Mẩu chuyện nhỏ về đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng gặp lại bạn cũ đồng niên
Đại tướng gặp lại bạn cũ đồng niên
TP - Vì làm công việc có liên quan đến trùng tu và phục chế khu vườn và nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nên tôi được nhiều lần gặp ông. Mỗi lần gặp là một lần để lại cho tôi những ấn tượng về một vĩ nhân nhưng hết sức dung dị và thuần hậu.

Vẫn là người con của đồng quê xứ Lệ

Đại tướng xa quê Lệ Thủy (Quảng Bình) từ năm 14 tuổi khi  vào học ở Quốc học Huế và sau đó đi làm cách mạng. Dù rất ít khi về  Lệ Thuỷ nhưng giọng nói của ông khi giao tiếp với đồng chí, đồng bào ở quê không hề bị lai tạp. Đại tướng dùng nhiều phương ngữ khiến chúng tôi bất ngờ. Khi nhắc đến chiếc phản thường nằm thời tuổi thơ, ông nói với tôi:

- Chắc nó thất lạc mô đó trong thôn, các cháu tìm chuộc nó về!

Khi nói về khu vườn, ông bảo:

- Nương nhà mình trước đây kéo dài ra tận ngoài mưng tề ! (Vườn nhà mình ngày xưa kéo dài ra tận ngoài cây lộc vừng kia!)

Khi dự xem đua bơi trên dòng Kiến Giang (8/1999), Đại tướng  quay sang hỏi các anh lãnh đạo xã và thôn:

- Đò mềng thứ mấy?

Đây là câu cửa miệng của dân Lệ Thủy khi hỏi nhau về thứ hạng đò bơi, đò đua của làng mình xếp thứ tự bao nhiêu.

Chắc bạn đọc và nhiều người tò mò muốn biết khi mỗi lần ra Hà Nội, chúng tôi có quà gì biếu Đại tướng. Xin thưa là rất đơn giản:

Món quà  ông thích nhất là chai tinh dầu tràm. Thứ tinh dầu được chưng cất thủ công từ cây tràm, loại cây mọc rất nhiều vùng đồi Lệ Thủy. Loại dầu này là thứ chủ lực chống cảm mạo ngày xưa được người dân ưa chuộng. Bây giờ lớp trẻ như chúng tôi ít dùng nhưng Đại tướng thì vẫn thích và giữ thói quen này cho tới cuối đời. Ngoài chai dầu tràm, nếu có thêm thì vài chai mật ong lấy từ rừng miền Tây của huyện. Thêm một ít tép phơi khô và bao gạo của lúa tái sinh, thứ gạo sạch tuyệt đối vì không bón bất cứ thuốc trừ sâu nào, là thứ rất sẵn của quê An Xá.

Nhiều lần tiếp xúc, tôi không thấy vẻ uy nghiêm, đạo mạo của một vị Đại tướng, một vĩ nhân mà thấy toát lên vẻ bình dị trong cách nói năng, hành xử của một người ông thuần hậu, chân chất của vùng quê gió Lào cát trắng.

Ngày 12/2/2002, Đại tướng và gia đình về thăm quê, nghỉ lại nhà khách cơ quan Huyện ủy. Lúc đó tôi đang phụ trách việc trùng tu nhà và vườn nên đang muốn gặp để hỏi thêm vài chi tiết nhưng lịch làm việc của Đại tướng đã kín. Đồng chí Bí thư Huyện ủy nói nếu chú muốn gặp riêng thì sáng mai sang ăn sáng và  tranh thủ làm việc luôn. Bữa sáng hôm đó chỉ có Đại tướng, phu nhân Đặng Bích Hà, chị Hồng Anh và mấy người nữa. 

Nhà bếp bưng lên mỗi người một bát cháo bồ câu hầm và vài món ăn nhẹ. Tự tay bà Đặng Bích Hà xé nhỏ từng miếng thịt bỏ vào bát cho Đại tướng và luôn giục ông ăn đi cho nóng. Nhìn hai mái đầu bạc bên nhau, tôi không còn thấy một vị Đại tướng oai hùng và một nữ Giáo sư khả kính mà chỉ thấy sự ấm cúng, ân cần và hạnh phúc của một đôi vợ chồng già tâm đầu ý hợp đến tận chặng cuối của cuộc đời.

Trí nhớ tuyệt vời của một vĩ nhân

Tháng 11/1983, khi về quê, Đại tướng đến thăm trường cấp 3 Lệ Thủy. Trong vòng vây học sinh và cán bộ, giáo viên của trường cùng nhân dân chào đón, ông rẽ đám đông đến trước một ông già thấp đậm, quắc thước, râu tóc bạc trắng và cất tiếng hỏi:

- Tôi trông cụ quen quen? Có phải cụ là Choạc không?

Cụ già lúng túng:

- Thưa ngài… đúng ạ!

Đại tướng ngắt lời:

- Xin cụ đừng gọi như vậy. Năm nay cụ bao nhiêu tuổi?

- Dạ thưa, tôi 71 tuổi.

Đại tướng nói:

- Tôi 73. Chúng ta là bạn đồng niên!

