EU kiểm soát ngày càng nghiêm khắc
Thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ thị trường EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho rằng, dù xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục trong nửa đầu năm nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của nông sản Việt.
Theo ông Nguyên, mỗi năm EU chi khoảng 35 tỷ Euro nhập khẩu rau quả, là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất trên thế giới hiện nay. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU tăng đáng kể, song hiện chỉ đứng thứ 27 trong số các nước xuất khẩu rau quả vào EU với thị phần khiêm tốn 1%.
Thanh long xuất sang EU vẫn trong diện kiểm soát tần suất 30%. |
Điều đáng nói, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang EU thiếu tính đồng nhất. Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… vẫn còn là nút thắt lớn. Một số mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào EU như: Ớt, rau húng, quế, thanh long… đã bị cảnh báo nhiều lần về về mặt chất lượng.
"Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn có thể làm giảm uy tín chung của nông sản Việt Nam tại thị trường EU, cũng như trên thế giới”, ông Nguyên nói.
Đại diện Vinafruit cho rằng, hiện các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học của EU ngày càng nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.
Trong một số trường hợp nếu tần suất vi phạm cao, EU có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt như tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, thậm chí cấm nhập khẩu vào thị trường EU một thời gian. Đã có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo.
"Hiện nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam có nhiều tiềm năng để gia tăng thị phần tại EU như chanh leo, thanh long, sầu riêng, xoài, các mặt hàng gia vị… Các doanh nghiệp cần chú ý chặt chẽ hơn việc tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của, nâng cao việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh bị cảnh báo ảnh hưởng chung đến toàn ngành", ông Nguyên cho hay.
Không kiểm soát chặt, nguy bị tăng cường kiểm tra
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam - cho biết, với số liệu về những lô hàng bị cảnh báo trong ngành hàng gia vị… Việt Nam cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa cơ quan quản lý đầu mối, doanh nghiệp, hiệp hội để xử lý các vấn đề như lô hàng bị trả lại...
Bà Liên khuyến nghị, các doanh nghiệp cạnh việc theo dõi, cập nhật thông tin trên các website của cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần quan tâm đến thông tin của SPS từ EU để cập nhật thông tin về mọi mặt hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể tham khảo các lô hàng có cùng lợi thế cạnh tranh từ các nước bị cảnh báo để rút kinh nghiệm.
Theo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT, nguyên nhân làm tăng mức độ cảnh báo nông sản Việt Nam nhập khẩu vào EU là do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, theo thói quen, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.
Do đó, để hạn chế các vi phạm ngay cả sản xuất và doanh nghiệp cần quan tâm các quy định, chuẩn hóa ngay từ vùng trồng, đến quy trình sản xuất và xuất khẩu.
Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện EU luôn rà soát và sửa đổi thường xuyên các quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới, trước khi dự định xuất hàng nên truy cập vào các trang thông tin để cập nhật, rà soát lại các quy định để nắm thông tin chính xác hơn, hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.