Chiếc lá đầu tiên bay đi
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, Hoàng Nhuận Cầm là “người đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Với bất cứ ai từng nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến của ông”. Hoàng Nhuận Cầm có niềm đam mê thi ca đến lạ lùng, “giống như con cá chỉ cần chạm nhẹ vào đại dương thi ca liền quẫy đuôi bơi đi”. Giọng thơ say mê ấy vụt tắt đột ngột vào chiều 20/4 vì cơn tắc nghẽn phổi mãn tính, dù chỉ hôm trước còn nói cười, còn say mê đọc thơ giữa hàng trăm sinh viên.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác, Hoàng Nhuận Cầm sớm ngấm chất văn chương và bộc lộ tài năng thi ca. Tạm lui chương trình học tại khoa Ngữ văn tại ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1971 để khoác áo lính, mãi cho tới khi hòa bình lập lại ông mới quay lại trường học tiếp. Hoàng Nhuận Cầm làm thơ, nhưng sau này ông gắn bó phần lớn cuộc đời với Hãng phim Truyện Việt Nam. Ông từng viết nhiều kịch bản phim, có thể kể Đêm hội Long Trì,Hà Nội mùa đông 1946,Mùi cỏ cháy, nhưng thơ mới là “trận địa” vẫy vùng của ông.
Tình yêu đến trong đời không báo động/ Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ(Viên xúc xắc mùa thu);Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh(Sông Thương tóc dài);Để hình dung ra cơn khát/ Ta thường bóp méo bi đông(Mùa hoa bất tử);Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ(Chiếc lá đầu tiên).
“Hoàng Nhuận Cầm có nhiều câu thơ xuất thần. Gần như ở bất kỳ bài thơ nào ta cũng có thể nhặt được những câu thơ hay”, nhà thơ Trần Tuấn nhận định. Anh nhẩm đọc rất nhanh những vần thơ hay của Hoàng Nhuận Cầm: Tình yêu đến trong đời không báo động/ Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ(Viên xúc xắc mùa thu);Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh(Sông Thương tóc dài);Để hình dung ra cơn khát/ Ta thường bóp méo bi đông(Mùa hoa bất tử);Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ(Chiếc lá đầu tiên).
Hoàng Nhuận Cầm xuất bản một số tập thơ: Thơ tuổi hai mươi (in chung, 1974), Những câu thơ viết đợi mặt trời(1983), Xúc xắc mùa thu (1992), Thơ với tuổi thơ (2004), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến(2007), 36 bài thơ (2008). Ông còn dự định dang dở in tập thơ riêng và một tập bình thơ. Những ngày cuối đời, ông vẫn không ngơi góp giọng đọc và bình thơ trong chương trình trên sóng phát thanh.
Giọng thơ khác biệt
Thơ Hoàng Nhuận Cầm trong trẻo, hồn nhiên nhưng người viết lại có đời sống riêng tư nhiều sầu muộn, cô đơn. Trải qua ba cuộc hôn nhân, về cuối đời Hoàng Nhuận Cầm sống cô độc trong căn phòng nhỏ. Thế nhưng dường như bạn bè hiếm khi thấy ông than thân, bi lụy. Nguyễn Quang Thiều nói điều đặc biệt ở nhà thơ Chiếc lá đầu tiên chính là “đi qua đời sống vất vả nhưng không bao giờ để nó triệt tiêu tinh thần trong sáng, ngược lại càng làm khát vọng thơ ca bay lên như một cách cứu vớt cuộc đời”. Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện ở đâu là ở đó mâu thuẫn dịu xuống, bất cứ là cuộc tranh luận căng thẳng ở một hội thảo của văn giới hay sự cự cãi giữa các cá nhân. Sự hài hước, vô tư và trong sáng của ông hóa giải mọi khúc mắc.
