Mang khoa học về vùng khó

TP - Với chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, 2 năm qua T.Ư Đoàn tổ chức hàng chục chuyến tình nguyện đưa các giảng viên trẻ, sinh viên giỏi về vùng sâu, vùng xa giúp bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đồng hành cùng người dân

TS Hà Duy Trường, Trưởng bộ môn rau, hoa, quả, Khoa Nông học, ĐH Nông lâm Thái Nguyên và đoàn sinh viên vừa kết thúc chuyến tình nguyện về Na Rì – Bắc Kạn, giúp người dân nơi đây chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật. TS Trường chia sẻ, anh thường xuyên tham gia các chuyến công tác về vùng sâu vùng xa hỗ trợ, tư vấn cho bà con nhân dân. “Hiện các tỉnh ở miền Bắc đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng rất lớn, theo hướng chuyên nghiệp, dài hạn. Nhưng ở vùng đất Na Rì tôi vừa đến gần như không có sự chuyển mình. Người dân đang loay hoay không biết trồng cây gì. Một số hộ dân trồng bưởi, chanh nhưng năng suất thấp, chỉ được một thời gian cây bị chết do kỹ thuật chăm sóc kém”.

Qua khảo sát, tiếp xúc với nhân dân, TS Trường tổ chức buổi tư vấn, hướng dẫn bà con cách chọn, tạo giống, kỹ thuật trồng cây; đặc biệt là cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh. Đặc biệt, TS Trường đã giúp người dân Na Rì áp dụng công nghệ chế biến phân tại chỗ thành phân hữu cơ thân thiện với môi trường, thay cho phân bón hóa học. Ngoài ra, hỗ trợ một hộ thanh niên triển khai mô hình trồng bưởi da xanh với quy mô 2.000 m2. Với mô hình này, cuối tháng 7 vừa rồi, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Long Hải đã đích thân đến thăm và cùng trồng những cây bưởi đầu tiên trong vườn. TS Trường sẽ thường xuyên giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho mô hình này trong vòng 3-4 năm để đạt hiệu quả cao, từ đó nhân rộng ra các hộ gia đình khác tại Na Rì.

Đội hình tình nguyện của TS Trường là 1 trong 10 đội hình tình nguyện thuộc các trường: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Thái Nguyên, Thành Đoàn TPHCM tham gia chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới’ trong mùa hè 2017. Các giảng viên trẻ, sinh viên tiêu biểu đã tình nguyện về với bà con nông dân tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, và triển khai các mô hình kinh tế mới. Bên cạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình, mỗi đội hình còn hỗ trợ người dân xây dựng từ 1 – 2 mô hình phát triển kinh tế, mỗi mô hình trị giá từ 20 - 30 triệu đồng. Người hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình là các giảng viên của nhà trường, học viện có trình độ chuyên môn sâu; lực lượng sinh viên giúp bà con trồng cây và xây dựng mô hình. Các mô hình sẽ được lực lượng trí thức trẻ duy trì hướng dẫn, đồng hành trong 3 năm và nhân rộng tại địa phương.

Nhân rộng các mô hình

Anh Ngô Văn Cương, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, chương trình được triển khai từ năm 2015. Chương trình nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, trí tuệ của giảng viên trẻ, sinh viên chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật mới, mô hình mới vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tạo môi trường để giảng viên trẻ, sinh viên vận dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đóng góp thiết thực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để triển khai chương trình, T.Ư Đoàn đã chỉ đạo và phối hợp với các trường đại học, học viện về lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp tổ chức các đội hình trí thức trẻ về các địa bàn khó khăn trên cả nước. 

Trong 2 năm qua, T.Ư Đoàn đã triển khai 16 đội hình tình nguyện với lực lượng nòng cốt là 391 giảng viên trẻ, sinh viên được đào tạo chuyên ngành triển khai hoạt động tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Gia Lai. Kết quả, đã xây dựng được 27 mô hình đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như: Mô hình cây Ba Kích, cây Táo Mèo, cây Chuối nuôi cấy mô, bưởi da xanh... tạo điều kiện cho hơn 150 hộ thụ hưởng kết quả của các mô hình; tổ chức 24 buổi tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, các đội hình đã triển khai được 14 đề tài nghiên cứu thiết thực đến sản xuất nông nghiệp.

Các nghiên cứu trên là cơ sở để các đội hình tiến hành các biện pháp can thiệp nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng giống cây trồng của địa phương. Anh Ngô Văn Cương cho biết thêm, chương trình sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhân rộng nhằm giúp người nông dân tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.