Lương vướng bộ máy

Lương vướng bộ máy
TP - Một cán bộ dân số ở một huyện thuộc tỉnh L, vừa có dịp ta thán với người viết: “Lương em bây giờ mỗi tháng có 800.000 đồng, làm sao sống đây”. Nói thẳng ra là gấp 5 lần mức ấy vẫn còn khó sống.

“Thú thật về công việc, em chả phàn nàn gì, chỉ phàn nàn mỗi vấn đề lương”. Quả thật, nếu lương cao ngất thì cô chả còn gì để phàn nàn vì công việc quá? nhàn nhã. Cả huyện có 13 xã, công tác dân số của mỗi xã do một cán bộ phòng Dân số huyện phụ trách.Thêm hai sếp trưởng và phó lo công việc chung thì bảo sao công việc ngày thường của 15 con người ấy gần như… rỗi. “Để một người phụ trách 5 xã chúng em vẫn làm vô tư, nhưng đâu phải muốn vậy là được vậy. Lương thế thì chỉ làm thế thôi”, cán bộ dân số nọ nói thêm.

Hiện trạng lương công chức không đủ sống nhưng bộ máy hành chính vẫn phình to không phải bây giờ mới được đề cập. Vấn đề ở chỗ đã được đề cập nhiều mà chưa thực sự có biến chuyển rõ rệt. Mấy năm gần đây, sự đổi mới chế độ lương bổng có lẽ thể hiện rõ nhất ở những kỳ tăng lương. Nhưng so với tốc độ lạm phát cùng mức sống trung bình không ngừng tăng có thể nói chế độ tiền lương không những không cải thiện mà phần nào còn có sự tụt lùi. Hiện nay cả nước có 7 triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong đó khoảng 1,5 triệu là cán bộ, công chức (bằng khoảng 1,8% dân số), là một tỷ lệ lớn so với thế giới. Lương công chức thấp, công chức không sống nổi bằng lương nhưng bộ máy vẫn cứ phình to. Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, cách đây 3 năm từng nói: “Tiếp xúc cử tri, đâu đâu cũng thấy đề nghị tăng biên chế xã, thậm chí cả ở thôn”. Tư tưởng cào bằng trong hệ thống thang bảng lương đã tỏ ra lạc hậu so với thời cuộc, trong khi theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, quan điểm mới là lương công chức phải là lương trung bình xã hội chứ không phải tiền lương tối thiểu.

Theo ông Phúc, tương quan trong hệ thống mặt bằng lương của các thành phần kinh tế cũng không giống nhau. Doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả hàng chục nghìn đô cho một nhân sự. Vậy là, cũng chỉ con người ấy, nhưng chuyển từ Nhà nước sang khu vực khác thì lương, thu nhập khác hẳn.

Vài nét phác họa có thể thấy rõ là đồng lương thấp, không tương xứng với trách nhiệm cũng như lao động của công chức. Đồng lương phải trở thành động lực chính và phải là thu nhập chính. Không thể để cho thu nhập ngoài lương lại cao gấp nhiều lần so với thu nhập chính thức. Nhưng đối với xã hội, điều thiệt thòi lớn nhất khi hệ thống lương lạc hậu trong khi bộ máy hành chính cồng kềnh, không chỉ là tiền thuế được sử dụng kém hiệu quả mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu của bộ máy công quyền, của hệ thống dịch vụ công.

Và thêm nữa, chúng ta nói nhiều, thực hiện nhiều về việc tăng lương cho công chức, nhưng ít thấy mổ xẻ về khía cạnh hiệu suất lao động của nhóm lao động này. Hiệu quả thấp mà cứ tăng lương theo lộ trình là đi ngược với quy luật thị trường - tiền lương là giá của hàng hóa sức lao động. Đó còn chưa kể những nhập nhằng của nền công vụ, khi chưa phân biệt rành mạch nền hành chính công quyền và các tổ chức chính trị-xã hội, dù không ít người và không ít lần đã đề cập vấn đề này. Như một chuyên gia từng nói, vấn đề kỹ thuật của cải cách tiền lương công chức không quá khó mà cái khó là cần một quyết tâm chính trị thật sự, mạnh mẽ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.