Nhà thơ Trần Tuấn chung nhận định thơ Hoàng Nhuận Cầm ngược với đời sống riêng. Anh có so sánh thú vị giữa Hoàng Nhuận Cầm với Lưu Quang Vũ-người chỉ hơn Hoàng Nhuận Cầm bốn tuổi- cả hai cùng làm thơ rất sớm nhưng mỗi người mang gương mặt đặc biệt riêng. Lưu Quang Vũ luôn “đau đời, vật vã, da diết với thân phận con người, thân phận dân tộc”, còn Hoàng Nhuận Cầm ra khỏi chiến trường khốc liệt với trái tim cực kỳ trong trẻo, bất chấp đời sống riêng rất vật vã.
Những vần thơ tình trong trẻo của Hoàng Nhuận Cầm vẫn đầy nhựa sống tới tận ngày nay, được học trò nhiều thế hệ truyền nhau đọc thuộc. Hoàng Nhuận Cầm thực tế còn viết nhiều mảng khác nhau. Thơ chiến tranh, thế sự của ông cũng có giọng nói riêng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm và nhà văn Bảo Ninh cùng huấn luyện ở Nhã Nam trước khi vào chiến trường. Nguyễn Văn Thạc ở lại mãi với tuổi 20, Bảo Ninh và Hoàng Nhuận Cầm về với đời sống. Hoàng Nhuận Cầm sau này viết thơ về chiến tranh máu lửa đấy nhưng không buồn thảm như thơ Lưu Quang Vũ hay như văn của Bảo Ninh. “Không đậm vấn đề xã hội như thơ Lưu Quang Vũ, giọng thơ Hoàng Nhuận Cầm lại lay động kiểu khác. Nó cân bằng lại xã hội này mặc dù cuộc đời Hoàng Nhuận Cầm cũng bi đát không kém Lưu Quang Vũ”, nhà thơ Trần Tuấn nhận xét.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ có hai nhà thơ tạo ra hai giọng nói đặc biệt: Phạm Tiến Duật và Hoàng Nhuận Cầm. Ngay từ khi đoạt giải A thơ báo Văn Nghệ năm 1972-1973, Hoàng Nhuận Cầm mang lại sự ngỡ ngàng cho người đọc, người sáng tác. “Một chàng trai trẻ đi vào chiến tranh, dù chết chóc, thách thức, hi sinh đấy nhưng các bài thơ viết về chiến tranh lại đong đầy ký ức đẹp đẽ. Anh ấy có khả năng thi vị hóa những điều tàn khốc nhất của cuộc chiến”, ông Thiều nói.
Bài thơ ám ảnh Nguyễn Quang Thiều nhất là Thanh thản(Lời của người gỡ mìn đã hi sinh): Đêm ấy con vào Khu Vườn cấm/Không hái táo-mà đi gỡ bom. Câu thơ giản dị nhưng đầy hình ảnh về sự hi sinh, sự tàn khốc nhưng cũng đầy thi vị, và kết thúc gây xúc động mạnh “Mẹ ơi! Trước lúc con vĩnh biệt/Con không kịp thấy chỗ con nằm/Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ/Vẫn quỳ trước mẹ, trước vầng trăng”. Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ không bi thương hóa, không chết chóc hóa hay chủ nghĩa anh hùng hóa chiến tranh. “Đây chính là cách Hoàng Nhuận Cầm đi qua cuộc chiến, cách nhân loại đi qua tất cả thách thức để không bại trận”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra từ 14h30 chiều thứ Bảy 24/4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ truy điệu 16h chiều cùng ngày.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khóc Hoàng Nhuận Cầm bằng chính bài viết chân dung người bạn từng đăng trong cuốn Nhà văn như Thị Nở (2014). “Anh hình dung một mai mình chết như thế nào: chết thật âm thầm, chết hết hận thù, chết thật buồn cười, chết thật tình cờ, chết thật hao gầy, chết hết tội tình, chết thật đìu hiu và như thế “một mai chết hết ăn năn, tôi nằm xuống đất không cần thở than”. Anh dặn lại bạn bè nếu anh chết thì cứ bình thản uống cạn cốc cà phê có ngôi sao chiếu mệnh của anh rụng vào trong đó”.