Lụt giữa mùa khô vì thủy điện tích nước

Lụt giữa mùa khô vì thủy điện tích nước
TP - Lòng hồ thủy điện A Lưới tích nước chuẩn bị phát điện, gây ngập lụt chưa từng có giữa mùa khô tại nhiều xã thuộc huyện vùng cao A Lưới, tỉnh TT- Huế. Nhiều vùng không thuộc phạm vi ảnh hưởng tích nước lòng hồ cũng ngập lụt.

Ngập lụt từ làng đến núi

Qua ngã ba Bốt Đỏ dọc đường Hồ Chí Minh, PV dừng chân hỏi đường vào các vùng Quảng Ngạn, Quảng Vinh, A Đên, Kăng Te, Cân Tôm… bị ngập lụt bất thường do thủy điện A Lưới tích nước, anh Nguyễn Thiên (xã Sơn Thủy) lưu ý ngay: “Đường rẽ từ Cân Tôm sang trung tâm thôn Quảng Ngạn không đi được nữa đâu, ngập sâu hết rồi. Lên một đoạn quá trụ sở ủy ban xã Sơn Thủy rồi rẽ trái, tìm đường mà vô thôi”.

Con đường bê tông liên xã dài hàng cây số nối từ Hồng Thượng, Sơn Thủy sang Hồng Thái, song song với đường Hồ Chí Minh, bị nước sông A Sáp dâng cao chia cắt nhiều đoạn tựa cảnh mùa lụt ở miền xuôi thấp trũng.

 

Dân nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng họ cứ tìm cách lần lữa không tính toán đền bù đất đai, cây rừng. Khi tất cả đã chìm trong nước, họ đề nghị chúng tôi thực hiện phương án thỏa thuận hỗ trợ đền bù mà không qua kiểm đếm. Làm như vậy liệu có chính xác và công bằng?

 

Bà Hồ Thị Phấn (xã Sơn Thủy) nói: “Thôn Quảng Ngạn bị nước lòng hồ chia cắt làm hai rồi chú ơi. Nhóm hộ dân phía nam đã bị nước lớn tách rời khỏi trung tâm thôn. Tội mấy đứa nhỏ xóm nớ, chừ muốn đến trường phải đi lòng vòng mấy cây số qua xã Hồng Thượng, ra đường Hồ Chí Minh, đến thôn Quảng Lộc, rồi mới vô được bên ni”.

Nước hồ dâng cao biến nhiều đoạn đường bê tông nông thôn thành những bến tắm giặt, neo đậu ghe thuyền tự phát của người vùng cao. Mặc dù mức lụt đã rút bớt so với những ngày đầu tích nước, dân quanh lòng hồ vẫn phải sắm thuyền, đan ghe, mua săm ô tô kết bè để cơ động đi lại, đánh bắt cá, chở hàng hóa qua vùng trũng ngập.

Theo quan sát của PV, hiếm vùng nào có nhiều khu dân cư, ốc đảo, đất rừng kinh tế còn đan xen với khu ngập nước, cứ hễ ra ngõ lại gặp ngay lòng hồ chưa xác định mức ngập cụ thể, như tại thủy điện A Lưới.

Công tác vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước vẫn đang bị bỏ ngỏ, rác thải sinh hoạt ngập tràn theo dòng lụt. Nhiều ngôi nhà, cơ quan nằm sát vùng lòng hồ vẫn không được di dời; trong khi đất vườn xung quanh đã bị giải tỏa, ngập trắng nước.

Ông Nguyễn Văn Hổi (thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng) nói: “Gia đình tui lo lắm, mấy hôm ni nước tràn vô vườn, tiến gần thềm nhà rồi. Nếu thủy điện tiếp tục tích nước hoặc có mưa to không kịp tháo tràn, cả nhà phải sơ tán”.

Sau khi bị thu hồi hết ruộng vườn, ông Hổi và nhiều hộ nông dân trong vùng chỉ còn biết dựa vào mấy công đất rẫy tít xa trên núi. Số đất này thuộc diện tạm ngưng sản xuất chờ lòng hồ tích đủ nước để xác định mức ngập lụt, không được hỗ trợ đền bù.

