Mầm hy vọng trên miền đất lở

Người dân Trà Leng lên rẫy trồng quế
Người dân Trà Leng lên rẫy trồng quế
TP - Trong cơn cuồng nộ của đất trời, những con người nhỏ bé đã nắm lấy tay nhau cùng vượt tai ương, dìu nhau qua gian khó, hoạn nạn. Những cánh tay cứ nối dài, tấm lòng bao dung nhân lên tạo nên sức mạnh vượt qua những đau thương...

Người ở “điểm nóng”

Nóc ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) trở thành “điểm nóng” nguy hiểm khi sạt lở  nửa quả núi khổng lồ vùi lấp cả ngôi làng. Giữa lúc mưa vẫn không ngừng trút, những khối đất đá đỏ au, gốc cây lớn chìa ra vẫn chờ đổ xuống nhưng bất kể hiểm nguy, những thanh niên trai trẻ, người làng trên xóm dưới phăng phăng đường rừng để kịp cứu đồng bào mình.

Lê Thái Hùng, Phó Bí thư Đoàn xã Trà Leng, nhớ lại, chiều ngày 28/10/2020 khi anh em đang hỗ trợ người dân di dời tránh bão thì hay tin dưới thôn 1 sạt lở vùi lấp cả làng. Lúc này trời mưa rất lớn, đường sá trơn trượt, nhiều đoạn sạt lở không thể chạy xe nên cả đoàn người chạy bộ về làng. Đến nơi chứng kiến cảnh tượng tan hoang đổ nát không ai tin vào mắt mình, ngôi làng vốn yên bình nay là đống đất đá tan hoang. Định thần một lát, mọi người chia nhau kiếm tìm nạn nhân. Có người vừa đào bới tìm kiếm vừa khóc. Mưa vẫn trắng trời. “Mỗi lần tìm thấy thi thể nạn nhân tim mình thắt lại, đau như mất chính người thân. Vậy nhưng còn nhiều người đang nằm dưới đống đất đá này chờ được đưa ra nên ai cũng kìm nén cảm xúc của mình cố gắng khẩn trương nhất” – Hùng chia sẻ. Tám nạn nhân được Hùng và mọi người đưa ra, có người không còn nguyên vẹn. Mọi người cố gắng nhận dạng nạn nhân định vị chỗ đất vườn theo đúng tập tục.

Chiếc áo mưa mang trên người rách tả tơi, Nguyễn Ngọc Thực (24 tuổi) vẫn không ngừng đôi tay lật từng phiến đá trong đống đổ nát. Với Thực hình ảnh ngày hôm đó thật kinh hoàng. Những người bạn bè, bà con mình chỉ mới đây thôi còn chuyện trò nói cười rộn rã bây giờ vùi sâu dưới đống đất đá. Nhiều người dù thoát chết nhưng bị thương đầy mình, cả đoàn thay nhau cõng bộ chạy đưa đi cấp cứu. Tai nạn ập xuống nhưng giao thông bị cắt đứt, điện thoại cũng không thể liên lạc được. Trong khi lực lượng cứu hộ nỗ lực để thông đường và tìm cách tiếp cận hiện trường, “nước xa không cứu được lửa gần” thì những thanh niên, người trong làng phải tự cứu nhau trước đã.

Trong số 55 người ở nóc Ông Đề, con số 33 người được cứu sống như một kỳ tích. Những ngày sau đó, các lực lượng chức năng và người dân ròng rã ngày đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích, đồng thời dựng nhà tạm để người dân tá túc, dìu nhau gượng dậy giữa đống đổ nát để dựng lại cuộc sống mới.

Mầm hy vọng

Những ngày cận Tết, Trà Leng vẫn mưa rả rích. Nhưng người dân không còn rầu rĩ trốn trong khu nhà tạm, họ mặc áo mưa lên rẫy. Đây là thời điểm thích hợp để gieo cây quế - thứ cây chủ lực giúp người dân ổn định cuộc sống từ bao đời nay.

“Mưa lũ cuốn sạch 2 ha quế trồng rồi, giờ phải gieo lại. Phải đi làm thôi, không ai giúp mình được mãi, buồn mãi sao được, còn các con nữa”, ông Nguyễn Thành Sơn, thôn 1 Trà Leng nói.

Trận sạt lở vừa rồi ông Sơn mất nhà và mất người vợ bao năm cùng nhau tảo tần. Sau khi chôn cất người vợ quá cố, ông chuyển về ở cùng với người dân xóm trong khu nhà tạm. Ông nói, những ngày qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng cũng cảm thấy vơi đi phần nào tâm trạng buồn đau, bất lực trước đó. Ông tự hứa với lòng mình, hứa với người vợ quá cố phải nỗ lực dựng lại mọi thứ và cho con cái học hành đến nơi đến chốn. “Giờ thì khó khăn hơn trước gấp mấy bận, nhưng phải cố gắng thôi!”, ông chia sẻ.

