Lúng túng xử lý tro xỉ điện than

Xử lý tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: ĐD.
Xử lý tro xỉ tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: ĐD.
TP - Mỗi năm các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thải ra hàng chục triệu tấn tro xỉ, trong khi loại nguyên liệu này đang bị “trói buộc” bởi cơ chế, chính sách nên tồn đọng ngày một nhiều.

Đó là thực trạng được nêu ra tại hội thảo chuyên đề về việc sử dụng tro xỉ, thạch cao của các NMNĐ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL diễn ra hôm qua, 3/10, tại Cần Thơ.

Tại ĐBSCL, hiện có 3 cụm nhiệt điện chính sử dụng công nghệ đốt than phun, gồm nhiệt điện Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu. Trong đó các nhà máy đang vận hành gồm nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 vận hành từ năm 2016, đầu năm 2017 với tổng công suất 1.445MW điện, mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ.

Cũng theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao thải ra. Đến năm 2030 lượng tro, xỉ, thạch cao tăng lên khoảng 13,67 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, lượng tro, xỉ thải ra sẽ là thách thức rất lớn đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của địa phương nơi có NMNĐ nói riêng, nguy cơ các nhà máy không có đủ bãi chứa tro, xỉ tác động xấu đến môi trường sống.

Vướng rào cản pháp lý

Thứ trưởng Khánh cho biết, sau hai năm thực hiện Quyết định (1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD của các NMNĐ, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD, việc xử lý tro, xỉ, thạch cao đã đạt được một số kết quả nhất định. Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các NMNĐ, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro, xỉ sản xuất vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp không ít trở ngại cả về vấn đề pháp lý lẫn trong thực tế thị trường. Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), tro, xỉ của các NMNĐ than đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các NMNĐ than thuộc đối tượng “có khả năng” là chất thải nguy hại. Đây là rào cản pháp lý, cũng là rào cản “tâm lý” trong ứng xử của cơ quan quản lý và người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục thay đổi, cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều quy định, yêu cầu chưa phù hợp, gây khó khăn cho các nhà máy. Mặt khác, việc chậm ban hành các quy định hướng dẫn cũng gây khó khăn cho các nhà máy trong đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động…

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu tro, xỉ được sử dụng làm VLXD, san lấp thì không chỉ giải quyết đầu ra tro xỉ cho các NMNĐ mà còn giải quyết được vấn đề nan giải là tình trạng thiếu cát san lấp các công thì xây dựng, giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Ông Trần Văn Lượng–Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương): Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy. Trong đó, cần sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015, Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Chính phủ; sửa đổi QCVN 22:2009/BTNMT; sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm VLXD san nền, làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng chúng cho các mục đích khác nhau…

MỚI - NÓNG