Tất cả đã quen với hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp đứng sau thành công của bóng đá Thái, nhưng ít ai biết rằng đây mới là lần đầu tiên “Madam Pang” Nualphan Lamsam làm trưởng đoàn bóng đá nam ở SEA Games. Thất bại trước Malaysia khiến đây không phải màn ra mắt như mong đợi, song ít nhất “Madam Pang” cũng có được trải nghiệm không thể nào quên ở Thiên Trường.
“Tôi đã gắn bó với bóng đá 16 năm rồi nhưng vẫn cảm thấy bất ngờ với bầu không khí cuồng nhiệt và sự thân thiện này”, bà nói. Nó khiến sự thắng thua trong bóng đá bỗng trở nên không còn quan trọng nữa, như “Madam Pang” chia sẻ, điều quan trọng là sự thắt chặt tình cảm giữa các quốc gia nhằm kiến tạo Đông Nam Á mạnh mẽ hơn theo tinh thần SEA Games 31.
Hơn một thập kỷ rưỡi qua, người phụ nữ được cả nước Thái yêu mến biết rằng điều tuyệt vời nhất trong bóng đá là những rung cảm của con tim. Như cách đây 3 năm khi cùng ĐT nữ Thái Lan tham dự World Cup 2019, bà đã chứng kiến cầu thủ ôm nhau khóc trong phòng thay đồ sau trận thua 0-13 trước tuyển Mỹ. Khi những giọt nước mắt còn chưa khô, Nualphan nói với các cô gái rằng họ phải đứng dậy, tiếp tục chiến đấu với niềm kiêu hãnh và chơi như thể đó là trận cuối cùng của cuộc đời.
“Madam Pang” Nualphan Lamsam cùng các nữ tuyển thủ Thái Lan ở World Cup 2019. (Ảnh: ESPN) |
Trận tiếp theo, Thụy Điển vẫn quá mạnh. Nhưng Thái Lan quyết không bỏ cuộc. Phút 90+1, đội trưởng Kanjana Sungngoen dũng cảm cầm bóng, đột phá qua các hậu vệ và sút tung lưới đối phương. Khoảnh khắc ấy lồng ngực “Madam Pang” như nổ tung. Bà ôm chầm lấy HLV Nuengrutai Srathongvian, gào thét với hai hàng nước mắt. Một lần nữa họ lại khóc. Nhưng lần này là những giọt nước mắt hạnh phúc.
“Người phụ nữ khóc” trở thành một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất World Cup 2019. Thái Lan thất bại nhưng sự quả cảm của họ cùng tinh thần “Madam Pang” đã khiến cả thế giới xúc động, thậm chí nhiều người tưởng rằng các nữ tuyển thủ Thái đã thắng trận đó, không phải họ thua 1-5.
“Kết quả không còn quan trọng khi bạn chạm đến trái tim bằng màn trình diễn hết mình”, Nualphan viết trên tài khoản Instagram sau trận đấu.
Lamsam là gia tộc người Thái gốc Hoa với cơ nghiệp được hình thành từ đầu thế kỷ 20, bắt đầu từ kinh doanh gỗ, xay xát gạo trước khi tiến vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Họ nổi tiếng và giàu có đến mức ở Thái Lan, “lamsam” trở thành thuật ngữ để chỉ sự “giàu sang, phú quý”. Hiện dòng họ Lamsam đang nắm trong tay Ngân hàng Kasikorn, hay Kbank, trị giá gần 100 tỷ USD, trong khi Nualphan, người thuộc thế hệ thứ năm, đóng vai trò Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Muang Thai Insurance, một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Thái Lan.
Tốt nghiệp chuyên ngành marketing Đại học Chulalongkorn danh tiếng, đồng thời sở hữu bằng thạc sĩ quản lý tại Đại học Boston, song Nualphan lại không thích bó buộc bản thân trong văn phòng. “Madam Pang” yêu thích sự náo nhiệt, kịch tính và nguồn cảm xúc dâng trào. Vì vậy, bà nói rằng “bóng đá là định mệnh”.
Nó bắt đầu bằng cơn ác mộng ở tuổi 25, khi ấy Nualphan thức dậy và nhận ra mắt trái không nhìn thấy gì. Các bác sỹ không tìm ra nguyên nhân, sau đó nói rằng bà có thể bị mù. Trời đất như đổ sụp trước mắt cô gái đang tuổi đôi mươi. “Với một người bình thường, đột nhiên mất đi ánh sáng là cú sốc không thể tưởng tượng nổi”, Nualphan nói trên một chương trình truyền hình Thái Lan.
Suốt 2 năm, bà đã khóc rất nhiều và trở nên gầy mòn sau những lần chữa trị ở Mỹ không đem lại kết quả. Vào những lúc tuyệt vọng nhất, cha bà nói: “Ngay cả khi con bị mù, không sao cả, bố sẽ là đôi mắt của con”.