Quá bí bách, ông Hổi và nhiều gia đình đánh liều trồng hoa màu, cây lâm nghiệp để cải thiện đời sống. Phần lớn diện tích sản xuất kể trên hiện bị ngập, hoa màu mất trắng, đường vào rừng bị cắt.

Tại xã Hồng Thái, dù chưa được chủ đầu tư kiểm đếm, tính toán tài sản trên đất để bồi thường, nhiều diện tích vườn rừng của dân nằm trong quy hoạch giải tỏa đã bị ngập, do thủy điện tích nước.

Tương tự, nhà cửa của dân chưa thỏa thuận được mức giá bồi thường đã bị ngập.

Ông Nguyễn Văn Lợi (cán bộ văn phòng UBND xã Hồng Thái) nói: “Dân nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng họ cứ tìm cách lần lữa không tính toán đền bù đất đai, cây rừng. Khi tất cả đã chìm trong nước, họ đề nghị chúng tôi thực hiện phương án thỏa thuận hỗ trợ đền bù mà không qua kiểm đếm. Làm như vậy liệu có chính xác và công bằng?”.

Không chỉ đường sá, rừng kinh tế và vườn hoa màu, mà đất chôn cất người chết cũng chung cảnh ngập lụt. Theo ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến xác đáng của dân, chính quyền địa phương yêu cầu chủ đầu tư sớm giải quyết nhưng chưa có kết quả, do thiếu hợp tác.

“Họ cử những người không có trách nhiệm đến làm việc thì làm sao giải quyết được những bức xúc của dân. Do đời sống khó khăn sau di dời tái định cư khỏi lòng hồ, dân xã bắt đầu lén lút phá rừng”, ông Đời cho biết.

Thêm nhiều bức xúc

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh TT- Huế ngày 27-4, ngoài đề cập vấn đề ngập lụt phát sinh bất thường do tích nước lòng hồ, lãnh đạo UBND huyện A Lưới khẳng định công tác phối hợp giải quyết tồn tại, vướng mắc tại vùng dự án thủy điện chưa được Cty Cổ phần Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư) quan tâm, gây mất niềm tin của dân. Tại nhiều cuộc họp do UBND huyện tổ chức, công ty chỉ cử đại diện không có đủ thẩm quyền tham gia giải quyết những vấn đề liên quan.

Theo UBND huyện A Lưới, chủ đầu tư quá chậm trễ trong công tác san nền, xây nhà tái định cư (TĐC) cho dân di dời; chất lượng một số nhà TĐC không bảo đảm. Do hệ thống thủy lợi xây quá chậm, đất trồng lúa nước bố trí lại cho 106 hộ dân vẫn chưa giao xong; nước sinh hoạt vùng TĐC không ổn định. Phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 106 hộ TĐC được huyện phê duyệt kinh phí 4,5 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ mới tạm ứng nhỏ giọt gần 50 triệu đồng.

Cuối tháng 12-2011, UBND huyện A Lưới phê duyệt các phương án hỗ trợ đất sản xuất cho gần 300 hộ dân và cá nhân trồng cà phê tại xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Sơn Thủy bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Đến nay, chủ đầu tư chưa chi trả tiền cho dân để đầu tư tái sản xuất. Công tác hỗ trợ chênh lệch trong di dời giải tỏa, với tổng mức hơn 20 tỷ đồng, cho 859 hộ dân 5 xã vùng lòng hồ gặp vướng mắc lâu nay vẫn chưa được chủ đầu tư phối hợp giải quyết.

Công ty thủy điện từng cam kết hỗ trợ 2 tỷ đồng xây chợ Bốt Đỏ, nhưng chưa chuyển tiền.

“Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Cty Cổ phần Thủy điện miền Trung cam kết về mốc thời gian giải quyết những tồn tại, vướng mắc nêu trên.

Nếu công ty vẫn không giải quyết dứt điểm thì tạm ngưng ngay các hoạt động liên quan đến vận hành nhà máy phát điện”, ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, kiến nghị.

“Dân nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng họ cứ tìm cách lần lữa không tính toán đền bù đất đai, cây rừng. Khi tất cả đã chìm trong nước, họ đề nghị chúng tôi thực hiện phương án thỏa thuận hỗ trợ đền bù mà không qua kiểm đếm. Làm như vậy liệu có chính xác và công bằng?”. - Ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ văn phòng UBND xã Hồng Thái

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).