Ly nông bất ly hương

Ly nông bất ly hương
TP - Quá trình phản ánh, điều tra các vi phạm trên đất nông nghiệp, việc các biệt phủ, dinh cơ bị đập bỏ không làm chúng tôi băn khoăn, nhưng khi những nhà xưởng sản xuất của nông dân, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn bị dỡ bỏ khiến chúng tôi vô cùng day dứt.

Những chủ cơ sở sản xuất, nhà xưởng đó biết sai nhưng vẫn phải làm liều vì họ thấy được: Hiệu quả của 1m2 đất, nếu làm ruộng không thể bằng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc làm ông, bà chủ xưởng, thậm chí làm công nhân ngay tại làng theo mô hình “ly nông bất ly hương” giúp tiết kiệm chi phí thuê nhà, đi lại, ăn ở so với việc ra thành phố, khu công nghiệp làm thuê. Không ít công nhân tại làng xây được nhà to, mua được xế hộp. Những công nhân, ông chủ trú tại làng đó vẫn có thể chăm sóc ông bà, cha mẹ, con cái; có giỗ chạp, cưới xin họ vẫn có thể tham gia để giữ cái nếp của làng.

Tuy nhiên, những nông dân muốn bứt phá đó lại gặp khó. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặt mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản”. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công với mục tiêu chính là phát triển công nghiệp ở nông thôn.

Tuy nhiên, với thực trạng bức bí về đất đai sản xuất, ô nhiễm môi trường… ở các làng có mô hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay cho thấy, chủ trương chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài chủ trương, phải chăng, lãnh đạo địa phương đang mải lo phát triển các dự án bất động sản, khu nghỉ dưỡng, khu cụm công nghiệp lớn mà bỏ quên khu cụm công nghiệp cho làng quê – nơi vẫn được gọi là “cứu cánh” khi khó khăn?

Không chỉ quỹ đất, chất lượng các ngành nghề công nghiệp ở nông thôn cũng đáng báo động. Rất nhiều làng nghề mới phát sinh và giàu lên nhanh chóng là những làng nghề thu gom, tái chế phế liệu, đồng nát, máy móc cũ nát. Điều đó đang làm hình thành nhiều hơn những “làng ung thư”. Những nghề mới có hàm lượng chất xám, khoa học kỹ thuật cao vẫn ít hơn những làng nghề chuyên làm hàng giả, hàng nhái. Trong khi đó, những ngành nghề thủ công truyền thống chưa được tập trung đầu tư để phát triển theo hướng tinh xảo, sản phẩm giá trị cao.

Ở Nhật Bản có mô hình “Mỗi làng mỗi nghề” được luật hóa, làm nông thôn Nhật trù phú, sinh động, giảm áp lực dân số cho đô thị. Nhiều nước phát triển cũng đang giảm áp lực cho đô thị bằng cách này. Những chuyên gia tâm huyết, đau đáu với tam nông cho hay, cuộc giằng xé giữa nông nghiệp và công nghiệp ở nông thôn nước ta là vấn đề lớn đang vào hồi nóng bỏng.

Hình ảnh những nhà xưởng chật chội, ô nhiễm bên cạnh những cánh đồng bỏ hoang ở nông thôn đang ngày càng nhiều hơn. Giải quyết vấn đề đó không chỉ giúp nông thôn ổn định mà còn giúp giảm áp lực cho đô thị, ổn định kinh tế - xã hội cho cả quốc gia.        

MỚI - NÓNG