Khi mọi thứ dần đi đến tuyệt vọng, Nualphan trở về và tìm đến các ngôi chùa ở Thái Lan. Đột nhiên, căn bệnh biến mất không dấu vết. Đó thực sự là một phép màu. Kể từ biến cố ấy, bà nguyện sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ những người khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung.
Trong nhiều năm, “Madam Pang” trở thành nhà bảo trợ không mệt mỏi cho hội người mù Thái Lan. Bà cũng dành tất cả lợi nhuận thu được từ cuốn tự truyện “Cuộc sống không rải hoa hồng” ra mắt năm 2017 để ủng hộ Quỹ vì người mù. Bên cạnh đó, Nualphan còn giúp đỡ, sau đó trở thành quản lý đội VĐV khuyết tật Thái Lan, đưa họ đến Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á.
Sự nhiệt thành và hảo tâm của “Madam Pang” khiến một vị cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan nghĩ rằng bà phù hợp với vai trò lãnh đội ở đội bóng đá nữ. Ông thuyết phục bà đảm nhiệm chức vụ đó. Không có kinh nghiệm cũng như kiến thức gì về môn thể thao này, song Nualphan vẫn nhận lời sau khi chứng kiến những vất vả của các cầu thủ nữ. Và bà lao vào tìm hiểu từ luật việt vị đến phạt đền, đọc ngấu nghiến mọi cuốn sách về bóng đá trước khi tìm hiểu thực tế môn thể thao này.
Người Thái coi Nualphan là ân nhân của bóng đá nước nhà. Thực vậy, chính bà là người thay đổi hiện trạng bóng đá nữ và làm nên 2 sự kiện lịch sử (tham dự World Cup 2 kỳ liên tiếp, 2015 và 2019). Giống nhiều nơi trên thế giới, bóng đá nữ tồn tại lay lắt trong sự thiếu quan tâm, tôn trọng và hỗ trợ tài chính. Bà tài trợ cho giải bóng đá nữ quốc gia, tuyển dụng các cầu thủ vào công ty Muang Thai Insurance và trả lương cho họ, giải quyết nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nếu ai đó có khả năng, như một số cầu thủ đến từ vùng đông bắc nghèo khó của Thái Lan, bà giúp họ học lấy bằng cử nhân, nhờ vậy đã kiếm được công việc tốt với mức lương cao so với mặt bằng chung.
Trong các giải đấu, ngoài số tiền từ cá nhân “Madam Pang” còn kêu gọi các doanh nghiệp để gây dựng quỹ tiền thưởng lớn cho đội. Khi Thái Lan trỗi dậy thành một đội bóng hùng mạnh, báo chí phương Tây nói rằng một phần trong công thức thành công là “vị mạnh thường quân giàu có”.
Đúng là “Madam Pang” đã chi rất nhiều tiền. Sau thành công với ĐT nữ, bà trở thành Chủ tịch của Port Authority FC và quản lý đội tuyển bóng đá nam Thái Lan. Bà thay đổi vận mệnh Port Authority bằng những bản hợp đồng lớn, đồng thời biến sân PAT thành một sân vận động huyền thoại của Thai League bởi bầu không khí sôi động bậc nhất.
Với ĐTQG Thái Lan, cho đến nay vụ rút thăm trúng thưởng túi Channel, đồng hồ Rolex hay Iphone 13 tại AFF Cup 2020 vẫn là câu chuyện gây ấn tượng mạnh. Sau khi lên ngôi ở giải đấu đó, Bầy voi chiến nhận được 46 triệu bath tiền thưởng, trong đó có 26 triệu được huy động bởi “Madam Pang”.
Tại SEA Games 31, U23 Thái Lan được hứa thưởng 5 triệu bath nếu giành tấm Huy chương Vàng. Ai cũng hiểu đó chỉ là con số ban đầu. Nếu vượt qua thất bại ở trận mở màn và leo lên đỉnh cao nhất trong lần đầu “Madam Pang” làm trưởng đoàn bóng đá nam ở kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, Bầy voi chiến sẽ nhận được nhiều hơn.
Tuy nhiên cụm từ “mạnh thường quân giàu có” không khái quát mức độ ảnh hưởng của “Madam Pang”. Ainon Phancha, hậu vệ ĐT nữ Thái Lan từng nói “Nualphan không chỉ là người quản lý. Bà giống như một người mẹ trong gia đình”. Ngoài việc huy động tiền bạc, “Madam Pang” còn kêu gọi các ngôi sao showbiz đến sân để cổ vũ, gọi điện cho các CLB thuyết phục nhả cầu thủ, lên tinh thần và truyền cảm hứng cho cả đội lúc khó khăn. Bà chăm lo cho đội bóng bằng trách nhiệm và tình yêu, khóc cười cùng họ và tận hưởng mọi cung bậc cảm xúc cùng họ.
“Bạn có thể có rất nhiều tiền với tư cách là một cầu thủ, nhưng điều đó không quan trọng bằng trái tim và niềm đam mê. Công việc quản lý thực sự mang lại cho tôi hạnh phúc”, “Madam Pang” nói với ESPN cách đây không lâu.