Mandela - biểu tượng của tinh thần tự do, hòa giải dân tộc

Mandela - biểu tượng của tinh thần tự do, hòa giải dân tộc
Cách đây 23 năm, ngày 13/2/1990, người tù lừng danh thế giới Nelson Mandela đã trở về thị trấn của người da màu Soweto trong sự hân hoan chào đón của người dân nơi đây, sau 27 năm bị tù đày dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

Dù không còn tham gia chính trường nữa, nhưng ông vẫn là hiện thân cho tiến trình hòa giải dân tộc của Nam Phi, là biểu tượng của thế giới vì tinh thần tự do và tấm lòng bao dung cao cả.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ảnh: Southafrica.net

Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918 trong một gia đình đông con tại Transkei - quê hương của người da màu. Mandela là người đầu tiên trong gia đình được đi học, và cô giáo tiểu học đã đặt cho ông cái tên “Nelson” với hy vọng cuộc đời của ông sau này đạt nhiều danh vọng.

Ngay từ thời sinh viên, Nelson Mandela đã bộc lộ tinh thần chống chế độ kỳ thị da màu đương quyền. Tinh thần đấu tranh quyết liệt này đã khiến ông buộc phải rời trường đại học Fort Hare, vì tham gia vào cuộc xuống đường của sinh viên chống lại thể chế thuộc địa của người da trắng, và phải đến Johannesburg để theo học ngành luật.

Nhiều năm tháng phải chứng kiến những hành động vô nhân đạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid đã nhen nhóm trong ông một ý định thay đổi cả thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa thay vì an phận với một cuộc sống thôn dã thanh bình được sắp sẵn, công việc của một luật sư ít nhiều hứa hẹn thành công trong tương lai, ông đã chấp nhận hy sinh toàn bộ tuổi thanh xuân của mình để đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lạm dụng nhân quyền ở Nam Phi.

Năm 1942, ông gia nhập đảng Đại hội dân tộc Phi của Nam Phi (ANC) và trở thành một trong những người sáng lập ra Liên đoàn thanh niên của tổ chức này. Ông đi khắp đất nước kêu gọi nhân dân kháng chiến chống lại chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid của chính phủ đương thời và chống lại sự kỳ thị của người da trắng, điều khiến ông bị bắt và bị kết án tù nhiều lần.

Lần đầu tiên ông bị bắt là năm 1958 với cái gọi là tội “phản quốc” nhưng được tha bổng.

Năm 1964, vị luật sư trẻ tuổi lại tiếp tục phải ra tòa cùng với những chiến hữu kiên cường với tội danh “âm mưu phá hoại nhà nước” và bị kết án tù chung thân.

Với lòng căm thù những kẻ áp bức, ông đã kêu gọi toàn thế giới chống lại chế độ phân biệt chủng tộc bằng lời tuyên bố đanh thép: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã hiến dâng bản thân cho cuộc tranh đấu của người dân châu Phi. Tôi chống lại sự thống trị của người da trắng và tất cả những kẻ thống trị. Tôi ấp ủ trong lòng lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó tất cả mọi người đều cùng nhau sống trong thuận hòa và có cơ hội ngang bằng. Đó là một lý tưởng tôi hy vọng sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần thiết, tôi cũng đã chuẩn bị chết vì lý tưởng này.”

Trong suốt hơn hai thập kỷ bị giam trong xà lim của nhà tù trên đảo Roben, Nelson Mandela vẫn kiên trì đấu tranh và thu phục được lòng mến mộ của các bạn đồng cảnh ngộ. Trong chốn lao tù, Mandela đã xây dựng nên một hệ thống trường học khiến cho nhà tù đảo Roben vốn thâm nghiêm trở thành trường “Đại học Mandela.”

Trong suốt những năm của thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Nelson Mandela của nhân dân Nam Phi và quốc tế ngày một lên cao. Trước tình hình đó, nhà đương cục buộc phải hứa trả tự do cho Mandela.

Ngày 5/7/1989, người tù nổi tiếng nhất thế giới này đã được hộ tống trong vòng bí mật nghiêm ngặt đến Văn phòng tổng thống để bắt đầu một cuộc thương lượng không chỉ về sự trao trả tự do cho ông, mà còn cả về quá trình chuyển đổi đất nước từ chủ nghĩa Aparthied sang chế độ dân chủ, với con đường duy nhất là đàm phán giữa Chính phủ và ANC.

