Máu đổ khi làm phim “Việt Nam” của Karmen

Bộ đội tiếp quản Thủ Đô (Cảnh phim “Việt Nam”)
Bộ đội tiếp quản Thủ Đô (Cảnh phim “Việt Nam”)
TP - Sáu mươi năm đã qua, nhưng những thước phim về chiến thắng Điện Biên Phủ của cố đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen vẫn sống động trong lòng nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Quanh việc làm bộ phim tài liệu lịch sử đặc biệt này, có những chuyện còn ít được biết qua hồi ức của người trong cuộc...

Hy sinh khi đã hòa bình

Tôi đến gặp NSND Nguyễn Khắc Lợi, một nhà làm phim gạo cội của làng điện ảnh Việt Nam nay đã ở tuổi ngoài tám mươi. Ông được biết đến là một đạo diễn phim truyện, nhưng bước khởi đầu lại tham gia làm phim tài liệu. 

Đạo diễn Khắc Lợi bồi hồi: “Nay nhiều người tham gia làm bộ phim “Việt Nam” của đạo diễn Karmen không còn, nhưng bộ phim vẫn còn mãi...”.

Đang là học sinh trường Hùng Vương (Phú Thọ), ông Lợi và một số bạn được chọn vào ngành điện ảnh. Sau đó, Khắc Lợi cùng Nguyễn Quang Tuấn (nhà quay phim, nay đã mất) được cử tham gia một đoàn làm phim của Liên Xô. Đoàn bạn sang đây để làm một bộ phim khái quát về cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, trong đó có điểm nhấn đặc biệt về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thời điểm đó đã diễn ra cuộc chiến tại Điện Biên. Đoàn làm phim được chia làm 3 nhóm để khẩn trương vào việc. Nhóm thứ nhất do đạo diễn Karmen phụ trách lên chiến khu Việt Bắc ghi hình các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhóm hai do nhà quay phim Isurin phụ trách đến Nghệ An làm phim về cuộc sống của nhân dân ta trong những ngày chống Pháp. 

Còn nhóm của nhà quay phim Mukhin - trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi (sau này là cố vấn văn học của bộ phim) và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi - chuyên quay về quân sự đã lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Máu đổ khi làm phim “Việt Nam” của Karmen ảnh 1

Tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ (Cảnh phim “Việt Nam”)

Bác Hồ và lãnh đạo Đảng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các nhóm làm phim thực hiện nhiệm vụ. “Trước khi đi, anh Khoa (cố NSND Phạm Văn Khoa- PV) phụ trách ngành điện ảnh dặn chúng tôi: Tại Điện Biên hiện có một số quay phim của ta ở đó. Gặp nhau nhớ phối hợp cho tốt và học thêm nghề từ các anh với những kinh nghiệm thực tế tại chiến trường”- đạo diễn Khắc Lợi nhớ lại.

Đường lên Điện Biên rất khó khăn, nhiều thời điểm nhóm làm phim phải đi ban đêm để tránh đạn pháo của địch. Tại ngã ba Cò Nòi, bom bươm bướm của địch thả nhiều như lá tre khiến lực lượng công binh phải đi trước dọn bom để mở đường cho đoàn. 

Do tại Điện Biên đã có quay phim của ta có mặt từ trước, nên khi nhóm làm phim lên Điện Biên Phủ thì chiến dịch đã kết thúc cũng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch làm phim. Nhóm lập tức bắt tay vào quay những cảnh trận địa sau trận đánh, máy bay địch bị bắn rơi, xe tăng địch bị phá hủy.

Tại Điện Biên Phủ, quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi đã gặp một số đồng nghiệp có mặt từ trước như Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Mai Lộc, Nguyễn Ngọc Quỳnh... 

“Các anh đã kể cho tôi nghe việc thực hiện những cảnh quay trong mưa bom bão đạn. Sau này, những thước phim về trận chiến giữa ta với địch được đưa vào phim rất có giá trị”- đạo diễn Khắc Lợi cho biết.

Tuy chiến dịch đã kết thúc, nhưng việc quay phim vẫn gặp nhiều nguy hiểm. Trước khi nhóm làm phim của Mukhin đến nơi, để kịp quay cảnh trao trả tù binh Pháp, nhóm quay phim của ta phải đi đường tắt. 

Máu đổ khi làm phim “Việt Nam” của Karmen ảnh 2

Người dân Điện Biên hân hoan trong chiến thắng (Cảnh phim “Việt Nam”)

Do trời mưa, cờ hiệu đánh dấu bom mìn bị mờ khiến tất cả lạc vào một bãi mìn. Người đi trước phải cào đất, bới cỏ để đi, người đi sau theo đó dẫm lên dấu chân người trước. Không may, một thành viên trong nhóm là Nguyễn Thụ (cố đạo diễn Nguyễn Thụ, sau này là Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam) dẫm phải mìn, nát một bàn chân.

Tổ làm phim phải đưa Nguyễn Thụ đến trại thương binh để cứu chữa, cưa chân bằng biện pháp thủ công. Đau đớn vậy mà Nguyễn Thụ vẫn cắn răng chịu đựng. Sau này trở về Hà Nội, Nguyễn Thụ phải tiếp tục vào bệnh viện chữa trị, vết thương mới lành hẳn.

