> “Người rừng” muốn về lại rừng
> 'Người rừng' trở về: Cuộc sống kỳ lạ giữa rừng già
Vụ đầu ở Hà Nội, tại bệnh viện của huyện nọ, các nhân viên y tế đã cho hàng ngàn bệnh nhân xài chung phiếu kết quả xét nghiệm máu của nhau để tư lợi.
Cháu bé 11 tháng tuổi bị tiêu chảy, cháu bé 3 tuổi viêm phế quản, dùng chung kết quả xét nghiệm máu của người có 20 năm bị động kinh. Cháu bé 4 tháng tuổi có cùng “công thức máu” với cụ già ngoài 80 tuổi mang cả chục thứ bệnh trong người. Chuyện sau ở miền tây Quảng Ngãi, khi cha con “người rừng” sau gần 40 năm sống bình an giữa rừng già tuyệt giao với con người, vừa được người dân và chính quyền địa phương đưa về làng, mà báo chí hoan hỉ gọi đó là một cuộc “giải cứu”!
Hai cha con dân tộc Cor nọ gần 40 năm bằng tay không chống chọi với thiên nhiên hoang dã. Họ dùng bùi nhùi đánh lửa, tự làm ra áo quần, dựng nhà trên cây, chế ra những công cụ trồng trọt, săn bắt. Thuốc thang cũng lấy từ cây cỏ. Đáng kinh ngạc hơn cả là làm cách nào người cha có thể tự mình bảo bọc nuôi dưỡng đứa con mới 2 tuổi giữa chốn rừng thiêng nước độc với bao nguy hiểm rình rập suốt chừng ấy năm, nếu không bằng tình phụ tử thiêng liêng.
Thì ra không phải chống chọi, mà chính là họ hòa mình một cách trọn vẹn đầy nâng niu với thiên nhiên, và được thiên nhiên che chở. Trong cái “xã hội” rừng rú ấy, phần con người cao quý không hề mất đi.
Vậy, ai mới là “người rừng”? Khi người ta nhân danh con người văn minh và máy móc hiện đại chữa bệnh cứu người, để hành xử với nhau một cách man rợ. Liệu thủ đô có là “rừng” không, khi năm nào cũng vậy, chỉ sau trận mưa lớn, ai nấy đã phải đi bằng thuyền? Dù đã có nhiều ngàn tỉ đồng được đổ vào hạ tầng đô thị. Con người có phải cầm thú không, khi bẫy độc lẫn nhau trong mọi đồ ăn thức uống? Người thân liên tiếp hạ sát người thân một cách tàn độc. Khi số người chết vì thiên tai bão tố hằng năm chỉ bằng số lẻ của những thứ tai nạn con người đem đến cho nhau?
Những người mà ta quen gọi là “thiểu số”, kết giao anh em với thần linh bằng “giao ước máu”, với lễ đâm trâu tế thần. Còn giữa người với nhau, họ kết giao bằng những giọt máu thuần chất con người trong huyết quản, thể hiện qua tình đồng bào chân thật, bao bọc chở che lẫn nhau.
Trong cuốn “Miền đất huyền ảo” của nhà Tây Nguyên học lừng danh người Pháp Dambo (Jacques Dournes) có nói nhiều về bộ Luật tục truyền miệng Biduê của người Êđê. Luật tục, và cách sống của người đồng bào nơi đó, là “Gánh củi nặng, phải giúp người ta mang, cũng như gùi nước nặng. Mọi người phải nghe cùng một tai, nói như chỉ có một miệng, mong muốn như cùng một tấm lòng”. Nơi đó, “Người thủ lĩnh cõng dân như cõng em mình. Che chở cho họ để mọi sự đều tốt đẹp và dễ chịu”.
Giữa chúng ta với hai cha con được coi là “người rừng” kia, ai mới cần “giải cứu”?