Mạc Can: Tôi đã diễn một vai khác suốt đời

Mạc Can nói khi viết văn ông mới là mình
Mạc Can nói khi viết văn ông mới là mình
TP - Gặp lại Mạc Can trong bệnh viện. Ông vẫn vui cười như mọi khi dù người băng bó và phải có người dìu. Mạc Can nói: “Tôi vẫn đang nghiên cứu mấy tiết mục ảo thuật mới”.

Cuộc đời Mạc Can như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, nhưng như ông nói, rất nghịch lý và ông vẫn đang diễn một vai diễn suốt đời. Chỉ khi viết văn, ông mới là mình.

Sáng tạo ảo thuật hài

Nghe tin ông nhập viện, tôi tìm tới phòng bệnh. Trên giường bệnh, Mạc Can vẫn hài hước bảo: “Tôi có sao đâu. Tôi chẳng bị tai nạn, chẳng bị té xe gì như báo chí đưa tin. Tôi buồn ngủ quá và bạn bè đưa vào đây để ngủ nghỉ cho yên tĩnh!”.

Người chăm sóc cho ông chẳng phải con cháu gì, chỉ là người chăm bệnh và gọi ông là “ông già đóng phim”. Anh ta nói: “Ông già đóng phim luôn hài hước như vậy. Mọi người đều vui theo ông mà quên cả bệnh tật”.

Mạc Can là mẫu nghệ sĩ lang bạt, ông học nghề từ cha của mình và lang bạt khắp các tỉnh thành, khắp các bộ môn nghệ thuật. Ông sinh ra để làm nghệ sĩ. “Bố tôi là một ảo thuật gia, tôi là học trò của ông ấy” - Mạc Can nói. Ông khiêm tốn bảo: “So với bố tôi thì tôi chỉ diễn những tác phẩm nhỏ thôi”.

Tôi nhớ lần gặp ông ở quán cà phê nhỏ gần trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TPHCM. Ông mang theo cái túi nâu như người đi buôn chuyến vậy. Hóa ra ông lôi mấy cái vòng bằng kim loại, diễn cho thôi xem trò ảo thuật vòng sắt. Ông bảo: “Tôi học tiết mục này từ bố tôi và tôi diễn nó từ bé đến giờ”.

Mạc Can là người đã đưa ảo thuật lên màn ảnh rộng. Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”, ông đã diễn tiết mục cắt đầu người, là một tiết mục sân khấu lớn, nhưng lại được quay phim truyện rất chi tiết và rùng rợn. Giữa phim trinh thám thót tim, lại xen thêm tiết mục ảo thuật rất kỳ bí. Mạc Can nói: “Chính tôi đưa tiết mục cắt đầu người vào phim. Đạo diễn chỉ bảo tôi là anh ấy cần có một tiết mục ảo thuật trong bộ phim này. Tôi nghĩ mãi cuối cùng chọn tiết mục cắt đầu người đặt trên đĩa, tạo ra sự kịch tính cho bộ phim trinh thám”.  Mạc Can nói rằng một tiết phục ảo thuật đưa vào phim rất cầu kỳ tỉ mỉ, bởi người xem sẽ xem đi xem lại chứ không như lúc diễn trên sân khấu. “Nhiều người khen tiết mục của tôi, nhưng thật ra tôi xuất hiện có chút xíu thôi!”.

Theo các nhà ảo thuật tại TPHCM thì Mạc Can chính là “ông tổ” của ảo thuật hài. Nếu người ta nghĩ tới ảo thuật là những con người huyền bí, có khi khá rùng rợn, thoắt ẩn, thoắt hiện, phép thuật đầy mình, thì Mạc Can thường xuất hiện trên sân khấu với chiếc mũi đỏ và chiếc mũ chú hề. “Tôi yêu thích tuổi thơ - ông nói - diễn cho trẻ em là điều tôi thích nhất. Ảo thuật cũng có thể đem lại tiếng cười sảng khoái”.

Bốn năm liền ông biến mất khỏi TPHCM và người ta hỏi Mạc Can đi đâu? Ông đi thăm cô bạn gái lâu năm người Nhật như báo chí đăng tin hay sao? Mạc Can nói với tôi: “Bạn gái người Nhật của tôi không biết tiếng Việt, tôi đi thăm thì biết nói chuyện ra sao!”, mỉm cười, ông bảo: “Tôi sang Mỹ để biểu diễn cho trung tâm Vân Sơn. Tôi vẫn luôn yêu khán giả của mình và muốn phục vụ họ dù họ ở nơi đâu”.

Anh Thành, một ảo thuật gia và người cung cấp các phụ kiện ảo thuật nói: “Mạc Can là thế hệ nghệ sĩ ảo thuật tiền bối. Ông kết hợp cả các kỹ năng diễn xuất của diễn viên vào với ảo thuật khiến người xem mê mẩn. Ông sáng tạo ra ảo thuật hài, ngày nay các rạp xiếc vẫn diễn ảo thuật xen kẽ với hài, song ít ai có thể diễn ảo thuật kết hợp với hài hấp dẫn như Mạc Can”.