Tháng 9/1989, ông F.W.de Klerk lên làm Tổng thống Nam Phi. Thời gian này, việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bắt đầu được đẩy mạnh và vận mệnh của Nelson Mandela cũng thay đổi.

Ngày 2/2/1990, Klerk tuyên bố trả tự do cho Mandela. Ngày 11/2/1990, Nelson Mandela kết thúc cuộc sống 27 năm sau song sắt để trở về với nhân dân. Lúc này ông đã 72 tuổi.

Sau khi được trả tự do, Nelson Mandela cùng vị Tổng thống da trắng mới đắc cử Federic de Clerk hợp sức đưa Nam Phi ra khỏi nguy cơ bạo loạn vì khủng hoảng kinh tế do bị cấm vận và tranh đấu sắc tộc, và lãnh đạo ANC trong cuộc thương lượng đa đảng dẫn tới cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên của Nam Phi.

Ngày 27/4/1994, bốn năm sau khi được trả tự do, Nelson Mandela trở thành người da màu đầu tiên đắc cử Tổng thống Nam Phi. Tháng 7/1999, ông rời bỏ hoạt động chính trị sau khi hết một nhiệm kỳ Tổng thống và trở về sống ở Transkei.

Trong thời gian cầm quyền, Nelson Mandela luôn ưu tiên đặt vấn đề hòa giải dân tộc lên hàng đầu. Ông đã dựng lên một tượng đài của tính liêm chính, lòng trung thành, niềm hy vọng, tính nhân đạo, và giành được sự tôn trọng của quốc tế đối với những nỗ lực hòa giải quốc gia và thế giới.

Khi không còn tham gia chính trường, Nelson Mandela vẫn tiếp tục các cuộc chiến khác, đó là chiến đấu vì người nghèo và trẻ em thông qua các quỹ hỗ trợ mang tên mình. Ông cũng là người đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội vì quyền con người trong đó phải kể đến sự ủng hộ của ông đối với phong trào “Biến đói nghèo thành dĩ vãng.”

Ngoài ra, ông còn thành lập Học viện Mandela với tiêu chí hoạt động tập trung vào nghiên cứu, phát triển giáo dục, đào tạo để đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng nền giáo dục cơ bản. Hàng trăm dự án của Học viện đã được triển khai thành công và ngày càng được nhân rộng.

Trong suốt hơn bốn thập kỷ hoạt động không ngừng nghỉ, ông đã vinh dự nhận được hơn 250 giải thưởng của đất nước Nam Phi, của các nước cũng như các tổ chức trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993.

Do những cống hiến to lớn của nhà lãnh đạo Nam Phi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt xung đột, xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, đấu tranh vì nhân quyền, hòa hợp và bình đẳng giới, tháng 11-2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18/7, ngày sinh của ông, là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc lúc đó, ông Ali Treki, việc kỷ niệm “Ngày quốc tế Nelson Mandela” như là một lời nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tính cấp thiết của vấn đề bình đẳng xã hội, công lý và việc thực hiện các mục tiêu hòa bình thông qua đối thoại. Lễ kỷ niệm cũng là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cùng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Nelson Mandela luôn tự cho rằng mình là một người bình thường, nhưng trên thực tế, ông đã làm được những điều hết sức phi thường. Đó chính là những lý do khiến ông được hàng triệu người, không chỉ ở quê hương Nam Phi mà còn ở khắp nơi trên thế giới, yêu mến và kính trọng. Và cũng không khó để có thể lý giải được tại sao khi Mandela vẫn đang ngồi trong tù thì đã có con phố đầu tiên mang tên ông, và khi chính trị gia này rời khỏi chức vụ Tổng thống Nam Phi, thì đã có hàng trăm con đường, quảng trường, trường học cũng như nhiều cuốn sách, truyện và ca khúc trên khắp thế giới mang tên ông.

Theo Vietnamplus

>Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời
> Nelson Mandela: Cuộc đời và những dấu ấn thời đại
> Thế giới tiếc thương Nelson Mandela

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG