Ly kỳ vụ suýt mất mạng vì bị ...chuột cắn
> Nhập viện vì bị chuột cống mang virus suy thận cắn
> Về miền Tây, rợn người đi chợ thịt chuột
Nửa đêm dậy bắt chuột, anh Quế, 45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội, bị nó cắn vào tay. Một tuần sau anh lên cơn sốt rét, vết thương sưng đỏ, đau nhức.
Hai ngón tay anh Quế sưng lên sau hơn một tuần bị chuột cắn. Ảnh: N.P |
"Hai vết cắn rất sâu vào ngón giữa tay phải, đau lắm, máu chảy nhiều như giẫm phải đinh. Lúc đấy nghĩ không sao nên tôi chỉ rửa lại bằng nước sạch. Ba hôm thì vết cắn lành, nhưng tôi lại đau, chỗ bị cắn sưng nhỏ, hơi đỏ, sau đó sốt", anh Quế cho biết.
Sợ bị dịch hạch, anh ra tiệm mua thuốc, uống được một liều không đỡ. Chỗ sưng lan ra ngón tay khác, người đau nhức mỏi, đôi lúc lại thấy hơi choáng. Anh Quế đến Bệnh viện E khám, được giới thiệu ra phòng tiêm chủng, rồi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
"Đến khám, mới kể sơ sơ bác sĩ bảo cho nhập viện để theo dõi. Đến nay nằm viện được 4 hôm thì đỡ sốt, tay bớt sưng hơn. Trước đây tôi chưa bao giờ bị chuột cắn, mà cũng không nghĩ bị cắn mà phải đến mức nhập viện", anh Quế vừa chỉ ngón tay vẫn còn sưng với 2 vết đỏ vừa nói.
Cũng bị chuột cắn 2 tuần trước, anh Kiên 34 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, đã cẩn thận đi tiêm phòng uốn ván mà không có tác dụng.
"Nó nghiến rất chặt vào ngón cái. Nhấc tay lên mà con chuột cứ treo lủng lẳng, cảm giác như răng nó cắm vào tận xương. Đến cuối tuần trước ngón tay tôi bắt đầu sưng, sau đó sốt lạnh, tôi phải vào bệnh viện khám và nằm viện luôn", anh Kiên nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện hiện điều trị cho 3 bệnh nhân bị sốt do chuột cắn, gọi là bệnh sodoku.
Bệnh này được biết đến từ lâu, nguyên nhân do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus. Tại bệnh viện thi thoảng vẫn tiếp nhận các ca tương tự, nhưng chưa trường hợp nào bị suy thận như ở TP HCM.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ, xen kẽ là thời kỳ không sốt. Bên cạnh đó có thể nổi xuất huyết.
Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng bên trong có thể bị hoại tử và có phản ứng của hạch khu vực. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê, thạc sĩ Hà cho biết.
Phần lớn bệnh nhân biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường. Nó có thể dẫn đến những biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong khoảng 6-10% nếu như không được điều trị. Biến chứng có thể xảy ra gồm viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo, chuột là trung gian truyền rất nhiều loại bệnh. Vì thế, để phòng bệnh, người dân nên tránh bị chuột cắn phải. Khi bắt chuột thì không dùng tay không mà phải đeo găng dày.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản.
Khi ngủ, nên chèn màn chặt kín 4 góc giường ngăn ngừa không cho chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.
Theo Nam Phương
VnExpress