Hơn bốn mươi năm sau trận hải chiến Hoàng Sa bi tráng, nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi ngoai…
Tết đoàn viên hóa thành tang tóc
Chiều cuối năm Ất Mùi, bà Huỳnh Thị Sinh lặng lẽ lau dọn bàn thờ chồng - hạm trưởng Nguỵ Văn Thà. Mái tóc thiếu phụ đã thưa và lốm đốm bạc, còn ông vẫn trẻ trung giữa hương khói nghi ngút. Căn hộ 60m2 càng trống trải, hiu quạnh.
Bà Sinh nói: “Tôi nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, cách ổng đối xử, thương yêu vợ con mà quyết ở vậy, không đi bước nữa. Ổng hiền lắm, về tới nhà là quấn quít vợ con. Người ta bảo cái gì cũng phôi phai theo thời gian, nhưng mỗi lần nhắc lại thấy buồn thấu ruột.
Bà Sinh kể: Ổng thường xa nhà, hai ba tháng mới về một lần. Lần cuối cùng, buổi sáng ổng xách va li xuống tàu, chiều bất ngờ trở về, đứng dưới tầng trệt gọi vợ. Tàu bị hư, nằm ụ sửa chữa, hơn nửa tháng sau mới rời cảng.
“Hôm ở đảo Song Tử Tây, lúc chào cờ, vì xúc động quá, tôi ngất xỉu. Lãnh đạo đoàn đưa tôi vào bệnh xá có hai bác sỹ chăm sóc rất tận tình. Họ lấy sữa, pha thuốc cho tôi uống, trực tiếp đút cháo cho tôi ăn”.
Bà Huỳnh Thị Sinh, vợ ông Nguỵ Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo
Ông Thà được điều ra Ðà Nẵng. Bà Sinh ở nhà chuẩn bị mọi thứ chờ chồng về ăn tết, không ngờ ông đi luôn đến bây giờ. Bà Sinh nhớ lại: Tôi nghe có đánh nhau, tàu bị chìm nhưng vẫn đinh ninh ổng còn sống. Ngày 29 Tết, báo chí đồng loạt đưa tin. Ðứa lớn nhất lúc ấy 7 tuổi, mới học lớp 1. Nó cầm xấp báo ra cầu thang chung cư Nguyễn Kim (quận 10) vừa đánh vần vừa khóc, dỗ hoài không nín.
Bà Ngô Thị Kim Thanh được chồng - hạm phó HQ10 Nguyễn Thành Trí đưa về Nha Trang, chờ đi tuần xong sẽ đón về Sài Gòn. Bà nhớ lại: Chiều 29 tết, qua đài phát thanh, bố mẹ chồng nhắn tôi về gấp. Tết năm ấy không có ngày ba mươi. Mùng một tết xe đò không chạy. Sáng mùng hai, tôi ôm con về Sài Gòn và ngất lịm khi thấy bàn thờ chồng trong nhà.
Bà Ngô Thị Kim Thanh khóc ngất trong lễ truy điệu chồng.
Những giọt máu của Hoàng Sa
Năm ấy bà Sinh mới 26 tuổi. Còn bà Thanh 29 tuổi, đang mang thai đứa con thứ hai được hai tháng.
Chỉ tấm ảnh đang ôm bụng khóc ngất trong lễ truy điệu chồng, bà Ngô Thị Kim Thanh nghẹn ngào: Tôi chết đi, sống lại, cái thai bị động chỉ chực tuột ra. Bác sỹ chích thuốc, bắt tôi đeo nịt để giữ. Thai yên rồi tôi lại lo cháu sinh ra gặp chuyện không hay. Anh Trí mong chờ đứa con trai nên khi tôi có bầu đã dặn đặt tên con là Nguyễn Thanh Triết. Bảy tháng sau ngày anh mất, con trai chúng tôi chào đời. Khi khai sinh, tôi làm theo di nguyện của chồng và đặt thêm “tự Hoàng Sa” phía sau tên con để đánh dấu nơi anh nằm lại, nhắc nhở các con Hoàng Sa vẫn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam.
Nguyễn Thanh Triết hiện đang làm nhân viên IT (công nghệ thông tin) tại một bệnh viện nổi tiếng tại TPHCM. Anh chỉ biết về cha qua sách báo và tư liệu gia đình.
