Ly kỳ hòn đá đĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Qua nhiều thế hệ, câu chuyện về hòn đá đĩ ở bản Rỏn, xã Thanh Luận, huyện Sơn Ðộng (Bắc Giang) luôn ly kỳ, hấp dẫn. Nhiều người già ở đây phải giấu kín về hòn đá đĩ để tránh ảnh hưởng đến phụ nữ trong bản.
Ly kỳ hòn đá đĩ ảnh 1
Với người lạ bên ngoài, người già ở bản Rỏn kể câu chuyện khác về hòn đá đĩ để không phát hiện ra hòn đá này, tránh ảnh hưởng phụ nữ trong bản

Bí ẩn hòn đá đĩ

Những lần lên huyện Sơn Động, tôi có cơ duyên quen với một cán bộ văn hóa của huyện. Sau bữa cơm tối với bà con trong bản, anh cán bộ văn hóa kéo tôi ra một góc riêng để chia sẻ về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây. Trong câu chuyện về đêm, anh cán bộ văn hóa bảo rằng, ở huyện miền núi Sơn Động có chuyện ly kỳ về hòn đá đĩ.

“Cụ thể câu chuyện về hòn đá đĩ, anh phải đi thực tế một chuyến về xã Thanh Luận. Bà con ở đó vẫn truyền tai nhau về bí mật liên quan hòn đá đĩ”, anh cán bộ văn hóa huyện Sơn Động tiết lộ.

Bẵng đi một thời gian, anh cán bộ văn hóa đó nhắc tôi lên thăm bà con huyện Sơn Động. Tháng 9, khi những ruộng lúa trên các bản vùng cao ngả màu vàng óng, trăng đã tròn về đêm, tôi rong ruổi trên chiếc xe gắn máy lên xã Thanh Luận (huyện Sơn Động) để khám phá câu chuyện về hòn đá đĩ. Xã Thanh Luận ẩn mình bên dãy núi cao Tây Yên Tử. Đến đầu xã, hỏi mấy chị phụ nữ đã đứng tuổi về hòn đá đĩ, các chị có vẻ e thẹn, rồi bảo: “Anh vào UBND xã Thanh Luận, nhờ cán bộ đưa đi gặp người già trong bản Rỏn kể về chuyện hòn đá đĩ. Chúng tôi khó nói về chuyện này”.

Chị Hoàng Thị Hệ, cán bộ văn hóa xã Thanh Luận đưa tôi đến gặp cụ Hoàng Văn Cọc ở bản Rỏn. Năm nay, cụ Cọc bước sang tuổi 92. Lúc đến, cụ Cọc đang chặt cây thuốc trong vườn. Tuy tuổi cao, nhưng cụ Cọc vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh.

Khi hỏi chuyện về hòn đá đĩ, cụ Cọc lưỡng lự, không muốn tiếp chuyện. Dò hỏi mãi, cụ mới kể, ngày xưa, vào ngày Tết, nam nữ trong bản thường chơi đu ở bãi đất trống ven suối. Nam chơi với nam, nữ chơi với nữ. Tuy nhiên, trong đám nam thanh, nữ tú năm ấy, có một cô gái nhảy lên chơi đu với một nam thanh niên, rồi chẳng may ngã và đập đầu vào hòn đá chết nên các cụ bảo, con gái đĩ thõa mà chết, bởi vậy gọi là bãi đá đĩ.

Ly kỳ hòn đá đĩ ảnh 2
Khu vực được cho là nơi người già ở bản Rỏn phát hiện ra hòn đá đĩ và đem cất giấu

Nghe đến đây, chị Hệ đi cùng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Chị rỉ tai tôi, câu chuyện về hòn đá đĩ mà chị và những người trẻ trong bản Rỏn được các cụ kể lại hoàn toàn khác. Chị Hệ cố hỏi, nhưng cụ Cọc vẫn bảo với tôi rằng, câu chuyện về hòn đá đĩ chỉ có vậy. Tôi cùng chị Hệ đến gặp ông Ngô Văn Tỵ (82 tuổi) cũng ở bản Rỏn. Khi tôi hỏi về hòn đá đĩ, ông Tỵ cũng kể câu chuyện tương tự như cụ Cọc.

Trên đường đưa tôi về UBND xã Thanh Luận, chị Hệ cứ băn khoăn về câu chuyện hòn đá đĩ mà cụ Cọc, ông Tỵ kể cho tôi lại khác với câu chuyện về hòn đá đĩ mà ông bà truyền lại cho chị và thế hệ con cháu.

