Vì sao không trải đều liên kết?
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị hiện đã phê duyệt cho khoảng 20 trung tâm ngoại ngữ đủ điều kiện vào liên kết với các trường học. Về nguyên tắc, khi đủ điều kiện các trung tâm sẽ liên hệ với nhà trường để triển khai việc dạy học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, hiện nay các quận, huyện không thực hiện liên kết dạy học rải đều ra 20 trung tâm mà chỉ tập trung vào liên kết với 3-5 đơn vị. Ví dụ, quận Long Biên (Hà Nội) hiện có 112 trường, trong đó 76 trường công lập liên kết dạy học ngoại ngữ với 5 trung tâm gồm: Language Link; Trung tâm Anh ngữ Bình Minh, Trung tâm Phonics; Trung tâm Dyned; Trung tâm Dream Sky. Hay các trường tại quận Tây Hồ, thực hiện liên kết với các trung tâm gồm: Phonics; trung tâm Bình Minh; Trung tâm Victoria; Trung tâm ASC, Eduplay, Trí Đức. Các trường tại quận Nam Từ Liêm phối hợp học ngoại ngữ với các trung tâm gồm: Bình Minh, Victoria; Language Link; IEJ…
Trả lời câu hỏi, vì sao chỉ lựa chọn 3-5 trung tâm này thay cho việc lựa chọn đồng đều trong 20 trung tâm đã được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt, các trưởng phòng GD&ĐT đều lý giải rằng “đó là những trung tâm phù hợp với nhu cầu”, nhưng rất tiếc lại không đưa ra được tiêu chí cụ thể để lựa chọn. Bởi nếu tính về giá, theo tìm hiểu của PV, đa số các trung tâm hiện nay đều có mức thu chung khoảng 150 -200.000 đồng/tháng/học sinh. Một số trung tâm có mức thu cao như Eduplay (450 nghìn); Language Link (660 nghìn)… Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu dăm ba trung tâm này có mối quan hệ đặc biệt nào với những người trong cuộc?
Điều đáng nói, khi thực hiện việc liên kết với các trung tâm để dạy học ngoại ngữ, các trường đều nhận được mức phần trăm chiết khấu. Thậm chí, có trường còn đưa hẳn số lượng phần trăm chiết khấu vào đề án. PV Tiền Phong có trong tay đề án Dự toán kinh phí của một trường tiểu học tại Hà Nội, triển khai học tiếng Anh 2 tiết/tuần. Trung tâm thu học sinh 150 nghìn đồng/tháng.
Trong đó, đề án ghi rõ: “Đơn vị liên kết sử dụng 80% tiền học phí và nhà trường sử dụng 20%. Điều đáng nói, 80% của đơn vị liên kết chi vào nội dung gì, được thể hiện rất rõ trong đề án như: chi phí dụng cụ, văn phòng phẩm; tổ chức hoạt động cho học sinh, giáo viên trong năm; trả lương giáo viên bản ngữ, giáo viên trợ giảng; chi lương cho công tác quản lý, tuyển dụng, đào tạo giáo viên và giám sát chuyên môn; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học. Trong khi đó, phần quy định 20% chiết khấu lại cho nhà trường chỉ ghi gọn lỏn: “Chi phí liên quan đến công tác quản lý tổ chức, chi phí cơ sở vật chất”.
Có lãnh đạo nắm được, có người không?
Một trưởng phòng GD&ĐT trao đổi với Tiền Phong, dù mức chiết khấu là việc thỏa thuận giữa trung tâm và nhà trường, tuy nhiên, trường phải báo cáo phòng phê duyệt. Vì vậy, trung tâm nào chiết khấu bao nhiêu %, ông đều nắm rất rõ. Cụ thể, trung tâm thu số tiền lớn, sẽ chiết khấu % nhỏ và trung tâm thu số tiền ít sẽ chiết khấu % cao hơn. Trong đề án, cũng không nói rõ việc chiết khấu % cho phụ huynh.
“Cũng phải nói nhiều trưởng phòng GD chẳng hiểu nhiều, vì khi đưa vào trình độ ngoại ngữ mình không có. Xuống trường ông hiệu trưởng thích đông thôi còn việc chất lượng không để ý đến”.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Tây Hồ nói về các Chương trình Tiếng Anh liên kết
Vị trưởng phòng này cho biết, 20% tiền chiết khấu sẽ được chi cụ thể như: 5% cho cơ sở vật chất; 5% cho công tác quản lý ban giám hiệu, 10% cho quản lý giáo viên chủ nhiệm và những phần việc khác. Theo vị trưởng phòng này thì các trung tâm chi % cho các trường đều giống nhau nhưng họ có một cách “rút ruột” khác nữa đó là việc đưa ai vào để dạy. “Ví dụ, thuê tây ba lô giá khác, giáo viên Việt Nam dạy cũng trả mức phí khác. Vì vậy, nếu người quản lý không theo dõi sát, sẽ có chuyện trung tâm đưa tây ba lô vào dạy cho trẻ. Khi đó, chất lượng sẽ không đảm bảo”, ông nói.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên chia sẻ, việc lựa chọn trung tâm nào để liên kết là quyền của các trường, phòng GD&ĐT không giới thiệu. Việc thực hiện dạy học liên kết và trích % là thỏa thuận giữa nhà trường và trung tâm. Phòng GD&ĐT không nắm được. Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT quận này, việc chi % không phải chi để phục vụ mà nhằm để vận hành nhiều việc, sau đó có bộ phận tài chính giám sát. “Cũng như mình quan niệm, làm gì cũng phải được ăn lương. Quan trọng là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền chi tiêu công minh trước hội đồng sư phạm”, vị này nói.
Chưa yên tâm về chất lượng
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho rằng, việc liên kết dạy học ngoại ngữ hiện nay cơ bản đang dạy theo phương thức đại trà (50-60 học sinh/lớp). Từng là giáo viên ngoại ngữ nên tìm hiểu ông thấy nhiều bất cập, về chương trình và phối hợp quản lý.
Khi các trung tâm đến làm việc để “bán chương trình”, họ đưa giáo trình soạn sẵn, giáo viên quen thuộc. Nếu các cấp quản lý khoán hết cho trung tâm sẽ khó có kết quả. “Cũng phải nói nhiều trưởng phòng GD chẳng hiểu nhiều, vì khi đưa vào trình độ ngoại ngữ mình không có. Xuống trường ông hiệu trưởng thích đông thôi còn việc chất lượng không để ý đến.”, ông Vũ nói.
Về chương trình, ông Vũ cũng chỉ ra sự bất cập ở chỗ người dạy cứ dạy, yêu cầu học trò đạt được đầu ra cam kết không rõ ràng vì học sinh vẫn học lấy điểm theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Vô hình trung học sinh cùng lúc học theo 2 phương pháp khác nhau. Như vậy, nói là bổ trợ nhưng không bổ trợ gì cả. Vì bổ trợ có nghĩa là giúp cho cái mình đang học. Vì thế, để tiếp tục triển khai, Phòng GD&ĐT Tây Hồ yêu cầu tất cả các trung tâm phải sửa giáo trình theo chương trình của Bộ. Đưa giáo viên ngoại ngữ của trường vào trợ giảng.