi người thực hiện hành vi hiếp dâm, sau khi đã khống chế được nạn nhân bằng các thủ đoạn như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác làm cho nạn nhân mất khả năng chống cự thì hoàn toàn có thể đeo bao cao su để thực hiện hành vi hiếp dâm, có lẽ rằng đối tượng không muốn để lại hậu quả đối với hành vi hiếp dâm của mình nên đã lựa chọn bao cao su.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ án này, cơ quan điều tra cần phải sử dụng nghiệp vụ để xác định có hay không có việc ông họa sỹ đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng hành vi khác nhằm làm mất khả năng chống cự của cô người mẫu kia để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân hay không?

"Chỉ cần làm rõ hành vi này, kết hợp với kết quả xét nghiệm tế bào nam thu được trong vùng kín của nạn nhân thì đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội hiếp dâm để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật" - luật sư Tuấn Anh nói.

Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hiếp dâm:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; 
c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên; 

đ) Đối với 02 người trở lên; 

e) Có tính chất loạn luân; 

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; 

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: 

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; 

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.