Sau khi Đại tướng đi rồi, mọi người mới biết. Ông Lê Choạc, người làng Phan Xá khi còn thanh niên thường về cấy, gặt thuê vùng An Xá, trong đó có nhà cụ Võ Quang Nghiêm. Vào các dịp nghỉ hè, cậu  Giáp học ở Huế thường về quê.  

Trong đám người làm, ông là người làm khỏe, vui tính, hay hát hò nên nổi trội hơn cả. Gần nửa thế kỷ trôi qua, trong đám đông, Đại tướng vẫn nhận ra người quen cũ.

Sự hài hước của Đại tướng

Mẩu chuyện nhỏ về đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1 Đại tướng đang xem hò khoan Lệ Thủy.  Ảnh: Đ.T.T

Trong bộ phận trùng tu, sửa chữa nhà Đại tướng có anh Sư, kỹ sư xây dựng phụ trách công việc thiết kế. Trong lần đầu chúng tôi ra làm việc, có thủ tục giới thiệu danh tính từng người với Đại tướng  và phu nhân. Khi đến anh Sư, đồng chí Bí thư Huyện ủy nói:

- Thưa bác, đây là anh Võ Giáo Sư !

Ông hỏi ngay:

- Giáo sư là học hàm à?

- Thưa Bác, đó là tên khai sinh ạ!

Mọi người đều cười vui vẻ. Buổi làm việc trở nên thân mật, ấm cúng, tự nhiên nhờ câu hỏi đùa của Đại tướng.

Sau khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khu vườn xong, huyện điện báo cáo và xin đưa ra Hà Nội cho Đại tướng. Ông không đồng ý và bảo khi có dịp sẽ về để nhận. Tháng 8/1999, Đại tướng và gia đình về thăm quê. Tại Văn phòng Huyện ủy, khi nhận từ tay đồng chí Đoàn Kim Xử, Chủ tịch UBND huyện tấm sổ đỏ, ông nói:

- Tôi đang thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân đây!

Tất cả chúng tôi đều cười vui vẻ.

Sự công tâm và chu đáo của Đại tướng

 Cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng là liệt sỹ. Khi tìm được mộ Cụ và đưa từ Huế về (1977), hài cốt Cụ được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ huyện. Khi thiết kế nghĩa trang, huyện đã chừa hai ô ở khu các anh hùng, có ý sẽ an táng song thân Đại tướng. Khi biết chuyện, Đại tướng nói:

- Cảm ơn thiện ý của lãnh đạo huyện, nhưng ông thân tôi là liệt sỹ bình thường nên không thể đặt ở khu vực dành cho các anh hùng. Còn thân mẫu tôi là người dân, không thể đặt vào nghĩa trang liệt sỹ.

Theo lời Đại tướng, Cụ thân sinh được đặt ở cạnh khu vực các anh hùng liệt sỹ, còn thân mẫu được an táng phía ngoài nghĩa trang, cách khuôn viên vài chục mét. Mộ của bà nằm khiêm nhường bên cạnh những ngôi mộ khác.

Từ việc của gia đình, Đại tướng đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ mà khi nói chuyện với cán bộ ông thường nhắc lại: Người cách mạng phải “dĩ công vi thượng”!

Khi công việc trùng tu cơ bản hoàn thành, Đại tướng về thăm nhà  (11/4/2002). Ngồi giữa nhà, trong sự rộn ràng, nồng nhiệt của bà con đến chào đón, Đại tướng không quên cho gọi ông Đặng Đại Trung, Giám đốc đơn vị thi công vào hỏi han thân tình. Khi biết ông Trung là cháu ruột ông Đặng Đại Múng, người thợ làm ngôi nhà này năm xưa nay vẫn còn sống, ông ân cần gửi lời hỏi thăm và cảm ơn ông Múng.

Vì làm công việc có liên quan đến gia đình Đại tướng nên tôi được nhiều lần gặp ông. Lần sau cùng được gặp là ngày 24/8/2005, khi Đại tướng đang điều trị tại Bệnh viện 108. Ông phải nằm phòng cách ly để điều trị theo chế độ đặc biệt và rất hạn chế tiếp khách nhưng khi nghe Đại tá Nguyễn Huyên báo có đoàn Lệ Thủy ra thăm, ông cho gọi vào phòng bệnh. 

Biết Đại tướng  mệt nên đồng chí Chủ tịch UBND huyện chỉ nói lời chúc thọ. Dù cuộc gặp chỉ kéo dài mươi phút và dù đang  rất mệt, ông vẫn ngồi cho chúng tôi chụp ảnh chung để làm kỷ niệm. 

Tết Đinh Hợi (2007), khi đó Đại tướng đã yếu mệt nhưng tôi vô cùng cảm động khi nhận được tấm thiếp Chúc Tết có chữ ký tươi của ông. Tôi có nhiều bức ảnh chụp với Đại tướng nhưng tấm ảnh ở Bệnh viện 108 và tấm thiếp Chúc mừng năm mới của ông tôi luôn giữ gìn, nâng niu như báu vật. Một con người vĩ đại, ân nghĩa ngay từ những việc làm bình thường!

Cảm ơn thiện ý của lãnh đạo huyện, nhưng ông thân tôi là liệt sỹ bình thường nên không thể đặt ở khu vực dành cho các anh hùng. Còn thân mẫu tôi là người dân, không thể đặt vào nghĩa trang liệt sỹ. 

MỚI - NÓNG