Lễ an táng Lãnh tụ Fidel bắt đầu từ 7h sáng 4/12. Chín ngày quốc tang cũng kết thúc cùng ngày. Hàng trăm ngàn người dân Cuba đã đứng dọc các con đường để chờ đợi và bày tỏ lòng tôn kính với Fidel khi đoàn xe tang chở tro cốt của ông đi dọc theo hành trình dài 1.000km từ thủ đô La Habana đến Santiago - thành phố nơi ông mở đầu phong trào cách mạng trong những năm 1950.
Tro cốt của Fidel được đưa về an nghỉ gần tượng đài Jose Marti trong nghĩa trang Santa Ifigenia ở Santiago. Jose Marti không chỉ là một anh hùng cách mạng mà còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng ở Mỹ Latin, là người viết lời cho bài hát “Guantanamera”, tạo nên sức mạnh ý chí để Cuba đứng lên giành độc lập từ Tây Ban Nha và bảo vệ chủ quyền, bản sắc dân tộc trước những cường quốc như Mỹ. Ông hy sinh trên chiến trường vào năm 1895, khi đang diễn ra cuộc đấu tranh giành độc lập của Cuba chống lại Tây Ban Nha. “Sự đoàn tụ của hai tư tưởng là điều rất quan trọng đối với người dân Cuba”, bà Maria Martinez, 50 tuổi, đang làm việc trong một bảo tàng, nhận xét. “Fidel là người đi theo những tư tưởng của Marti”, bà nói.
Không đặt tên Fidel cho bất kỳ công trình nào
Ảnh Jose Marti xuất hiện khắp nơi ở Cuba. Sân bay quốc tế ở La Habana được đặt tên theo ông. Một tượng đài cao vút trên Quảng trường Cách mạng của Cuba là nơi tưởng nhớ người anh hùng này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm 3/12 thông báo, thể theo ý nguyện của Lãnh tụ Fidel, tên của ông sẽ không được đặt cho bất kỳ con phố, tòa nhà nào. Sẽ không có bức tượng hay tượng đài nào được dựng lên để tưởng nhớ ông. “Những người đàn ông và phụ nữ trên đất nước này đều là người thường, không phải thần”, lời của Fidel được trích dẫn trong cuốn tiểu sử của ông. Chủ tịch Raul Castro thông báo: “Sẽ không có bức tượng, tượng đài hay tượng bán thân nào về Fidel, không con phố hay công viên nào được đặt tên theo ông vì đó là điều ông ấy muốn: không tôn sùng cá nhân”.
Trong khi đó, hàng trăm ngàn người dân tập trung dọc các con đường vẫn thể hiện tình cảm mãnh liệt đối với vị anh hùng trong trái tim họ. “Đối với chúng tôi, ông ấy sẽ không bao giờ chết”, bà Maria de la Caridad nói khi đang đứng ven đường đợi đoàn xe tang đi qua chiều 3/11. Người dân khu La Cuava, nằm trên ngọn đồi gần Santiago, đổ hết ra đường đợi. Khi chiếc trực thăng hộ tống đoàn xe vừa xuất hiện, tất cả mọi người hô vang: “Muôn năm! Muôn năm!”.
Thành phố 500 năm tuổi Santiago trở thành cái nôi của cuộc cách mạng từ khi nổ ra cuộc tấn công bất thành vào doanh trại Moncada năm 1953. Thành phố này được coi như trái tim của đất nước Cuba. Truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng ở nơi đây dường như còn nguyên vẹn. Hai con của bà Caridad là Daysi (9 tuổi) và Gilberto (10 tuổi) đứng vẫy cờ cạnh mẹ. “Yo soy Fidel” (Tôi là Fidel) - hai đứa trẻ hô vang đầy nhiệt huyết, trong khi mẹ và bà của chúng bật khóc nức nở.
“Fidel đã đưa chúng ta lại gần nhau thêm một lần nữa”, người điều hành lễ tang nói, rồi giới thiệu những người có mặt tại lễ tang, gồm hai cựu tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva và Dilma Rousseff, chính trị gia Segolene Royal thuộc đảng Xã hội Pháp, Tổng thống Venezuela, Tổng thống Bolivia và Tổng thống Congo. “Yo soy Fidel. Yo soy Fidel” - đám đông liên tục hô vang.
Việt Nam để quốc tang
Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn người bạn lớn, người đồng chí, người anh em vô cùng gần gũi và thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ngày 4/12, Việt Nam để quốc tang để tưởng nhớ Lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Trong ngày này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Trong những ngày Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Cuba tại TPHCM mở sổ tang, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các địa phương, những người từng học tập, sinh sống, làm việc tại Cuba, những người dân yêu mến Cuba, kính trọng Fidel Castro đã đến viếng, bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với vị lãnh tụ luôn dành tình cảm đặc biệt và sự giúp đỡ đầy ân tình cho Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Việt Nam còn nhiều gian khó.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio Lopez Diaz cho biết, ông cảm thấy xúc động khi chứng kiến đông đảo người dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, từ các cụ cao tuổi, cựu chiến binh tới học sinh, sinh viên đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ, niềm tiếc thương Lãnh tụ Fidel. Ông nói rằng, tình cảm ấy cho thấy Fidel chính là biểu tượng, là người khởi xướng, thúc đẩy mối quan hệ anh em đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tới Đại sứ quán và Cuba tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang, tưởng niệm đồng chí Fidel. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự lễ tang đồng chí Fidel tại Cuba từ ngày 28 tới 30/11.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, từ khi Cách mạng Cuba thành công, sau đó Cuba và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960, đồng chí Fidel đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, phát triển mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Đồng chí Fidel thăm chính thức Việt Nam ba lần vào tháng 9/1973, tháng 12/1995 và tháng 2/2003. Đồng chí là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm vùng mới được giải phóng ở tỉnh Quảng Trị vào tháng 9/1973 và cũng là nguyên thủ quốc gia đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp tái thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Với những công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Fidel được Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1982 và Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1989.