> Mẹ 9x của những em bé bất hạnh
> Ngôi chùa 19 năm cưu mang trẻ mồ côi, cơ nhỡ
Bé Nhân Hậu với thân thể cong vẹo Ảnh: N.H. |
Mỗi em “gánh” vài ba bệnh
Trên chiếc cũi I nox, Trần Văn Hùng cố đưa bàn tay cong queo lật mình sang trái phải. Những tiếng kêu nhỏ phát ra từ chiếc miệng méo xệch, hai bàn tay chân mỗi ngày một tong teo sau những cơn đau bệnh. Hơn chục năm nay, cuộc sống của Hùng phải gắn liền trên giường bệnh. Từ ăn uống đến vệ sinh, tắm rửa, Hùng đều nhờ các bảo mẫu trung tâm thường trực trợ giúp.
“Cháu 12 tuổi rồi mà như đứa trẻ lên ba vậy, ngay đến cơm cũng không ăn được, phải uống sữa qua ngày, may lắm là ăn cháo loãng. Tội lắm, chúng đâu chỉ có nỗi đau thể xác” - cô bảo mẫu Nguyễn Thị Tấn (34 tuổi), nói.
Chưa đầy năm tuổi, Hùng bị cha mẹ đẻ để lại tại một bệnh viện trên địa bàn. Một tối mưa lạnh, người nhà bệnh nhân phát hiện đứa bé nằm co quắp trong chiếc khăn mỏng bên hành lang bệnh viện đã điện đến Trung tâm để nhờ trợ giúp. Thiếu thốn tình cảm gia đình, mỗi ngày sống, Hùng lại chống trả với hàng loạt cơn đau bệnh. Cô Tấn bảo: Cháu mắc hàng loạt bệnh vừa bại liệt lại bị não úng thủy, và thiểu năng trí tuệ... Có lẽ biết bệnh tình cháu như vậy nên người nhà nhẫn tâm từ bỏ cháu.
Mới đây, cả trung tâm lại tức tốc sang Khoa Nhi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để nhận về đứa trẻ nhỏ thó vừa bị bỏ rơi - bé Nhân Hậu (3 tuổi). Ai cũng nhớ lần đầu bồng Nhân Hậu, mọi người khóc nức khi thấy bé bị dị dạng, toàn thân méo xệch, cong vẹo. Bằng tuổi này, các bé được chăm bẫm trong vòng tay gia đình, tập đi, nhưng Nhân Hậu chẳng khác là bao so với những đứa trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi: bị bỏ rơi, bại liệt, dị dạng.
Lê Thị Nga (5 tuổi) là cô bé duy nhất của trung tâm biết tự mình chạy nhảy, ngoài hàng loạt những điều thiệt thòi tinh thần, nỗi đau thể xác. Thấy khách lạ, Nga quấn quýt quanh chân mọi người mong được bế bồng. “Cháu chỉ nói ú ớ được từ “mẹ” và nghe hiểu được tên mình thôi. Tội con bé, nó lúc nào cũng khát khao tình cảm gia đình”, cô bảo mẫu Nguyễn Thị Vân (52 tuổi) tâm sự. Năm 2007, Nga được đưa đến Trung tâm khi mới 18 tháng tuổi. Người mẹ thấy con dị dạng, không có lỗ tai, không có lưỡi gà, bị câm điếc bẩm sinh dạng nhẹ nên đã bỏ mặc cháu tại hành lang Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Thỉnh thoảng bị động kinh, Nga nổi tính cáu bẳn, hay đập phá đồ đạc.
Giám đốc Trung tâm - bà Trần Thị Nhì cho biết: Các cháu được đưa về từ bệnh viện, nhà chùa, có cả ở đường ray nữa. Người ta thấy bé bị bỏ rơi nên nhờ trung tâm nhận nuôi dưỡng. Trung tâm có hơn chục em, tất cả em nào cũng mắc 3 - 4 chứng bệnh khác nhau. Chủ yếu các bệnh: bại liệt, bại não, tâm thần, câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Tất cả các hoạt động sinh hoạt thường ngày phải nhờ bảo mẫu.
Những người “mẹ” đồng cảnh
Mỗi ngày làm việc, cô Tấn vượt gần 20 cây số từ xã Hòa Phong (Hòa Vang) để đến trung tâm. Hết thay tã, vệ sinh, các bảo mẫu tất tả nấu ăn, bón cơm cháo... Công việc kéo dài tận khuya, chờ cho các bé chìm vào giấc ngủ, các bảo mẫu Trung tâm mới tạm kết thúc công việc. Thỉnh thoảng những tiếng kêu thét vang lên bất ngờ, mọi người lại chạy vội đưa nôi, vỗ về. Ngay từ thời lập trung tâm, cô Tấn là lớp bảo mẫu đầu tiên. Hơn chục năm gắn bó, hiểu cơ sở, gia đình thấy cô tận tình.
“Nhìn các bé, mình lại nhớ lại những ngày ấu thơ thiếu thốn tình cảm gia đình và cơ cực thế nào nên chỉ muốn san sẻ, bù đắp yêu thương cho các cháu” - cô Tấn bộc bạch.
Mồ côi từ nhỏ, cô Tấn phải ở nhờ nhà người thân. Ngày trung tâm tuyển bảo mẫu, cô hăng hái đăng ký tham gia. Đồng lương đến nay chỉ tăng lên được hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chưa bao giờ những bảo mẫu này có ý định “chuyển nghề”.
Cùng cảnh ngộ, cô Vân có hơn chục năm gắn bó với công việc bảo mẫu tại trung tâm. Cô Vân tâm sự: Chăm sóc các bé bình thường đã vất vả do các cháu chưa tự vận động, ăn uống, với các bé bị bệnh tật lại càng khó khăn hơn. Nhiều lúc mệt nhưng nghĩ đến bản thân mình bị mồ côi cha từ nhỏ, tôi lại thấy yêu mến các cháu hơn. “Ở đây, dù lớn hay nhỏ chẳng bé nào nói thành lời vì bệnh tật. Nhưng mỗi lần thấy các bé ú ớ gọi được tiếng “mẹ”, mọi người lại nhìn nhau xúc động”, cô Vân nói.
“Hiện nay, các hợp đồng hỗ trợ của các tổ chức từ thiện đã hết thời hạn triển khai hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, phần lớn chi phí đều do trung tâm vận động, quyên góp để trang trải cuộc sống hằng ngày cho các bé. Khi các cháu đau bệnh trung tâm lại kêu gọi để có điều kiện đi khám chữa“ - Bà Nhì trăn trở. |