Chắc kiếp trước tôi là người Việt
Lần đầu tôi gặp Jean là ở quán bún ốc nguội trong một ngõ nhỏ trên phố Tây Sơn cách đây khoảng hai năm. Quán (gọi là gánh ốc thì đúng hơn) khuất nẻo, cũng không được giới thiệu trong các cẩm nang du lịch như bún ốc nguội Ô Quan Chưởng, nhưng Jean vẫn tìm ra được, và anh đến đây một mình (mà không phải có thổ địa nào dẫn đi). Chúng tôi hợp cạ ngay vì cùng chung thói lọ mọ. Nhờ Jean tôi biết dưới đường Nghi Tàm nhỏ có một quán Lươn Nghệ An “ngon thần sầu”. Anh còn gợi ý thêm: sau khi chơi chùa Kim Liên thì cứ vào đấy ăn miến lươn, tiện đường! Nói cứ như thể tôi mới là khách.
Jean Delon làm việc ở một tập đoàn kinh doanh khách sạn đa quốc gia, đã từng làm việc ở 6 nước khác nhau nhưng “thích Việt Nam nhất” vì “món ăn ngon không chê vào đâu được”. “Không chê vào đâu được” là cụm từ anh mới học được. Ngoài ẩm thực, Jean rất thích khám phá tiếng Việt, đặc biệt chỉ thích học các từ khó. Ví dụ, khi biết ý nghĩa của từ “heo may”, anh nằng nặc đòi tôi dạy, mở rộng ra còn có “gió mùa Đông Bắc”, “rét Nàng Bân”... Thay vì kè kè sổ sách ghi chép, Jeann sử dụng hết công suất video của điện thoại để học ngoại ngữ. “Bạn cứ nói đi, tôi ghi lại, thế là vừa nhớ từ vừa nhớ cách phát âm”.
Là người vùng Lille (Pháp), gần Bỉ nên Jean có nghiên cứu khá bài bản về sô cô la. Anh bảo: ca cao của Việt Nam chất lượng cũng rất tốt, giàu bơ, vị đậm vì được trồng ở xứ nhiệt đới nhưng vì công nghệ chế biến chưa phát triển nên chưa xuất khẩu được nhiều.
Jean ngay từ bữa ăn đầu tiên ở Việt Nam đã quyết định cho ẩm thực Việt 5 sao. “Tôi có thể ăn đồ Việt nguyên tuần mà không nhớ mùi bơ sữa”. Danh sách các món yêu thích của Jean khá dài, có những món phổ thông như nem, bún chả, bún ốc, bún riêu, lại có cả những món khá đặc biệt, ít hấp dẫn người nước ngoài như chả rươi, cá kho, bún măng ngan... Thứ đáng gờm duy nhất với anh chính là mắm tôm. “Mùi của nó thách thức khứu giác quá”, anh nhận xét.
Có một chuyện vui, sau 2 năm ở Việt Nam, đón bạn từ Pháp sang chơi, Jean say sưa đề cử bạn phải thử khoảng hơn 40 món ăn Hà Nội (trong 1 tuần) và nhất định phải ngồi sau xe máy của anh để tham gia giao thông. “Sau đó bạn tôi bảo: thật khủng khiếp, sao mày có thể lái xe trong điều kiện như thế? Nhưng tôi chẳng gặp trở ngại nào khi đi xe máy, có lẽ kiếp trước tôi là người Việt Nam. Ban đầu mọi thứ có hơi hỗn loạn, mọi người vượt đèn đỏ, đi cả lên vỉa hè... Đường phố thì vô cùng sôi động và khó đoán. Nhưng chẳng phải đó là một nhịp điệu đầy sức sống hay sao? Tôi thích điều đó, chứ cứ xếp lớp như cá mòi trong tàu điện ngầm mãi chán lắm!”
Nhờ sử dụng tốt xe máy nên Jean lọ mọ khắp nơi. Ngày nghỉ có thể phóng vèo vèo xuống Ninh Bình chơi hoặc lên tuốt Mộc Châu sau bốn tiếng lái xe.
“Sống ở Việt Nam rất sướng, chi phí rẻ, đồ ăn ngon, cảnh đẹp, phụ nữ cũng đẹp, có nhược điểm là hơi nhiều bụi thôi. Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao cứ đến cuối năm người Hà Nội lại đào vỉa hè lên xây lại. Đó có phải là phong tục ở đây không”? Jean hỏi.
20% lương làm từ thiện
Nhìn vẻ ngoài và cái thói quen cơm hàng cháo chợ của Jean ít ai biết anh đều đặn trích 20% thu nhập mỗi tháng để làm từ thiện. Toàn bộ các khoản đóng góp này đều dành cho các tổ chức từ thiện ở Việt Nam, trong đó phần lớn là để dạy nghề và hỗ trợ học phí cho trẻ em nghèo.
Một lần phải tiếp khách nước ngoài, Jean đề nghị tôi đến KOTO, một quán ăn nhỏ gần Văn Miếu Quốc Tử Giám. Qua Jean tôi mới biết, quán ăn này được một tổ chức từ thiện lập ra, ở đây chuyên đào tạo nghề bếp miễn phí (bao luôn cả ăn ở) cho khoảng 200 thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt mỗi năm. Lợi nhuận của nhà hàng chính là dành để chi trả chi phí đào tạo nghề cho các học sinh.
Hóa ra Jean cũng là khách quen ở đây, anh thường xuyên dẫn bạn bè, kêu gọi cộng đồng người nước ngoài ở Hà Nội đến ăn, để ủng hộ việc kinh doanh của nhà hàng.
