Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Mặc dù các dự án đã bị đình lại, tại Bắc Kinh, ông Mahathir nói chúng có thể “thực hiện sau”, SCMP đưa tin.
Theo Reuters, hồi tháng 7 vừa qua, ông Mahathir đã cho tạm dừng các dự án bị chỉ trích là “mất cân đối” và chi phí cao. Chính quyền mới của ông Mahathir nói, chủ của những khoản nợ lớn sinh ra từ các dự án trên, được phê duyệt dưới thời người tiền nhiệm Najib Razak, là ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Trước khi rời Kuala Lumpur sang Trung Quốc, ông Mahathir đã tuyên bố: “Những dự án này sẽ không được tiếp tục. Thời điểm này, ưu tiên hàng đầu của Malaysia là giảm nợ. Các dự án sẽ bị trì hoãn tới lúc nào chúng ta có khả năng thanh toán, có thể chúng ta sẽ giảm bớt chi phí. Nếu phải bồi thường, chúng ta sẽ chấp nhận trả. Đây chính là sự ngu ngốc của những cuộc đàm phán trước đây. Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi những dự án này".
Trong cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Mahathir với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông cho rằng quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc vẫn tốt đẹp, vấn đề là giữa các doanh nghiệp Malaysia và Trung Quốc.
Theo nhận xét của CNN, khác hẳn với việc chỉ trích gay gắt Trung Quốc trước đây, trong chuyến công du Trung Quốc lần này, ông Mahathir tỏ ra khá mềm mỏng. Dù trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Mahathir đã cảnh báo về nguy cơ “chế độ thực dân mới”, nhưng ông cũng thừa nhận, Malaysia học hỏi được nhiều từ Bắc Kinh.
“Tôi tin tưởng vào hợp tác với Trung Quốc vì Trung Quốc mang lại lợi cho chúng tôi”, ông Mahathir đã trả lời báo chí sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho rằng, cả hai bên đều mong muốn mở rộng quan hệ thương mại. Trung Quốc cũng mong muốn tăng cường nhập khẩu hàng hóa Malaysia.
Mặc dù ông Mahathir đã nói nhiều về việc đàm phán lại với các dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn tại Malaysia do Bắc Kinh hỗ trợ vốn, nhưng trong các văn kiện ký kết giữa hai chính phủ ngày 20/8 chỉ đề cập chuyện hợp tác kế toán xuyên biên giới, mua bán sầu riêng và dầu cọ.