“Năm 1995, tôi đi tàu của Nhật qua vùng biển Hoàng Sa và nhận được những lời cảnh báo từ phía Trung Quốc, rằng khu vực này thuộc chủ quyền của họ, tàu nước ngoài không được phép tiếp cận. Tôi không hề sợ vì đây là biển đảo của Việt Nam, là nơi ba tôi đã nằm lại” - Triết nói.
Ngày trung sỹ Nguyễn Thành Trọng ngã xuống, vợ ông - bà Nguyễn Thị Lựa mới 20 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng. Bà đặt tên con là Nguyễn Hoàng Sa và vò võ một mình nuôi con khôn lớn.
Bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ ông Nguyễn Thành Trí, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo và hai con bên các kỷ vật.
Cảm thông, chia sẻ
Hai bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh xin vào Ngân hàng Việt Nam Thương tín làm việc cho đến lúc giải phóng miền Nam. Cả hai đã từ chối lên tàu di tản trong những ngày chính quyền Sài Gòn hấp hối.
Bà Sinh nghỉ việc ngân hàng xin vào hợp tác xã mua bán quận. Bà không nề hà việc gì, hết bán rau, bán cá, đến trứng vịt, trứng gà. Biết bà có trình độ, lãnh đạo đơn vị đề bạt làm cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống.
“Lần đầu được ra Trường Sa với thân phận là con của người lính ở phía bên kia, được nhà nước quan tâm, trân trọng và ưu ái, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
Nguyễn Thị Thanh Thảo, con ông Nguyễn Thành Trí, hạm phó chiến hạm Nhật Tảo.
Bà Sinh nhớ lại: Thứ bảy hằng tuần, tôi phải về uỷ ban phường họp. Có mấy chị kiến nghị, chất vấn lãnh đạo vì sao cho vợ ngụy vào hợp tác xã? Tôi nhớ hoài câu nói của ông Chín Trường, Bí thư phường: “Người ta là vợ ngụy nhưng làm tốt thì mình phải nâng đỡ, tạo điều kiện. Mình đừng dồn người ta vào chân tường”. Nghe ông Chín nói vậy, mấy bà nín thinh.
Hợp tác xã giải thể, bà Sinh thất nghiệp, xin phụ mấy người em làm băng đĩa để kiếm sống qua ngày. Ba đứa con tự bươn chải kiếm tiền đi học. Ðứa đi giao hóa đơn, chứng từ, đứa phụ người ta bán hàng.
Bà Thanh tiếp tục làm ngân hàng, được điều chuyển đi tỉnh, hai đứa con phải gửi nhờ ông bà nội, ngoại. Hằng tuần bà lặn lội về thăm con. Cực quá, bà xin nghỉ, về Sài Gòn bán dạo kiếm tiền nuôi con. Bà Thanh nhớ lại: “Khi chuyển công tác, tôi bị cắt hộ khẩu ở Sài Gòn, thành người cư trú bất hợp pháp. Thỉnh thoảng, công an vào kiểm tra hộ khẩu, tôi bị mời về công an phường ngồi cả đêm”.
Mẹ con bà Thanh nương nhờ gia đình chồng. Năm 2000, các con bà được thừa kế một phần gia sản và mua căn hộ chung cư 40m2 ở quận 3. Căn hộ trên tầng ba, chật chội, lên xuống khó khăn, nhất là với cô con gái đang bị bạo bệnh.
Chung cư Nguyễn Kim bị giải tỏa, bà Huỳnh Thị Sinh được hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng trong thời gian chờ bố trí tái định cư. Chán ngán sống thui thủi một mình, bà Sinh về nhà bố mẹ, tiền thuê nhà đong gạo, ăn uống sinh hoạt.
Thấy bà Sinh không có nhà, phải phụ con bán băng đĩa ca nhạc sống qua ngày, một tổ chức thiện nguyện kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, mua tặng bà một căn hộ chung cư trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Gia đình bà Thanh cũng được hỗ trợ hơn 600 triệu đồng thay đổi nơi ở mới rộng rãi, khang trang hơn ở quận Bình Tân.
Hôm bà Sinh nhận nhà, thấy căn hộ trống trơn, nhiều đơn vị, cá nhân đã ủng hộ bà mua vật dụng trong nhà. Một lãnh đạo cấp cao gửi tặng bà Sinh 30 triệu đồng.