Trong suốt hai tuần, các lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã không xuất hiện trước công chúng. Họ được nói là đã tới khu nghỉ Bắc Đới Hà ở tỉnh Hà Bắc để bàn những chuyện quan trọng nhất của đất nước. Theo các nhà quan sát, chủ đề của năm nay chính là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và quan điểm nổi lên là sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt xa các vấn đề kinh tế - thương mại.
Cụ thể là đã có những quan điểm cho rằng cuộc chiến thương mại là một trong những cách thức Mỹ sử dụng để kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tham vọng trở thành siêu cường, theo SCMP.
Mặc dù theo kế hoạch, thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn sẽ lên đường qua Mỹ để tiếp tục đàm phán trong ít ngày nữa, các nhà quan sát nói ông Vương khó lòng đạt được kết quả gì đáng kể.
“Tổng thống Donald Trump hiện đang rất tự tin, và Trung Quốc không nên tỏ ra yếu đuối”, một cựu quan chức thương mại Trung Quốc nói.
‘Trung Quốc phải tỏ ra tự tin và cứng rắn. Nhượng bộ quá nhiều ngay từ đầu sẽ chỉ khiến ông Trump càng thêm gây hấn”, ông nói.
Trước và trong khi Hội nghị Bắc Đới Hà diễn ra, báo chí Trung Quốc tung ra hàng loạt bài xã luận cứng rắn về mối quan hệ Mỹ - Trung. Tờ Nhân dân Nhật báo hôm 10/8 nói chính quyền Trump tiếp tục sử dụng chiêu bài “can dự và kiềm tỏa” đối với Trung Quốc, nhằm mục tiêu “điều chỉnh” sự phát triển của Bắc Kinh theo ý muốn của Washington. “Với việc xem xét lại các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ cho thấy sự không nhất quán, mâu thuẫn và thất thường”, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết. “Nhưng cái logic phía sau cánh gà thì khá rõ. Mỹ không chỉ muốn giảm thâm hụt thương mại, mà còn rộng hơn là kiềm tỏa Trung Quốc”.
Một bình luận khác của tờ Nhân dân Nhật báo, đăng hôm 12/8 nói Mỹ đang “tìm kiếm vị trí bá chủ thế giới, và Trung Quốc cần “quyết tâm chiến đấu”.
Lý Thành, chuyên gia về Trung Quốc tại viện Brookings (Mỹ), nói cùng với thương mại, một loạt các vấn đề liên quan đến an ninh và các bất đồng khác với Mỹ đang đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Nếu chỉ là vấn đề kinh tế-thương mại, lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng thỏa hiệp”, ông Lý nói.
Các căng thẳng thương mại không ngừng leo thang không chỉ giáng những đòn nặng nề vào các trọng điểm kinh tế Trung Quốc, từ khu vực Thâm Quyến-Hong Kong, đồng bằng sông Dương Tử tới hành lang kinh tế Bắc Kinh-Thiên Tân- Hà Bắc, mà còn có tác động rất rõ ràng tới thị trường chứng khoán và thậm chí là cả giá bất động sản, ông Lý nói.
“Điều đó đang làm xói mòn “chân đế quyền lực” của chủ tịch Tập. Đâu đó đã có những chỉ trích từ giới trí thức về chính sách ngoại giao của ông”, chuyên gia Lý Thành nhận định.
Ông Lý và Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đều cho rằng trong khi chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng địa vị quyền lực của ông Tập bị đe dọa mặc dù có chỉ trích cách tiếp cận của ông đối với nước Mỹ, ông có thể đã phải trải qua sức ép chưa từng có trong thời gian diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà.
Theo ông Roy, ông Tập rất có thể đã vấp phải hai thách thức cơ bản nhất tại Hội nghị Bắc Đới Hà: cuộc đối đầu với Mỹ và những lực cản trong nước đối với các chỉ đạo của trung ương về việc khôi phục sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ bắt đầu có sự thay đổi sau khi chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, một đối trọng quyền lực. “Ðó là cú đánh mạnh vào Trung Quốc”, ông Lý nói với SCMP. “Ðối với Bắc Kinh, mọi thứ đều có thể thảo luận miễn là người ta coi họ là đối tác hay bạn bè. Nhưng khi là kẻ thù, nhiều thứ không thể mang ra thương lượng được”.