Mai này còn cá tự nhiên: Nặng lòng với dòng Mekong

Richard Shearman - du khách đến từ Anh chụp đàn cá
Richard Shearman - du khách đến từ Anh chụp đàn cá
TP - Chứng kiến tình trạng nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là các loài cá quý hiếm, một nông dân sống giữa nguồn sông Hậu đã quyết tâm bảo tồn và sưu tầm các loài cá để chúng không biến mất. Cùng với đó Hai lúa này kết hợp du lịch tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến Cồn Sơn của thành phố Cần Thơ.

Thích thú “thủy quái”

Buổi sáng giữa tháng 3, bè cá bập bềnh trên sông Hậu của ông Lý Văn Bon (thường gọi Bảy Bon) ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ nhộn nhịp với cảnh công nhân tất bật làm nhà trên bè, còn những chiếc tàu du lịch nổ máy ầm ầm rẽ sóng chở khách du lịch liên tục tấp vào tham quan.

Từng đoàn khách ta lẫn Tây lần lượt bước lên bè, có người tỏ vẻ sợ sệt khi lần đầu đặt chân đến vùng sông nước. Ông Bảy Bon dáng người chắc nịch, nước da ngăm đen, chất phác niềm nở giới thiệu với du khách. Họ nghĩ rằng đến chỉ tham quan những con cá bình thường trong đời sống hàng ngày nhưng khi Bảy Bon đưa lên con cá hô hàng chục ký mà người ta thường gọi là “thủy quái” Mekong thì mọi người đều bất ngờ, thích thú. Bởi loài cá này sống tự nhiên trên sông Mekong, con to có thể lên đến vài trăm ký, dài 2 - 3 mét là chuyện thường, thỉnh thoảng ngư dân bắt được mà báo chí hay đăng tải.

Chưa dừng lại, Bảy Bon tiếp tục “trình diễn” cho khách xem loài cá được gọi là “tên lửa”. Loài cá này có nguồn gốc từ vùng Amazon ở Nam Mỹ và cũng được gọi là một loài thủy quái. Gọi là cá “tên lửa” bởi với loài cá này, mồi là một con chim hay mồi đậu cách mặt nước gần cả thước thì chúng sẽ phun nước mạnh lên làm cho con mồi ướt cánh rơi xuống nước. Bảy Bon kể, ông phát hiện con cá này trong một buổi hoàng hôn khi ngồi ngắm sông Hậu, bất chợt thấy kiểu bắt mồi lạ của nó nên giăng lưới bắt cho được, rồi nuôi thử nghiệm. Từ vài con ban đầu, hiện số lượng cá “tên lửa” phục vụ khách tham quan lên hàng trăm con.

Mai này còn cá tự nhiên: Nặng lòng với dòng Mekong ảnh 1 Ông Bảy Bon ngồi kéo lưới giới thiệu cá hô cho du khách xem
Cùng với cá “tên lửa”, hai loài cá xuất xứ từ Nam Mỹ tiếp theo cũng được ông mang về nuôi phục vụ khách du lịch là cá hồng vỹ mỏ vịt và cá cọp. Hai loài cá này ít phổ biến và chỉ được nuôi trong môi trường cá cảnh. Tuy nhiên, Bảy Bon đã nuôi trên sông Hậu vẫn sinh trưởng tốt, trọng lượng trên dưới chục ký mỗi con. Trên bè của Bảy Bon còn có cá Coi (Nhật Bản) với đủ màu sắc tuyệt đẹp khiến nhiều du khách thích thú, chụp ảnh kỷ niệm. Tất cả các loài cá được ông sưu tầm, mua được từ người dân đánh bắt trên sông Mekong.

Đồng thời, ông cho biết đó chỉ là khoảng chục loài để phục vụ khách du lịch, chứ còn cá nuôi thương phẩm trên bè như thác lác, rô phi... mỗi năm xuất bán cả trăm tấn. Đặc biệt, ông đang nghiên cứu, cho sinh sản thêm nhiều loại cá độc, lạ nữa để phục vụ khách du lịch và đa dạng thêm các loài cá tự nhiên. “Bây giờ thì chưa thể công bố nhưng đến thời điểm thích hợp sẽ “trình làng” phục vụ khách tham quan”, Bảy Bon bật mí.

Quyết tâm từ vị khách trời Âu

Xem các loài thủy quái gần giờ đồng hồ đã no mắt khiến không ít người tò mò muốn biết vì sao ông có thể sở hữu nhiều loài quý hiếm như thế này. Bảy Bon ít nói, giọng trầm ngâm bảo rằng, đó là cả câu chuyện dài, rồi ông mời vào bên trong trò chuyện.

Bảy Bon nói rằng, suy nghĩ của mình thay đổi từ một vị khách đến từ châu Âu, đó là Philip Raden- con trai của cố Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang. Ông Philip Raden là tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các loại cá. “Hôm đó, trong khi chờ làm thủ tục nhập khẩu thủy sản ở Cần Thơ, Philip Raden kể cho tôi nghe về hành trình nghiên cứu, tìm hiểu các loài cá trên dòng Mekong. Nghe khoái chí, tôi xin làm hướng dẫn viên cho ông ấy khám phá dòng sông Hậu. Từ khi làm việc với ông, tôi đã nhận ra nhiều điều và quyết tâm làm điều gì đó để bảo tồn các loài cá trên sông Mekong”, Bảy Bon bộc bạch.

Bảy Bon ấn tượng câu nói của vị khách đến từ trời Âu, chính câu nói ấy đã làm thay đổi suy nghĩ của người nông dân trên sông Hậu như ông. Bảy Bon kể: “Ổng nói, thế giới này chỉ có một dòng Mekong. Nếu như mình nuôi cá và bảo tồn nó thì cơ hội làm giàu rất lớn mà không cần phải sống ở nước phát triển nào khác”. Ở Việt Nam là tốt, bởi vì dân số ngày càng đông, còn cá ngày càng cạn kiệt. Cho nên bản thân ông, từ bên Pháp phải sang đây nghiên cứu về các loài cá nước ngọt, cá trên sông Mekong. Đồng thời, ông còn dự báo nhu cầu về cá biển tới đây người ta cũng phải nuôi, chứ không còn để đánh bắt hoài, trong khi cá ở trên sông nước ngọt thì nó còn dễ mất hơn nữa.

“Ông Philip Raden nói thế giới này chỉ có 1 dòng Mekong. Nếu như mình nuôi cá và bảo tồn nó thì cơ hội làm giàu rất lớn mà không cần phải sống ở nước phát triển nào”, ông Bảy Bon

Nghe đến đây, ông chợt nhớ mình cũng xuất thân ở U Minh (Cà Mau). Tết gần đây có dịp về thăm quê, ông đem cá to từ Cần Thơ về U Minh, bạn bè trên này trêu chở cá về rừng, chứ thật ra ở dưới không còn nhiều như trước. Sông Mekong đi qua địa phận Việt Nam chia đôi thành sông Tiền và sông Hậu rồi chảy ra biển. Ông Philip Raden bảo rằng, chỗ này là cái rốn của ĐBSCL. Hơn nữa, ở Cồn Sơn lúc trước nước xoáy, chảy rất mạnh. Vì thế, nhiều loài cá tập trung về đây sinh đẻ. “Ở đây giữa sông nên không bị ô nhiễm. Chưa kể, mỗi ngày có sóng tàu, có gió, có lượng oxy dồi dào nên không cần phải dùng công cụ hay máy móc để tạo dòng chảy, tạo oxy gì nữa”, Bảy Bon cười khì nói.

Với Bảy Bon, một người luôn nặng lòng với việc bảo tồn các loài cá trên sông. Những năm gần đây, dòng chính sông Mekong đang bị các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã và đang đua nhau đắp đập để xây dựng hàng loạt công trình thủy điện khiến hạ nguồn bị tác động. “Dòng chảy bây giờ ít hơn thời điểm ông mới xuống đây rất nhiều. Ai đi qua bến phà Cần Thơ đều thấy nước chảy rất xiết. Chưa kể, trước đây lục bình trôi tấp vô bè khủng khiếp, xô ra không nổi nhưng bây giờ ít lắm”, Bảy Bon thoáng lo lắng.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết, các loài cá ông Bảy Bon đang nuôi đều nằm trong danh mục cho phép nuôi của Bộ NN&PTNT. Đồng thời các loài cá này hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hay ảnh hưởng đến các loài cá khác. Theo ông, hiện nay do thay đổi môi trường, đê bao ngăn lũ, người dân sử dụng hóa chất trong trồng trọt và đánh bắt cá ngày càng nhiều nên ảnh hưởng đến sinh sản của cá. Điển hình như một số loài cá sinh sản ít sẽ bị tiêu diệt trước như cá bông lau, cá hô, cá trạch...

“Hiện nay chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền cho người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài cá quý hiếm để góp phần đa dạng hóa các loài cá trên sông”, ông Hải nói.

Ông Richard Shearman, du khách đến từ Anh lần đầu đến tham quan bè cá của Bảy Bon cảm thấy thú vị. Ông nói rằng, đây là mô hình hay vừa làm kinh doanh và phục vụ du lịch để tăng thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phát đi thông điệp cùng nhau bảo vệ các loài cá quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên dòng Mekong.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG