Ăn no đánh thắng - tên gọi Giai điệu Tự hào phát tối 26/4 có vẻ hơi lạ lùng với khán giả hôm nay. Bài hát thể hiện niềm hứng khởi của nông dân được cày cuốc trên ruộng đất của mình để phục vụ tiền tuyến: “Nhà nông ta làm ruộng để dân cày no đủ/Cót thóc đầy nuôi bộ đội no/Dô hò bộ đội ta, dô hò ăn no đánh thắng”. Thế mới biết ca khúc ngoài nghệ thuật còn có giá trị tư liệu. Không khí thi đua sản xuất được ghi lại bằng Hò dân cày, hình ảnh cô dân công được khắc họa với Pì noọng ơi. Trong khi các nhạc sĩ đánh giá cao Văn Chung trong tìm tòi ngôn ngữ và xây dựng hình tượng âm nhạc, thì nghệ sĩ Như Huy buông về liên khúc 3 bài: “Nhạt và chán!”.
Một khách mời bình luận lớn tuổi nói: “Lương thực rất quan trọng trong kháng chiến nhưng chuyển nội dung đó vào bài hát thì rất khó”. Người viết có dịp gặp gỡ các nhân chứng biểu diễn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Họ đều khẳng định đi phục vụ được ăn no mà còn ngon. “Chứng tỏ chiến dịch được tổ chức rất quy củ”. Nghệ sĩ Đinh Công Đạt lý giải: “Cải cách ruộng đất có sai lầm nhưng là động lực to lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Hồ Quỳnh Hương nắn nót hát Lên ngàn xong, liền bị nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chê “vô cảm”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường lý giải có thể do bản phối chưa tách bạch giữa hai phần của bài hát dẫn đến bất lợi cho ca sĩ trong biểu cảm. Tỷ lệ bầu chọn cho bài hát nổi tiếng của Hoàng Việt rốt cuộc thấp một cách ngạc nhiên. Hơn 61% khán giả trẻ và cũng chỉ hơn 83% khán giả lão thành đồng ý cho bài hát xuất hiện trong liveshow cuối năm.
Trong khi Hồ Quỳnh Hương Lên ngàn theo kiểu nhạc nhẹ, hơi bị xỉn thì Tùng Dương Ca ngợi Hồ Chủ tịch với chất giọng opera to, vang khác hẳn giọng bình thường của anh. Nghe có vẻ không được tự nhiên lắm, tuy nhiên Dương được hội đồng bình luận dành tặng rất nhiều lời khen.
Nguyễn Thụy Kha kể, Văn Cao được đưa đến gặp Bác ngay trong chiều 2/9/1945 nhưng nhạc sĩ chưa nảy sinh cảm hứng lắm cho đến lần thứ hai ông gặp Bác tại chiến dịch biên giới: đi đến đâu ông cũng nghe thương binh bày tỏ ao ước được gặp Bác một lần trước khi nhắm mắt. Ca ngợi Hồ Chủ tịch ra đời từ cảm xúc đó.
Những bài hát viết theo đặt hàng của trái tim luôn có sức sống mãnh liệt. Hoàng Vân chứng kiến cảnh chiến sĩ kéo pháo thì phục quá, nổi hứng viết Hò kéo pháo - như một bài bích báo - dán lên vách hào. Các chiến sĩ thích thú trước bài hát nóng hổi về mình, đem ra dùng ngay.
Tác giả tiết lộ, thực tế trước đó, các chiến sĩ chỉ hô: “Hai ba nào!” để cùng nhau đẩy pháo. Nhưng thời kỳ đó các điệu hò rất phổ biến, nên Hoàng Vân mạnh dạn “sửa” hiệu lệnh đó thành: “Hò dô ta nào!”. Nguyễn Cường cung cấp thông tin, sau khi người Pháp thua trận, họ đã xuất bản một đĩa hát chỉ có 2 bài: Hò kéo pháo và lời đầu hàng của tướng De Castries.
Có lẽ vì mê bài hát quá mà Nguyễn Cường chưa hài lòng với phần trình diễn của 3 giọng rock trẻ. Dù phần biểu diễn của Minh Trí, Hoàng Hiệp và Tiến Bắc khiến gần như cả trường quay đứng lên hưởng ứng.
Một “fan cuồng” còn mặc quần áo bộ đội thời Điện Biên đứng phất cờ và làm các động tác kéo pháo. Vị này cũng thường đứng lên phất cờ ở một số bài khác dù cho khán giả vẫn ngồi. Khá nhiều khán giả cũng diện thời trang Điện Biên (áo nâu, váy dân tộc Thái…). Cách dàn dựng này liệu có cần thiết khi nó mang lại cảm giác rằng tất cả những gì trên màn hình đều là… dàn dựng?!
Chiếc xe thồ mượn từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự đưa lên sân khấu bị các nhân chứng lịch sử “ném đá” không thương tiếc. Mang tiếng là hiện vật nhưng xe quá tối tân với phanh, chắn bùn và bàn đạp…- những thứ mà xe thồ thời Điện Biên (thường) không có. Cuối cùng MC đành cho biết đó là hiện vật sau phục dựng.