Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, để đảm bảo các nội dung tại Nghị đinh thư 7 được quy định đầy đủ các vấn đề, dự thảo Nghị định đã quy định phạm vi áp dụng gồm các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống ACTS; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.
Cho ý kiến về những vấn đề liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Từ thực tế những vụ bắt giữ ma túy có số lượng lên tới hàng tấn trong thời gian qua, có phải do thủ tục hải quan có phần dễ dãi nên ma túy mới dễ vào được nước ta? Hay từ thực tế mặt hàng xăng dầu, liệu có việc lạm dụng quá cảnh để hưởng thuế xuất thấp không?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện 10 nước ASEAN đã phê chuẩn nghị định thư này. Tuy nhiên, việc quy định hàng hóa quá cảnh, bảo lãnh đặt cọc vào nghị định thì có trái với pháp luật thuế hiện hành không, vì luật không quy định điều này mà chỉ ưu tiên áp dụng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cảnh báo về tình trạng buôn lậu, trước đây là rượu, bia, thuốc lá, còn nay là buôn lậu gỗ, ma túy rất phức tạp. Theo ông Giàu, ngay ở các nước biên giới, trình độ cung cách làm ăn, thủ tục và thủ đoạn làm ăn của doanh nghiệp cũng khác với các nước. Bản thân các quốc gia biên giới họ cũng lên tiếng về tình trạng chặt phá rừng, buôn lậu ma túy.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, không có chuyện dễ dãi. Theo ông, thủ tục hải quan rất quan trọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu mấy năm gần đây đều gấp đôi GDP. Nếu nút thắt này không được khơi thông thì ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, nên những năm qua ngành đã rất chú trọng, tập trung cải cách thủ tục hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy sản xuất và kinh tế trong nước.
“Gần đây chúng tôi đã kiến nghị nhiều về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đây đang là khâu rất tắc. Hải quan chỉ là thực hiện, nhưng quy định, thủ tục các ngành liên quan rất phức tạp, nay chúng ta đã cải thiện được một bước. Trong đó, hiện đại hoá hải quan, điện tử hoá hải quan rất quan trọng.
Hiện chúng ta đã hiện đại hoá được một bước, nhất là sau khi tiếp nhận dự án của Nhật Bản. Theo đó đã đào tạo nhân lực, giám sát trực tiếp từng luồng đi hàng hoá, hoạt động của từng cán bộ cấp dưới trong phạm vi làm việc. Hiện đại hoá không thể không làm và vừa qua đã mua thêm các máy soi, điều chỉnh dự toán trong ngành. Hiện đại hoá như vậy gắn với hậu kiểm, kiểm soát rủi ro, tăng cường soi chiếu”, ông Dũng cho hay.
Bộ trưởng Tài chính cũng khẳng định, hải quan có “thành tích lớn” trong chống buôn lậu, gần đây đã bắt vụ 5 tạ ma tuý là lớn nhất, còn các vụ hàng tạ rất nhiều. “Hải quan đóng vai trò lớn, đã phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác. Mặt khác, ma tuý không phải chỉ đi qua cửa khẩu. Việt Nam được xác định ta là địa điểm trung chuyển, nhưng ma tuý vào Việt Nam không chỉ qua đường này, mà ta đã bắt được kể cả trên đường không, nội địa, hải quan bắt hết, nên phải có sự phối hợp. Về tổng thể, đã hội nhập phải tạo điều kiện, đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát bằng nhiều khâu, nhiều biện pháp khác nhau”, ông Dũng khẳng định.