Mạnh tay thu hồi dự án ven biển bỏ hoang

Một dự án ở ven biển Đà Nẵng chậm triển khai, mới có mấy bộ khung nhà. Ảnh: Nam Cường
Một dự án ở ven biển Đà Nẵng chậm triển khai, mới có mấy bộ khung nhà. Ảnh: Nam Cường
TP - Dọc các cung đường ven biển miền Trung, hàng chục dự án (DA) “xí phần” đang bị chính quyền địa phương “sờ gáy”, ra quyết định thu hồi. Nhiều DA bỏ hoang gần 10 năm, chủ dự án liên tục thất hứa mốc hoàn thành dự án nhưng vẫn ung dung tại vị.

Dọc con đường “5 sao” từ Sơn Trà (Đà Nẵng) tới Hội An, hàng loạt dự án bỏ hoang, xây rồi để đó khiến người dân không có đường xuống biển, bức bí câu chuyện giải tỏa, tái định cư. Tương tự, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, đường ven biển huyện Phù Cát (Bình Định) cũng dày đặc DA chậm triển khai…

“Xí phần” đất vàng, liên tục thất hứa

Tại Đà Nẵng, đầu tháng 6 vừa rồi, UBND thành phố đã “điểm mặt” hàng loạt DA ven biển sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, gồm: Khu du lịch giải trí Đệ Nhất (8.000m2, 100% vốn nước ngoài), DA Khu du lịch Đệ Nhất (45.000m2), DA Trường dạy nghề lướt ván (800m2), khu thể thao giải trí Huy Khánh (4.000m2, Cty CP Huy Khánh) tại khu vực đất vàng ven biển. Ngoài ra, các DA đã có chủ trương thu hồi gồm: Khu du lịch (KDL) Biển Đông mở rộng (Bãi Rạng) và vệt biệt thự khu nghỉ mát Bãi Trẹm (Biển Đông mở rộng). Hai DA này sắp được giao lại cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố quản lý.

“Trước đây, do nôn nóng thu hút đầu tư du lịch nên việc rà soát, kiểm tra năng lực thực hiện của các nhà đầu tư gần như dễ dãi. Từ năm 2014, tỉnh tiến hành siết chặt việc lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính, đồng thời phải ký quỹ đầu tư (10%), trong 12 tháng nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ mất số quỹ này. Không chấp nhận việc sang nhượng DA. Đây cũng là bài học cho tỉnh. Quan điểm của tỉnh Bình Định là ưu tiên diện tích đất ven biển cho mục đích công cộng, xây dựng các công viên ven biển phục vụ nhân dân”.

Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng

Một số DA nằm trong diện cần thanh kiểm tra để xác định tiếp tục hay cho dừng hẳn, gồm: DA Temple nằm cạnh bãi biển Phạm Văn Đồng; DA bất động sản và du thuyền Đà Nẵng (chủ đầu tư Liên doanh Cty Quốc Cường Gia Lai và VinaCapital) và dự án Khu du lịch sinh thái Ghềnh Bàn - Bãi Đa; KDL Nam Phát; KDL ven biển Hòn Ngọc Á Châu (chủ đầu tư Cty CP Hòn Ngọc Á Châu thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai); KDL biển I.V.C do Cty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư; Khu du lịch The Nam Khang (Cty TNHH The Nam Khang)...

Các DA trên được UBND thành phố giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức thanh tra tình hình sử dụng đất, rà soát tiến độ thực hiện dự án như đã cam kết. 

Một số DA khác đã ký cam kết tiến độ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay không triển khai hoặc triển khai chậm như: DA Hoàng Anh Gia Lai của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai; DA Khu nghỉ dưỡng ven biển của Cty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước; DA Bãi Bủ của Cty CP Hải Duy; DA KDL sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà của Cty TNHH Du lịch và Đầu tư Sơn Hải… sẽ tiến hành thanh tra, nếu có dấu hiệu không triển khai, chắc chắn sẽ thu hồi. 