Jean cũng có mối liên hệ rất mật thiết với một số tổ chức hỗ trợ trẻ em vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trung bình cứ hai đến ba tháng anh sẽ lên Sa Pa một lần để hỗ trợ dạy tiếng Anh, dạy cách quản lý nhà hàng, khách sạn cho tổ chức “Sa Pa O Châu” của chị Tẩn Thị Shu – người được Tạp chí Forbes năm 2016 vinh danh trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Và Jean thường kết hợp các chuyến đi ấy vào các “mùa”, để tiện ngắm cảnh luôn. “Mùa nước đổ, mùa lúa chín, mùa tam giác mạch, mùa săn mây...” Jean kể vanh vách như một dân xê dịch chuyên nghiệp.
“Tôi rất khâm phục Madame Shu, từ một cô gái mù chữ, chỉ bằng vào nỗ lực của bản thân, cô ấy đã không chỉ gây dựng cho mình một khoảng trời riêng, mà còn đem đến cơ hội học hành và việc làm cho hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số khác. Chính những người như Madame Shu khiến tôi học được cách tìm niềm vui trong sự cho đi và giúp đỡ người khác”, Jean tâm sự.
Jean cũng bảo, khung cảnh miền núi với những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang và các hiên nhà treo đầy ngô lẫn không khí “sạch hơn Hà Nội, sạch hơn Paris” chính là nơi chốn lý tưởng để anh tiếp thêm năng lượng cho bản thân và tìm cảm hứng mới cho công việc.
“Ngồi với người bản xứ, được nghe họ kể về cuộc hành trình cả ngày đường vượt núi đưa con đi khám bệnh, được nghe họ thổi khèn, được nếm rượu chưng từ ngô, được hỏi han về cuộc sống của những đứa trẻ, được nhìn ngắm cách sắp đặt lạ lùng ở bên trong những căn nhà sàn, tôi thấy họ gần gũi với mình, thấy mình gần gũi với cuộc sống nơi này như thể đây không phải là một chuyến du lịch, mà là một nơi chốn từng quen thuộc với tôi”, anh nói.
Gửi Hà Nội về Lille
Mẹ Jean bị liệt một chân do tai nạn ô tô nên bà không thể đi du lịch nhiều như mong muốn. Jean bảo, sở dĩ anh muốn làm việc ở nhiều nước khác nhau chính là để có dịp đi du lịch thay cho mẹ. Đến mỗi vùng đất mới, Jean đều chụp rất nhiều ảnh và video để gửi về cho mẹ.
“Mẹ tôi cũng thích Hà Nội lắm. Thích khung cảnh thay đổi bốn mùa. Thích màu sắc đa dạng của thành phố này. Thích những câu chuyện diễn ra ở đây. Ẩm thực nữa, mẹ tôi đã hoàn toàn là một fan của bánh đậu xanh, nem, bún chả và phở Hà Nội theo công thức của người hiện đại. Đầu bếp nhà tôi cũng đã quen với việc dùng hạt tiêu Phú Quốc, thậm chí hạt mắc khén Lào Cai để nấu nướng. Hành lý của tôi mỗi lần về nước đều đầy đặc sản Hà Nội đến mức mẹ tôi bảo, có phải con đem cả thành phố về không?”.
Để chiều mẹ, Jean đã học cách làm nem, nấu phở, làm bún chả để mỗi lần về Lille thì xuống bếp biểu diễn. Anh hy vọng hết COVID-19 sẽ có thể đưa mẹ sang thăm Hà Nội, để trực tiếp trải nghiệm phở bò chính tông, bún thang Hà Nội và cả nộm bò khô mà anh đánh giá “ngon hơn cả ăn ở Trung Hoa”.
“Tôi nhất định sẽ đưa mẹ lên một quán cà phê ở tầng cao, chỗ có thể nhìn ra ngã tư để mẹ chứng kiến đặc sản giao thông của Hà Nội, đảm bảo mẹ tôi sẽ thích”, anh hào hứng lên kế hoạch.
Mỗi ngày lại thích Hà Nội hơn một chút
Jean kể, anh đã từng sống và làm việc ở Anh, Bỉ, Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia và hiện tại là Hà Nội. “Hà Nội không giống bất kỳ một nơi nào khác mà tôi đã từng đặt chân qua. Hà Nội luôn ồn ào, náo nhiệt và cực kỳ sinh động. Thời tiết tuyệt vời, có bốn mùa rõ rệt. Người Hà Nội thân thiện đến nỗi họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi khi tôi cần, kể cả ở ngoài đường, chỗ ở trọ hay chỗ làm việc, dù họ cũng đang rất bận rộn.
Buổi tối, các nhà hàng và quán bar cũng khá đa dạng, giá cả không quá đắt để vào trong vui chơi, uống vài ly và làm quen với bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Ẩm thực Hà Nội đa dạng, phong phú, còn du nhập và đồng hóa cả một phần ẩm thực Pháp, rất có lợi cho công việc của tôi. Thành phố nhỏ xinh và đẹp. Mặc dù là Thủ đô nhưng vật giá thì không quá đắt đỏ. Tiền lương làm ra, sau khi trả chi phí sinh hoạt thường ngày, tôi vẫn có thể để dành đi du lịch, về thăm gia đình và giúp đỡ người khác. Nên tôi sẽ ở lại đây lâu hơn dự định của mình. Vì mỗi ngày tôi lại thích Hà Nội nhiều hơn một chút.