Lý do khó phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp; các quy trình thủ tục như nhà ở thương mại, thậm chí còn nhiều bước hơn.

Theo Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030, TPHCM đặt chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 là đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng khoảng 26.200 - 35.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng khoảng 43.300 - 58.000 căn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, 6 tháng đầu năm 2024, TPHCM đã xây dựng hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831 m2. Cụ thể, khu nhà ở xã hội Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) với 242 căn hộ và dự án Nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi (TP. Thủ Đức) với 368 căn.

Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6/2024, TPHCM đã hoàn thành 4 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2. Ngoài ra, TPHCM có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công, trong đó 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ.

Cụ thể, dự án khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (1.344 căn); dự án Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại tại khu đất Chợ Bình Phú cũ, quận 6 (390 căn); Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình, quận Tân Bình (168 căn); dự án tại số 324 Lý Thường Kiệt, quận 10 (1.254 căn); Khu dân cư phường Long Trường, TP. Thủ Đức (558 căn); Nhà lưu trú công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức (672 căn).

Lý do khó phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM ảnh 1

Một dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại TP. Thủ Đức.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, việc phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp; các quy trình thủ tục như nhà ở thương mại, thậm chí còn nhiều bước hơn.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có hướng dẫn cách tính khung giá thuê nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Do đó, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TPHCM ban hành quy định khung giá cho thuê nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng sau khi nghị định nêu trên được ban hành.

Về chất lượng nhà ở xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM khẳng định, đối với tất cả các công trình nhà ở được xây dựng cho dù nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư hay nhà ở xã hội thì các vấn đề về quản lý chất lượng công trình đều được tuân thủ theo quy định rất rõ, cụ thể tại Luật xây dựng.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, không có chuyện phân biệt nhà ở thương mại thì chất lượng sẽ tốt hơn nhà ở xã hội hoặc nhà tái định cư. Tuy nhiên, giá thành của các loại nhà ở có khác nhau, do nhà ở xã hội là nhà dành cho đối tượng ưu tiên, đối tượng được bố trí mua nhà ở xã hội thì giá thành rẻ hơn so với nhà ở thương mại. Đồng thời, nhà ở xã hội cũng được miễn tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư nhà ở xã hội có được ưu đãi về thuế, cơ chế chính sách.

MỚI - NÓNG