Lương nghệ sỹ thấp hơn lao công

Lương nghệ sỹ thấp hơn lao công
TP - Bức xúc trước một vài bình luận chưa thấu đáo về giải thưởng Cánh diều vừa qua, đạo diễn Nhuệ Giang đã chia sẻ về những khó khăn mà dòng phim nghệ thuật phải đương đầu lâu nay.

> Cánh diều 2012: Căng dây chờ gió
> Nhuệ Giang và 'Tâm hồn mẹ'

Từ trái sang: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân –Nhuệ Giang và nhà văn Trung Trung Đỉnh tại buổi chiếu ra mắt phim Lạc lối sáng 16/3 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Ảnh: Võ Hồng Thu
Từ trái sang: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân –Nhuệ Giang và nhà văn Trung Trung Đỉnh tại buổi chiếu ra mắt phim Lạc lối sáng 16/3 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Ảnh: Võ Hồng Thu.

Tôi vốn lặng lẽ, chưa khi nào tranh cãi trên báo chí. Một số bài báo “hậu Cánh diều” là “giọt nước tràn ly” buộc tôi lên tiếng bởi bức xúc trước hiện tượng “xem phim qua báo” gom nhặt thông tin để viết có tính gây hấn, câu khách mà thiếu khách quan, thiếu am tường chuyên môn và lương tâm.

Đạo diễn Nhuệ Giang nói.

Có ý kiến cho rằng, những bộ phim được sự tài trợ của Nhà nước như Cát nóng, Đam mê, Lạc lối dù không được phát hành thương mại nhưng vẫn dự thi, để rồi nhận được những giải thưởng mang tính “chiếu cố”. Bà nghĩ sao?

Là người trong cuộc, tôi rất bức xúc vì một số cây bút không hiểu quy chế giải thưởng. Cánh diều là giải hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam - một hội nghề nghiệp - xét giải tác phẩm, nghệ sĩ có phim sản xuất trong năm, trao vào tháng 3 năm sau. Gần đây, để hội tụ, tăng độ đa dạng, Hội mời phim của các hãng tư nhân, dù ê kíp làm các phim ấy không phải hội viên.

Quy chế của giải Cánh diều được Đại hội ĐAVN thông qua, không bắt buộc phim phải phát hành trước lúc dự thi, bởi đây là giải ghi nhận sáng tác của hội viên. Hãng Phim truyện VN và các Hãng phim Nhà nước không có chức năng phát hành. Đâu phải vừa làm xong là có thể ra rạp ngay. Bởi điều này do Fafilm VN và các Công ty phát hành tư nhân chọn, xếp lịch.

Về BGK, tôi thấy họ có bản lĩnh, chọn theo tiêu chí chuyên môn, không cần điều chỉnh theo thị trường. BGK dựa vào chất lượng nghệ thuật mà chấm giải, không phân biệt phim Nhà nước hay tư nhân. Việc dùng từ “chiếu cố” xúc phạm phim được giải lẫn BGK.

NSƯT Minh Châu vai Kiều và Trấn Thúy An vai Thắm trong Lạc lối. Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn
NSƯT Minh Châu vai Kiều và Trấn Thúy An vai Thắm trong Lạc lối. Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn.

Vậy để các phim Nhà nước, phim nghệ thuật ra rạp, cần điều chỉnh chính sách?

Đúng vậy. Cả thập kỷ nay Nhà nước không quan tâm chính sách phát hành cho các phim đặt hàng, phim được tài trợ kinh phí. Fafilm VN - đơn vị phát hành quốc doanh, có vẻ yếm thế kéo dài.

Trung tâm Chiếu phim quốc gia chiếu phim nghệ thuật vào giờ không thuận lợi, hạn chiếu ngắn. Khi khán giả biết, muốn đến xem thì không chiếu nữa. Tiền làm phim thiếu hụt, lấy đâu ra ngân sách cho quảng cáo, đội ngũ làm phim lâu năm lại không biết và không thể cố tạo scandal giật gân câu khách…

Nếu so sánh với điện ảnh thế giới thì sao, thưa đạo diễn?

Nhìn ra thì thật buồn, mà so sánh thì lại khập khiễng. Trong thế giới điện ảnh, Việt Nam là phần nhỏ bé, không nhiều người biết. Với những nền ĐA lớn, các quốc gia hùng mạnh có công nghiệp ĐA, dòng phim nghệ thuật còn khó phát hành, huống hồ với VN.

 Chúng tôi yêu điện ảnh và muốn sáng tạo. Tôi luôn cố hết khả năng và khi làm phim là huy động 200% sức lực cơ thể. Tôi sẽ vẫn làm phim, dù lương đạo diễn thấp hơn lương ô sin.

Khoảng cách dân trí là một trong các mấu chốt. Ở các nước phát triển, phim thị trường và phim nghệ thuật đều có chỗ đứng riêng. Những khán giả có trình độ vừa phải, không đòi hỏi cao, cần giải trí, thích phim hài, sexy, bạo lực, thì chọn phim thị trường. Còn ai thích xem phim tìm tòi, có tính nghệ thuật thì tìm đến các rạp chiếu dòng phim này.