Viết văn mới được là mình

Trên giường bệnh, Mạc Can vui vẻ bảo tôi: “Sắp tới, nhà xuất bản sẽ in cuốn “Ma nhà hát” của tôi. Tôi cũng chẳng nhớ đây là tác phẩm thứ bao nhiêu của tôi, nhưng tôi thích cuốn sách này”. 

Cuốn sách gây tiếng vang của ông: “Tấm ván phóng dao” kể về cuộc đời làm ảo thuật và xiếc của chính ông. Trong đó, kể lại câu chuyện Mạc Can phóng dao vào tấm ván có cô em gái nhỏ đứng trên đó. Mỗi lần như thế, ông cảm thấy trái tim như nhỏ máu. Mạc Can bùi ngùi: “Em gái tôi vẫn còn sống, nhưng đã đi tu”. 

“Có lẽ chỉ có khi đọc văn Mạc Can người ta mới không cười và cố hiểu xem ông lão Mạc Can định nói cái gì, nghĩ cái gì! Tôi tin là thế! Tôi rất dị ứng cái cảnh cứ nghĩ đến Mạc Can là người ta lại bật cười!”.

Mạc Can

Mạc Can: Tôi đã diễn một vai khác suốt đời ảnh 1 Mạc Can trên giường bệnh. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Mạc Can từng bảo tôi: “Cuộc đời tôi rất nghịch lý. Tôi muốn sống ẩn mình, không ai biết, nhưng lại đi làm cái nghề biểu diễn ai cũng biết. Cuộc đời tôi buồn nhiều hơn vui, nhưng xuất hiện ở đâu tôi cũng phải mang bộ mặt hài. Đôi khi, tôi thấy đời tôi không phải là đời tôi mà tôi sống một cuộc đời người khác, tôi đang diễn một vai diễn suốt đời tôi”.

Mạc Can tâm sự: “Tôi đóng vai hề cứ chọc cho mọi người cười, còn tôi thì đời lại hẩm hiu lắm, thậm chí có khi tôi gặp chuyện buồn, tôi buồn muốn khóc luôn trên sân khấu, nhưng tất cả mọi người, kể cả các đồng nghiệp, đều nghĩ tôi đang diễn rất thành công một cái buồn giả vờ, nên họ cùng nhau ồ lên cười sảng khoái. Tôi càng buồn vì không ai hiểu tôi, mọi người lại càng lăn ra cười. Tôi đi vào trong, bầu sô bảo: Hôm nay anh diễn hài rất thành công! Chúc mừng anh!”.

Khi ấy, những lúc cảm thấy không ai hiểu về mình, Mạc Can ngồi viết văn, ngẫm nghĩ về chính mình. “Những khi viết văn, tôi thấy tôi là tôi, tôi không còn đóng vai ai khác nữa - viết văn để tìm lại chính mình, để khóc để cười thỏa thích theo ý mình chứ không phải theo vai diễn”.  Ông còn bảo thêm: “Có lẽ chỉ có khi đọc văn Mạc Can người ta mới không cười và cố hiểu xem ông lão Mạc Can định nói cái gì, nghĩ cái gì! Tôi tin là thế! Tôi rất dị ứng cái cảnh cứ nghĩ đến Mạc Can là người ta lại bật cười!”.

Ông nói với tôi về công việc viết văn khá “nghiêm trọng”, rất “lớn lao”, nhưng Mạc Can là Mạc Can. Ông ngồi trên giường bệnh và phùng má bảo: “Ai nói Mạc Can ốm đau, tai nạn, nguy kịch? Hãy nhìn đây!”.

Mạc Can cố ngồi dậy, cố múa ngay một đoạn võ sân khấu, lại thêm vào một tư thế quyền anh, dù một tay vẫn còn kim truyền máu. Ông bảo: “Hãy xem Mạc Can ốm hay khỏe? ai tin hay không thì tùy!”.

Nghệ sỹ Mạc Can tên thật là Lê Trung Can, sinh năm 1945 ở Tiền Giang. Từ nhỏ, Mạc Can đã bước lên sân khấu, bám vào nghiệp diễn. Cuộc đời ông, chẳng người thân thích, không nhiều bạn bè, Mạc Can và nghiệp diễn cứ tựa vào nhau mà sống, từ phòng trà này, đến sân khấu khác, thậm chí ra cả nước ngoài để diễn. Cuộc sống của ông vẫn luôn đầy đủ những cung bậc cảm xúc, buồn nhiều, vui nhiều. Lúc rảnh rỗi, ông lại viết văn để được cảm nhận, trải nghiệm chính cuộc đời mình. Vì thế, ông trở thành nhà văn ở tuổi xế chiều. 

 P.V

MỚI - NÓNG