Chuyện khác diễn ra khi đoàn làm phim phải dựng lại cảnh quay bộ đội ta kéo pháo ở Điện Biên. Nhằm khắc họa hình ảnh chân thực, một số người lính được bố trí nấp sau bụi cây ném thủ pháo ra để tạo khói lửa bom đạn. Những chiến sĩ này chưa đốt dây cháy chậm đã vội ném khiến thủ pháo không nổ. Hồi đó phim rất hiếm, quay nhiều lần mà vẫn chưa được nên mọi người rất buồn. 

Thấy vậy, người trung đội trưởng đã thế chân đồng đội để ném thủ pháo. Nhưng anh để dây cháy chậm quá ngắn, nên khi vừa ném, thủ pháo đã nổ tung khiến anh hy sinh. “Giải phóng rồi mà người lính đó vẫn hy sinh vì những thước phim quý giá”- đạo diễn Khắc Lợi noi.

Những thước phim sống động

Một thời gian sau, các nhóm làm phim tập hợp tại chiến khu Việt Bắc để trao đổi về những cảnh đã quay và cùng thống nhất những những cảnh tiếp theo. Nguyễn Khắc Lợi có cơ hội hiểu biết hơn phong cách làm phim của đạo diễn Karmen. Phim của đạo diễn Karmen được kết hợp đan xen giữa những cảnh quay thực và dàn dựng, nhưng đều dựa trên sự thật lịch sử. 

Máu đổ khi làm phim “Việt Nam” của Karmen ảnh 3

NSND Nguyễn Khắc Lợi. Ảnh: kiến nghĩa

Như cảnh bắt sống tướng Đờ Cát được dựng lại tại núi rừng Tuyên Quang, nhưng đi kèm là cảnh quân Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên Phủ là phim tư liệu thật. Đại cảnh đoàn tù binh Pháp được đạo diễn Karmen quay ở khu vực trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang), nhưng hình ảnh cận cảnh thể hiện những gương mặt khiếp đảm của tù binh Pháp được quay tại Điện Biên Phủ. 

Bên cạnh đó, những hình ảnh kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo các loại vũ khí như DKZ (đại bác không giật), SKZ (súng không giật); GS Hồ Đắc Di giảng bài giữa rừng già; GS Tôn Thất Tùng tiến hành ca mổ phức tạp; GS Đặng Văn Ngữ chế tạo thuốc kháng sinh penicillin; họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ những bức tranh cổ động lớn... tại chiến khu Việt Bắc trong những ngày kháng chiến cũng được Karmen khắc họa sống động, chân thực.

Với những thước phim quay được, đạo diễn Karmen yêu cầu quay phim phụ Nguyễn Quang Tuấn (đi cùng nhóm của R.Karmen) rửa một số mẩu thử. Nguyễn Quang Tuấn phải trùm chăn để tạo buồng tối in tráng phim, nhưng khi xong thấy phim có hình ảnh đen trắng mà không phải màu khiến tất cả vô cùng lo lắng. Đạo diễn Karmen vội cho chuyển phim về nước để in tráng, kết quả sau đó cho thấy phim có hình ảnh màu.

Mọi người thở phào ôm nhau mừng rỡ. “Hoá ra hồi đó do điều kiện thiếu thốn và thiếu kinh nghiệm, anh Quang Tuấn in tráng bị rà phim nên dẫn đến tình trạng như vậy”- đạo diễn Khắc Lợi cho biết.

Tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Khắc Lợi có dịp được gặp Bác Hồ. Khi đó, Người đang ngồi trò chuyện với một số bà con nông dân. Nhà quay phim Mukhin vội ghi lại những hình ảnh này. Sau đó, Bác nói với nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Sau đây chúng ta sẽ về tiếp quản Thủ đô, vậy chú hát bài Người Hà Nội mà mình sáng tác để mọi người cùng nghe”. 

Những câu hát: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...” của nhà văn Nguyễn Đình Thi vang lên giữa núi rừng Việt Bắc.

Sau đó, đoàn làm phim lại chia thành 3 hướng để về Hà Nội. Nhóm của Mukhin về Hà Nội đầu tiên nên may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút quân ở cầu Long Biên, cảnh người dân Hà Nội tưng bừng cờ hoa vẫy chào đoàn quân chiến thắng.

“Khi Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ đi qua, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã thay mặt nhóm làm phim ôm hoa trao tặng”- đạo diễn Khắc Lợi kể.

Về sau, Nguyễn Khắc Lợi có dịp xem bộ phim “Việt Nam” (hay còn có tên khác “Việt Nam trên đường thắng lợi”) của đạo diễn Karmen. Sau giải phóng Điện Biên vài năm, Nguyễn Khắc Lợi đã được sang Liên Xô học đạo diễn tại trường VGIK (Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Xô viết) và có dịp gặp lại đạo diễn Karmen khi ông giảng dạy tại đây. 

Sinh viên Khắc Lợi cũng đến thăm hai nhà quay phim Mukhin và Isurin tại nhà riêng, qua đó có dịp được ôn lại những tháng ngày làm bộ phim “Việt Nam”. 

Trong thời gian học tại trường, Nguyễn Khắc Lợi cũng được đọc cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu” của đạo diễn Karmen, ghi lại chuyến đi đầy gian khổ nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm của ông khi cùng mọi người làm bộ phim “Việt Nam”.

“Đọc những trang viết của Roman Karmen càng cho ta thấy rõ hơn hình ảnh của đất nước Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử, mà nổi bật là chiến dịch Điện Biên Phủ”- NSND Nguyễn Khắc Lợi nói.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.