Gặp anh Hồ Văn Đông đang tranh thủ chạy lên xã để làm lại giấy tờ tùy thân bị mất rồi ngược về để lên rẫy. Anh muốn mình trở nên bận bịu hơn để không phải ám ảnh những ngày tháng đau buồn kia nữa. Trận sạt lở kinh hoàng cướp đi vợ và đứa con trai út, anh tưởng chừng không sống nổi. Suốt những ngày tháng ròng anh như người mất hồn. “Mọi người động viên, giúp đỡ rất nhiều, từ cái ăn uống đến chỗ ở. Các cán bộ xã cũng nói sắp tới sẽ chuyển đến chỗ ở mới an toàn hơn. Không biết có kịp đón Tết ở nhà mới không, hoặc sẽ cùng bà con đón Tết chung, nhưng sẽ là một cái Tết đặc biệt”, anh Đông nói.

Gần 3 tháng từ sau thảm nạn xảy ra, người dân Trà leng vẫn không thể nào quên ký ức kinh hoàng đó. Nhưng họ thấy ấm lòng hơn bởi những tấm lòng, những bàn tay sẵn sàng chìa ra để họ vịn dậy đứng lên sau tột cùng đau thương.

Con đường dẫn vào Trà Leng lầy lội, trơn trượt nhưng nườm nượp những đoàn xe từ thiện. Những ngày rong ruổi đường rừng trao quà của bạn đọc báo Tiền Phong hỗ trợ người dân Trà Leng chúng tôi gặp rất nhiều những đoàn xe từ thiện. Người mang áo ấm, chăn mền, người giúp dựng nhà, hỗ trợ con giống tái sản xuất...

Mầm hy vọng trên miền đất lở ảnh 1 Lê Thái Hùng và Nguyễn Ngọc Thực là một trong những thanh niên có mặt sớm nhất cứu người ở khu sạt lở nóc ông Đề
 
Mầm hy vọng trên miền đất lở ảnh 2 Khẩn trương xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở Trà Leng
“Đúng là trong hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau. Người dân dù mất mát nhưng cảm thấy rất ấm áp khi những tấm lòng từ khắp mọi miền chung tay hỗ trợ. Với sự nỗ lực của chính quyền cùng với tấm lòng sẻ chia của cộng đồng sẽ giúp những nạn nhân sống sót sau vụ sạt lở bắt đầu lại một cuộc sống mới” – ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nói. Lãnh đạo huyện cũng thông tin, hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương xây dựng khu tái định cư cho người dân sập nhà. Khu đất rộng 6 ha thuộc thôn 2 xã Trà Dơn được bố trí xây khu tái định cư cho 80 hộ có nhà sập.

Ông Phan Quốc Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho hay, sau chừng ấy thời gian, cùng với sự chung tay của chính quyền, cộng đồng bây giờ người dân đã tạm ổn định tâm lý, quay trở lại công việc nương rẫy. Cả xã có 825ha quế, giá quế những năm qua cũng khá cao nên bà con cũng có thêm thu nhập. Mưa lũ khiến nhiều diện tích quế bị hư hỏng, số quế bị mất đến nay bà con đang triển khai trồng lại. “Cây quế vẫn là cây chủ lực, kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng gối đầu hy vọng bà con sẽ ổn định cuộc sống”, ông Cường bày tỏ. Nhìn màu xanh đã trở lại, những mầm non mới nhú, thấy ấm lòng. Đau thương tang tóc đang lùi lại, phía trước là hy vọng.

Những công trường thanh niên đồng loạt triển khai ở Trà Tập, Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My), Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) giúp dân dựng lại mái nhà, dọn dẹp trường lớp để trẻ được đến trường.

Những cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN trên chuyến xe tình nguyện với lỉnh kỉnh nào tôn, xà gồ, chăn mền, gạo muối, xoong nồi, con giống... Ngoài tặng quà, bạn trẻ chia nhau sửa chữa, dựng lại nhà cho dân, dọn vệ sinh môi trường... “Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tấm lòng tương thân tương ái và tinh thần xung kích trong thanh niên, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống” – anh Nguyễn Xuân Đức, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam, cho biết.

“Mưa lũ cuốn sạch 2 ha quế trồng rồi, giờ phải gieo lại. Phải đi làm thôi, không ai giúp mình được mãi, buồn mãi sao được, còn các con nữa”.
Ông Nguyễn Thành Sơn, thôn 1 Trà Leng 

MỚI - NÓNG