Tôi đem thắc mắc về câu chuyện hòn đá đĩ hỏi ông Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận. Ông Mừng uống chén trà, cười vẻ bí hiểm, rồi từ từ lý giải băn khoăn của tôi về câu chuyện hòn đá đĩ do cụ Cọc, ông Tỵ kể cho tôi lại khác với câu chuyện mà những người già ở đây truyền lại cho con cháu.

Hé lộ về hòn đá đĩ

Ông Mừng giọng thủng thẳng, những người lạ ở bên ngoài về bản Rỏn và xã Thanh Luận hỏi người già về hòn đá đĩ, các cụ trong bản sẽ kể câu chuyện giống như cụ Cọc và ông Tỵ kể cho tôi. Còn con cháu trong bản được ông bà truyền lại một câu chuyện khác về hòn đá đĩ. Các cụ kể câu chuyện khác về hòn đá đĩ cho người lạ là mong muốn giữ bí mật về hòn đá này, sợ người lạ biết mà đi tìm và sờ vào hòn đá đĩ sẽ ảnh hưởng đến phụ nữ trong bản.

Ly kỳ hòn đá đĩ ảnh 3
Khu vực được cho là nơi người già ở bản Rỏn phát hiện ra hòn đá đĩ và đem cất giấu

Ông Mừng kể tiếp, ông và con cháu ở bản Rỏn vẫn nghe các cụ truyền lại rằng, ngày xưa, trong bản Rỏn từng xảy ra chuyện nhiều phụ nữ tự dưng nổi hưng phấn chuyện tình dục, thậm chí có một số chị em chưa chồng mà có chửa. Cả bản cứ loạn lên. Các cụ trong bản không hiểu vì sao, các cụ đi hỏi thầy cúng thì thấy bảo có động.

Sau đó, các cụ tìm đến gần khe suối ở bản Rỏn thì phát hiện có mùi hôi thối. Đến gần, các cụ thấy xác chết của hai bố con người ăn xin bị mù. Chiếc gậy của hai bố con người ăn xin chọc vào hòn đá có hình dáng giống một nửa phía dưới người phụ nữ. Chỗ chiếc gậy chọc vào hòn đá đó có chảy ra nước màu đỏ như máu. Các cụ vội giấu hòn đá đó đi. Kể từ đó đến nay, ở bản Rỏn không còn chuyện nhiều phụ nữ tự dưng nổi hứng chuyện tình ái. Các cụ trong bản gọi hòn đá đó là hòn đá đĩ.

“Một cụ bà ở gần nhà tôi đã mất có mẹ là nạn nhân của câu chuyện hòn đá đĩ kể lại về câu chuyện này cho tôi. Các cụ bảo phải giấu kín hòn đá đĩ để tránh người lạ sờ vào hòn đá đó, khiến phụ nữ trong bản nổi loạn chuyện tình dục như trước”, ông Mừng cho hay.

Tôi đem thắc mắc về câu chuyện hòn đá đĩ hỏi ông Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận. Ông Mừng uống chén trà, cười vẻ bí hiểm, rồi từ từ lý giải băn khoăn của tôi về câu chuyện hòn đá đĩ do cụ Cọc, ông Tỵ kể cho tôi lại khác với câu chuyện mà những người già ở đây truyền lại cho con cháu.

Tôi tò mò hỏi về nơi người già trong bản Rỏn cất giấu hòn đá đĩ, ông Mừng tiết lộ, các cụ truyền lại rằng “ngày xưa đá ở đồng trong, giờ loạn lạc đá ra đồng ngoài”. Nhưng đâu là đồng trong, đâu là đồng ngoài thì rất khó xác định.

Tôi ngỏ ý mong muốn đến nơi phát hiện ra hòn đá đĩ theo câu chuyện những người già ở bản Rỏn truyền lại cho con cháu. Theo chỉ dẫn của ông Mừng, chúng tôi đi men theo con đường đèo, rồi vượt qua một dòng suối đến một khu đất ven đồi đã phủ kín cây keo do người dân trồng.

Chúng tôi đến khu đất ven đồi được cho là nơi người già trong bản Rỏn phát hiện hòn đá đĩ. Đi một vòng quanh khu vực này, tôi thấy lổm nhổm rất nhiều hòn đá to nhỏ khác nhau. Đến ven suối nơi được cho là bố con người ăn xin bị mù chọc gậy vào hòn đá đĩ, tôi thấy cây dại mọc um tùm.

“Nhiều người tò mò về hòn đá đĩ, có ý tìm xem bây giờ hòn đá ở đâu. Nhưng đến nay, vị trí hòn đá đĩ chỗ nào thì các cụ trong bản Rỏn chưa bao giờ tiết lộ và câu chuyện về hòn đá đĩ vẫn luôn ly kỳ với con cháu đời sau trong bản và cả người bên ngoài đến xã Thanh Luận”, ông Mừng chia sẻ.

MỚI - NÓNG