Theo đó, khi vào phòng thi, giám thị sẽ phát cho thí sinh cả phiếu trả lời trắc nghiệm và cả giấy thi để làm bài phần viết. Sau khi được giám thị phát đề, các em làm bài phần trắc nghiệm trước.
Sau khi hết thời gian làm bài phần trắc nghiệm, giám thị sẽ thu ngay phiếu trả lời trắc nghiệm. Sau khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho giám thị, các em mới được bắt đầu làm bài phần viết. Phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi phần viết phải được giám thị để riêng trong hai túi khác nhau.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay có ba môn thi hoàn toàn sử dụng phương pháp trắc nghiệm (lý, hóa, sinh), một môn thi vừa sử dụng phương pháp trắc nghiệm vừa sử dụng phương pháp tự luận (ngoại ngữ). Trong quy chế hiện đưa ra khá nhiều nội dung quy định trách nhiệm của thí sinh đối với việc làm bài thi trắc nghiệm.
Không như thi tự luận - thí sinh có thể được phép ra ngoài với sự giám sát của giám thị biên hoặc được phép ra khỏi phòng sau khi làm xong bài nếu đã hết 2/3 thời gian làm bài môn thi, trong suốt quá trình làm bài thi trắc nghiệm các em không được ra khỏi phòng thi.
Môn thi trắc nghiệm thường có số lượng lớn câu hỏi nên tránh thiệt thòi cho bản thân, các em cần lưu ý xem số lượng câu trong đề thi phát cho mình có đủ số lượng được ghi trong đề.
Đề thi trắc nghiệm thường có nhiều trang nên các em cũng phải kiểm tra nhằm đảm bảo tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.
Khác với thi tự luận, khi thi trắc nghiệm các em không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài và chỉ được rời phòng thi sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.
Thí sinh không được tẩy xóa trong bài thi tự luận
Quy chế hợp nhất từ quy chế ban hành từ năm 2012 và một số thông tư sửa đổi trong hai năm gần đây quy định khá cụ thể trách nhiệm của thí sinh. Theo đó, khi đi thi, nhất thiết thí sinh phải mang theo thẻ dự thi hoặc chứng minh nhân dân để xuất trình cho giám thị khi được gọi vào phòng thi.
Các em phải đến đúng giờ, nếu chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Khi nhận đề thi, phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Ông Mai Văn Trinh, Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, tình trạng đề thi sau khi phát cho thí sinh cũng là một vấn đề Bộ lưu ý với giám thị trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp.
Ngay sau khi phát đề cho thí sinh, giám thị yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi, nếu không phát hiện hoặc để quá 15 phút sau khi phát đề mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Tất cả những trường hợp phát sinh về đề thi giám thị phải báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng coi thi ngay sau khi phát hiện (qua giám thị ngoài phòng thi).
Khi làm bài thi tự luận, các em phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm).
Các em đặc biệt lưu ý là chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ), phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo chứ không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì.
Tăng cường kỷ luật phòng thi
Trong hội đồng thi, không chỉ thí sinh phải chịu sự kiểm soát của giám thị mà giám thị cũng phải chịu sự giám sát của các lực lượng khác trong hội đồng, trong đó có cả thí sinh. Cho đến nay, cơ chế giám sát lẫn nhau được xem là cơ chế hiệu quả phòng chống gian lận, tiêu cực trong thi cử.
Ví dụ, trong hướng dẫn tổ chức thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu trước mỗi buổi thi, Chủ tịch Hội đồng coi thi đảm bảo các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân (nếu có) của tất cả những người làm nhiệm vụ tại hội đồng được lưu giữ tại phòng trực của hội đồng. Khi cần thông tin khẩn cấp, cán bộ làm nhiệm vụ thi phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng coi thi để xử lý.
Hoặc khi cắt túi đề thi và phát đề thi vào đúng thời điểm ghi trong lịch thi, giám thị phải cho toàn thể thí sinh trong phòng thi chứng kiến tình trạng niêm phong của túi đề thi và lập biên bản xác nhận có chữ ký của hai thí sinh trong phòng thi.
Các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì), các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.