> Lại nóng kịch đồng tính nam
>Kịch đồng tính và lá thư gửi bộ trưởng
Tối 17-5, tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội, đông đảo khán giả theo dõi vở kịch nói về chủ đề đồng tính nam “Cầu vồng lục sắc” - tác giả Như Thúy, đạo diễn NSƯT Anh Tú.
Dù là đêm diễn thứ ba nhưng chủ đề kịch đồng tính vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả. Có mặt từ sớm và chiếm phần đông là những khán giả có tuổi, tóc cũng đã pha sương, hay bạc trắng.
“Cầu vồng lục sắc” là vở diễn truyền thông, có quy mô không lớn, không quá nhiều tình tiết kịch, nhưng không phải vì vậy mà tẻ, giản đơn. Bảy nhân vật, một xã hội, thế giới của những mối quan hệ đã được phản ánh sinh động.
Ở vở diễn, ta còn thấy rõ suy nghĩ, lối sống của một góc nhỏ xã hội hiện giờ. Chuyện “ăn cơm trước kẻng” được suy nghĩ và đón nhận thoáng mở hơn trước. Song ngược lại, tình yêu đồng giới và những người đồng giới vẫn bị dư luận khắt khe, kì thị, bài xích.
Vở kịch đã động chạm được những luồng định kiến của xã hội, tâm tư của những người ở thế giới thứ ba, như những gương mặt đại diện cho định kiến xã hội, nhân vật bà Linh (do nghệ sĩ Thu Hương đóng), nhân vật ông Hùng (nghệ sĩ Duy Anh).
Nói trong nước mắt và sự khẳng định không thể có điều ngược lại: “Là đàn ông không thể yêu đàn ông” - bà Linh. Hay nhân vật Lan (diễn viên Thu Trang) – vợ Hoàng khẳng định: Cầu vồng phải là bảy sắc. Sáu sắc không thể là cầu vồng.
Những suy tư trăn trở của thế giới thứ ba cũng được phác họa thành công trong vở diễn. Tuy không đậm, không nhiều, nhưng đó là những nét rất chân thực, sâu kín. Ở đó có sự khao khát muốn được sống thật với chính bản thân, muốn mọi người xem những người bị gọi là “bóng kín” cũng bình thường như bao người bình thường khác; muốn xã hội xem tình cảm của những người đồng giới cũng trong sáng, thánh thiện như tình yêu nam – nữ bình thường.
Nhưng cũng là sự lo sợ mọi người biết đến con người – giới tính thật của bản thân. Lo sợ mọi người sẽ mất hạnh phúc. Tồn tại trong những người đồng tính là cả một khối lo sợ, và có cả cảm giác tội lỗi.
Nhân vật Minh (nghệ sĩ Đức Tâm) đã xem mình là kẻ thứ ba phá vỡ hạnh phúc của gia đình người yêu mình – Hoàng.
Là tâm trạng thật “Cả đời em nghĩ mình không bao giờ có con…” – nhân vật Minh nói với Hoàng khi con Hoàng – Lan gọi Minh là “Ba Minh, con yêu ba Minh”.
Kết thúc vở diễn là một dấu chấm hỏi lớn lơ lửng, lơ lửng giữa lời khẳng định của Lan "sáu sắc không thể là cầu vồng”.
Kết thúc vở diễn là dấu chấm hỏi lơ lửng cho tình yêu của các nhân vật. |
Vở diễn cũng khá thành công trong việc thu hút khán giả khi có những tình tiết, nhân vật gây cười. Nhưng đôi lúc vẫn có những sự gắng gượng, “kịch”.
Chẳng hạn, sự liên tưởng quá xa, có phần áp đặt của nhân vật Hồng về từ một chiếc nhẫn; hay nhân vật Trang – nhân viên mới ở công ty khi diễn tả mối quan hệ Hoàng – Minh – Lan.
Hai diễn viên thể hiện vai Hoàng và Minh vẫn chưa thực sự sắc. Nhất là những đoạn thể hiện cảm xúc của hai người bên cạnh nhau người, có phần gắng gượng, khô.
Song với một vở kịch truyền thông, và đạo diễn có sự lựa chọn thi vị hóa thay cho những cảnh "sốc", Tùng Linh (nhân vật Hoàng) và Đức Tâm (nhân vật Minh) đã khá tròn vai.
Có phần góp vào sự thành công của vở diễn là phần nhạc nền. Xuyên suốt vở diễn nhạclà ca khúc “Lại gần hôn anh” với giọng hát của Bằng Kiều.
Ca khúc khá hợp ý với tâm trạng của các nhân vật. Đó là tình yêu khát khao được gần nhau của Hoàng – Minh, hay của Lan – Hoàng.
Tình yêu không có tội! Liệu bao giờ sẽ thôi hết dấu chấm hỏi cho tình yêu!?
Một số hình ảnh về câu chuyện "Cầu vồng lục sắc":
Tình yêu của hai con người đồng giới. Hoàng trao nhẫn cho Minh và ước muốn được công khai tình yêu của mình. |
Tình yêu đồng giới - cầu vồng lục sắc của Hoàng và Minh lâu rồi cũng bị mọi người biết. |
Sau đó là những chuỗi của những đấu tranh, những kì thị, ép buộc của những người thân trong gia đình. |
Nước mắt của người mẹ đã rơi khi phát hiện ra giới tình của đứa con trai độc nhất. |
Mệt mỏi của những con người phải che giấu con người thực, cảm xúc thực của mình tránh sự kì thị của mọi người. |
Vì những người thân ép buộc, đồng thời cũng như một bức bình phong che giấu bản thân, Hoàng cũng có vợ con. Nhưng khi sự thật giới tính của Hoàng được Lan phát hiện là chuỗi của sự oán trách, đổ vỡ. |
Vở diễn đã thể hiện được không ít góc sâu kín của thế giới cuộc sống tâm hồn của người đồng giới nam. |
Vở diễn không chỉ có phần bi mà còn có những tình tiết hài đã nhẹ nhàng phản ánh tới quan điểm, dư luận của xã hội về tình yêu. |