Thực tế, những DA đã được thành phố điểm mặt nêu trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đang dừng hẳn, bỏ hoang hóa và chưa biết khi nào sẽ thực hiện. “Thành phố nhiều lần ra tối hậu thư nhưng vẫn không ăn thua. Các DA trên đều xí phần đất vàng và có dấu hiệu sang nhượng kiếm lời” - ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết.

Tại Bình Định, theo ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT): Hiện, Bình Định có 15 DA ven biển đầu tư trong lĩnh vực du lịch vốn ngoài nhà nước. Trong đó, DA có diện tích lớn nhất là 300 ha, nhỏ nhất khoảng 1,5 ha. Các DA hầu hết đang trong giai đoạn triển khai hoặc giải phóng mặt bằng. Một số DA chậm triển khai như điểm số 1, 2 Khu kinh tế Nhơn Hội, KDL Trung Lương... 

Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng ký văn bản thu hồi DA KDL khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. DA này do Cty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ đầu tư. DA có quy mô 300 ha, tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2014. 

Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải cho biết, việc DN chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Từ năm 2003, khi có thông tin quy hoạch xây dựng dự án, xã buộc phải dừng hết các hoạt động giải quyết nhu cầu về đất ở, cơi nới. Từ tháng 12/2007, các công trình phúc lợi cũng không được triển khai. Trong các cuộc họp cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị, bức xúc về vấn đề này. Chưa kể, một số hộ tự ý khoanh bao, lấn chiếm đất sản xuất trở lại.

Dự án “treo” ven biển ưu tiên dành cho công cộng

Theo ông Đỗ Chuyền, trưởng thôn Vĩnh Hội, dự án kéo dài trong thời gian quá lâu khiến dân mệt mỏi. Những nhu cầu về nhà ở cũng không được giải quyết. Nhiều cặp vợ chồng phải chen chúc nhau trong một căn nhà dẫn đến cãi cọ, mất đoàn kết. Trong khi đất dự án bỏ hoang còn, nhiều hộ không có diện tích để sản xuất. Nhiều hộ dân các xã ven biển ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) hiện đang sống trong cảnh chật chội, vì không được làm nhà trên đất DA.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, tỉnh Bình Định đã có văn bản thu hồi đối với Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Ngoài ra, trong năm 2015, tỉnh cũng đã thu hồi hai DA khác do chậm triển khai để giao lại cho nhà đầu tư có năng lực hơn. Tương tự, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng đã rà soát từng DA chậm, “treo” và sẽ hoàn tất các thủ tục để thu hồi theo đúng quy định pháp luật. “Đã nhận đất thì phải triển khai, không thể cứ xí phần rồi để đó chờ sang nhượng kiếm lời” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Về việc chậm triển khai, theo ông Nguyễn Bay có hai nguyên nhân chính. Một là khủng hoảng kinh tế chung từ năm 2008 đến nay nên nhiều nhà đầu tư yếu dần, dẫn đến không còn tha thiết, quyết tâm thực hiện. Hai là công tác giải phóng mặt bằng tương đối khó khăn cũng dẫn đến mất hứng thú với các nhà đầu tư. Từ năm 2010 - 2013, Bình Định đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư đối với 8 DA du lịch. 

“Đối với những dự án không thực hiện, tỉnh Bình Định sẽ kiên quyết thu hồi, giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn. Ngoài ra, đối với những dự án nằm trong “quỹ đất vàng” sẽ chọn lọc kỹ dựa theo nhiều tiêu chí như: Nguồn lực tài chính (có vốn sở hữu 15 - 30% giá trị dự án); kiến trúc; lĩnh vực, mục đích đầu tư; Thời gian thực hiện và ký quỹ đầu tư…

“Đối với những dự án có diện tích nằm giáp mặt biển, nhà đầu tư sẽ quản lý nhưng phải có cam kết sử dụng chung mặt biển và bờ biển. Nghĩa là, người dân vẫn có thể đi xuyên suốt bãi biển chứ không phải rào bịt kín lối đi của dân” - ông Nguyễn Bay nói.

MỚI - NÓNG