Ở Hà Nội, trước kia có anh Quang Dũng phụ trách CLB Cinema Quân đội 87 Lý Thường Kiệt, chuyên chiếu phim kinh điển; nay còn Hanoi Cinematheque 22A Hai Bà Trưng còn duy trì bởi ông chủ nước ngoài - Gerry Herman có tâm huyết, cho chiếu phi lợi nhuận nhiều phim chất lượng của ĐAVN. Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ đã chiếu ở đây. Dòng phim nghệ thuật cần được trân trọng, bởi đó là những phim đi ra nước ngoài, thế giới biết đến ĐAVN qua phim tham dự, nhận giải ở các Liên hoan phim quốc tế (LHPQT).

Mối quan hệ cá nhân, khả năng tiếng Anh, hay điều gì giúp các đạo diễn VN tìm được cơ hội đưa phim đến các LHPQT?

Phim phải đạt mặt bằng chất lượng, kỹ thuật tiêu chuẩn mới được dự. Ngoài việc mời trực tiếp, các LH có các nhà sản xuất, chuyên gia đi tìm phim. Nếu thích, họ sẽ mời tiếp vào năm sau. Tôi đã từng sang California học tiếng Anh, đủ dùng cho công việc. Cứ làm phim tốt, có phụ đề trước đã. Một số vị rất thiện cảm với VN mà dành cơ hội cho phim VN, như ông Philippe Che sống ở Singapore và hiện làm giám đốc LHPQT Đông Nam Á, ông đã cố vấn cho LHPQT Hà Nội lần 2.

Nhưng thưa chị, các nền điện ảnh lớn có sống nhờ kinh phí Nhà nước đâu?

Chính phủ họ có chính sách cho điện ảnh phát triển. Ví dụ: ở Pháp có quỹ cho điện ảnh các nước đang phát triển, hệ thống rạp cho phim nghệ thuật, thời hạn chiếu. Với các quỹ trên, bắt buộc các nước nhận tài trợ phải có thành phần người Pháp. Như phim Tâm hồn mẹ được hỗ trợ bởi tổ chức Fond Sud (thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp), phim phải có phụ đề Pháp và người Pháp tham gia khâu âm thanh, dựng phim, nhà sản xuất, phát hành. Phim cũng được chiếu tại L’Epace Hà Nội và Idecaf TP Hồ Chí Minh.

Lạc lối là phim cuối của chị trong vai trò đạo diễn Hãng phim truyện VN. Sự vất vả quá mức để ra được phim này có làm chị muốn “lạc lối”?

Tôi cần bày tỏ điều này trước khi nói về phim của mình. Trong khi Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hoạt hình VN được đầu tư xây dựng, thì Hãng phim truyện VN vẫn tồn tại các dãy nhà cấp 4 từ 1959, tất cả đều bị dột, tường mục, chuột làm tổ. Hàng năm, hãng đều cho quét vôi che đậy sự tồi tàn xuống cấp ấy. Phòng giám đốc ẩm, mốc hết ảnh quý. Trụ sở hãng là bộ mặt của anh cả đỏ nền ĐAVN, là nơi giao dịch công việc, đối ngoại nhiều, vậy mà chúng tôi nhiều năm nay chỉ biết dùng uy tín để “chống đỡ” sự xấu hổ.

Khi tuyển diễn viên nhí, lúc các em nhỏ được bố mẹ đưa đến, họ ngạc nhiên giữa Thủ đô mà phòng có chuột chạy, mọi thứ xập xệ, điều kiện làm việc dưới mức bình thường mà phim vẫn ra đời. Anh em hưởng 60% lương tối thiểu. Cả nước lên lương mà hãng chỉ có thế. Đất cát bị tranh chấp… ĐD Thanh Vân lên phó Giám đốc nghệ thuật đúng lúc hãng khốn khổ, tôi thì về hưu từ đầu năm nay. Thực sự nếu không đi làm thêm, chúng tôi sẽ thành “lớp người dưới đáy”, lương nghệ sĩ không bằng lao công.

Thế mà phim nhựa vẫn ra đời?

Lạc lối, làm mất hơn 3 tỉ đồng, trong đó 2 tỷ đồng tôi xin của Francophonie (Pháp) và Vision Sud Est (Thụy Sĩ) hãng giúp máy móc, ô tô. Tôi và chủ nhiệm phim Cồ Khắc Ứng dốc túi bỏ vào 1 tỷ. Từ Tâm hồn mẹ đến Trò đời, ĐD Thanh Vân làm giám đốc sản xuất mà lương chỉ tượng trưng. Lạc lối suýt không có nhạc vì hết tiền. Mọi phim của tôi đều do Lương Minh viết nhạc. May là lần này anh thông cảm, đến giờ vẫn chưa có nhuận bút cho nhạc sĩ, vài người nữa vẫn phải khất.

Vì lẽ gì, chỉ sự “si tình” là đủ ư?

Đúng thế, tôi luôn có cảm xúc mãnh liệt khi nghĩ đến làm phim. Hoàn cảnh ngặt nghèo kinh khủng, phải rất yêu, hoàn toàn hy sinh mới dốc hết như thế. Chúng tôi yêu điện ảnh và muốn sáng tạo. Tôi luôn cố hết khả năng và khi làm phim là huy động 200% sức lực cơ thể. Tôi sẽ vẫn làm phim, dù lương đạo diễn thấp hơn lương ô sin.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Vi Thùy Linh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.